Ai sẽ 'bắt đáy' khi giá vàng ở ngưỡng hỗ trợ 3.200 USD?

Thị trường vàng đã trải qua bốn tuần đầy biến động dữ dội, khi giá vượt mốc 3.000 USD/ounce và tăng vọt lên đỉnh cao kỷ lục 3.500 USD/ounce. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích vẫn chưa vội “buông tay” với kim loại quý này, ngay cả khi nhiều nhà đầu tư bắt đầu chốt lời.

Sau đợt bán tháo đáng kể trong phiên đêm ngày 1/5, giá vàng đang hướng đến việc kết thúc phiên giao dịch tại Bắc Mỹ với mức giảm 2%, dao động quanh mốc 3.200 USD/ounce. Giao dịch gần nhất ghi nhận giá vàng giao ngay ở mức 3.223 USD/ounce, giảm 1,9% trong ngày, theo Kitco News.

Tại đáy trong phiên, giá vàng đã giảm 8,5% so với mức đỉnh của tuần trước, gần tương đương với mức điều chỉnh 9% sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5/11.

Một số chuyên gia cảnh báo giá vàng có thể giảm sâu hơn nữa, nhưng nhiều người vẫn kỳ vọng các đợt điều chỉnh này sẽ tiếp tục là cơ hội mua vào, khi đà tăng kéo dài suốt hai năm qua vẫn còn nguyên vẹn.

Mặc dù mức điều chỉnh hiện tại là đáng kể, một số nhà phân tích lưu ý rằng điều này không gây quá nhiều bất ngờ, khi các nhà đầu tư đầu cơ đã bắt đầu bán ra từ cuối tháng Ba.

Theo dữ liệu giao dịch mới nhất của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Mỹ (CFTC), vị thế mua ròng của vàng đã giảm 34% trong năm tuần qua, còn 120.902 hợp đồng.

Ông David Morrison, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Trade Nation mới đây hoài nghi liệu mốc hỗ trợ 3.200 USD có thực sự vững chắc và cho rằng giá có thể giảm thêm.

“Chỉ báo MACD khung ngày đang quay đầu giảm, cho thấy đà giảm vẫn chiếm ưu thế. Dù 3.200 USD là một con số tròn đẹp, nhưng có lẽ không đủ sức cản phe bán. Nếu lực bán tiếp tục mạnh, giá có thể rơi về 3.150 USD, thậm chí 3.000 USD để thử thách quyết tâm của phe mua,” ông nói.

Một số chuyên gia cho rằng vàng đang chịu áp lực đảo chiều trong bối cảnh tâm lý thị trường toàn cầu đang cải thiện dần. Tổng thống Donald Trump tuyên bố chính quyền của ông đang đạt tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại — kết quả từ chính sách thuế quan toàn cầu gây tranh cãi.

Tuy vậy, các chuyên gia như Morrison cảnh báo rằng thị trường cần bằng chứng cụ thể cho thấy các cuộc đàm phán thực sự tiến triển.

“Cần lưu ý rằng tâm lý thị trường có thể đảo chiều rất nhanh. Việc ông Trump im lặng về thuế quan không có nghĩa là chiến tranh thương mại đã kết thúc,” ông nhấn mạnh.

Ông Aaron Hill, chuyên gia phân tích trưởng tại FP Markets — một công ty môi giới toàn cầu có trụ sở tại Australia — cũng theo dõi sát các cuộc đàm phán thuế để xác định xu hướng ngắn hạn của vàng.

“Nếu các thỏa thuận quan trọng được ký kết, tài sản rủi ro có thể tiếp tục tăng giá, làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Khi căng thẳng thương mại hạ nhiệt, dòng vốn thường rút khỏi các tài sản trú ẩn như vàng và chuyển sang cổ phiếu hoặc hàng hóa công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có rủi ro rằng các tuyên bố hiện tại chỉ là động thái chính trị hơn là chính sách thực sự. Khi đó, nếu giá vàng sụt mạnh mà không có tiến triển thực chất, vàng hoàn toàn có thể bật lại,” ông viết trong một báo cáo.

Mặc dù tâm lý thị trường hiện bị chi phối bởi bất ổn địa chính trị, ông Hill cho biết vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ cho vàng. Ông nhận định rằng nền kinh tế đang chậm lại, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gặp khó khi duy trì lập trường trung lập về chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát dai dẳng.

“Ông Trump nhiều lần kêu gọi giảm lãi suất, cho rằng đây là yếu tố then chốt để giữ sức cạnh tranh kinh tế và hỗ trợ thị trường nội địa. Với lạm phát vẫn cao và thị trường lao động mới chỉ bắt đầu yếu đi, Fed đang đi trên dây. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng và nếu số liệu NFP (việc làm phi nông nghiệp) yếu đi, Fed có thể có lý do chính trị để mềm giọng mà không bị cho là nhượng bộ trước áp lực từ Trump,” ông Hill nhận định.

“Trong ngắn hạn, vàng có thể tiếp tục chịu áp lực nếu tâm lý rủi ro chiếm ưu thế và dữ liệu việc làm khả quan. Nhưng nếu các cuộc đàm phán thương mại đình trệ hoặc thị trường lao động xấu đi, vàng hoàn toàn có thể trở lại vị thế được ưa chuộng — và rất nhanh,” ông nói thêm.

Ông Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại TD Securities, cho biết mặc dù giá vàng có thể giảm tiếp, ông xem đây là cơ hội để mua vào.

Ông Melek nhận định các cuộc đàm phán thuế quan khả quan có thể kéo giá vàng xuống 3.000 USD/ounce, nhưng ông vẫn giữ kỳ vọng giá vàng trung bình đạt khoảng 3.500 USD trong quý IV năm nay.

“Có lẽ đã quá muộn để đạt các thỏa thuận thương mại đủ sức ngăn suy thoái kinh tế và lạm phát cao. Điều này đồng nghĩa Fed có thể sẽ phải cắt giảm lãi suất trong một môi trường thực tế là đình lạm,” ông nói.

“Đồng thời, nhiều mối quan hệ giữa Mỹ và các đối tác thương mại, chiến lược quan trọng đã bị rạn nứt, cho thấy xu hướng dịch chuyển khỏi USD và trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ tiếp diễn. Điều này hàm ý rằng nhà đầu tư và ngân hàng trung ương sẽ quay lại với vàng — kể cả các nhà giao dịch ngắn hạn khi chi phí nắm giữ giảm nhờ Fed nới lỏng.”

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá thực phẩm toàn cầu cao nhất trong 2 năm

Theo hãng tin Bloomberg, giá thực phẩm toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm vào tháng tư vừa qua, cho thấy sự không chắc chắn về thuế quan đang bắt đầu gây sức ép lên thương mại thế giới.

Nhu cầu vàng miếng quý I của Việt Nam giảm mạnh vì giá leo thang

Giá vàng liên tục leo thang khiến nhu cầu vàng miếng và vàng trang sức giảm mạnh trong quý I - giai đoạn cao điểm của năm. Trong đó, nhu cầu vàng miếng giảm mạnh 15%.

Giá lúa gạo hôm nay 2/5: Gạo Ấn Độ lập đỉnh gần một tháng do đồng Rupee tăng giá

Giá lúa gạo hôm nay (2/5) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giữ ổn định trong kỳ nghỉ lễ. Trên thị trường thế giới, giá gạo Ấn Độ tăng lên mức cao nhất trong gần một tháng, do được hỗ trợ bởi đồng Rupee mạnh lên mặc dù nhu cầu vẫn yếu.

Giá thép HRC tại Mỹ hạ nhiệt

Mức giá 975 USD trước đó được đẩy lên cao do thị trường biến động sau khi Mỹ áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện tại giá đã điều chỉnh về mức 952 USD/tấn.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO