Một hội chợ việc làm tại North Carolina, Mỹ. (Ảnh: Getty Images).
Thị trường việc làm Mỹ đã tăng trưởng mạnh hơn dự kiến vào tháng 4, bất chấp lo ngại về tác động từ chính sách thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với các đối tác thương mại.
Cụ thể, theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 2/5, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 177.000 việc làm trong tháng 4, thấp hơn một chút so với con số 185.000 trong tháng 3 nhưng cao hơn ước tính của Dow Jones là 133.000.
Chăm sóc sức khoẻ tiếp tục là lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm mới nhất khi tuyển dụng thêm 51.000 lao động. Các lĩnh vực cũng ghi nhận mức tăng việc làm đáng kể bao gồm vận tải và kho bãi (29.000), tài chính (14.000) và hỗ trợ xã hội.
Chính phủ liên bang báo cáo giảm 9.000 việc làm trong tháng 4 trong bối cảnh Cơ quan Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk dẫn dắt tiếp tục cắt giảm biên chế trong khu vực công.
Theo Bộ Lao động Mỹ, số việc làm trong chính phủ liên bang chỉ giảm 26.000 kể từ tháng 1, vì những nhân viên phải nghỉ việc nhưng vẫn nhận trợ cấp thôi việc không được tính là thất nghiệp.
Tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức 4,2%, đúng như dự đoán của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones. Điều này cho thấy thị trường lao động Mỹ đang tương đối ổn định.
Cuộc khảo sát các hộ gia đình - đầu vào để tính tỷ lệ thất nghiệp - cho thấy mức tăng việc làm thậm chí còn mạnh hơn. Theo đó, số người báo cáo có việc làm trong tháng 4 tăng đến 436.000.
Một thước đo rộng hơn về tình trạng thất nghiệp - bao gồm cả những lao động chán nản và những người làm công việc bán thời gian vì lý do kinh tế - giảm nhẹ xuống còn 7,8%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng nhẹ lên mức 62,6%.
Về mặt tiền lương, thu nhập trung bình theo giờ của người lao động Mỹ chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, thấp hơn dự báo tăng 0,3%. So với cùng kỳ năm trước, thước đo này đi lên 3,8%, cũng thấp hơn 0,1 điểm % so với dự kiến và là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2024.
Trong báo cáo mới, Bộ Lao động Mỹ còn điều chỉnh giảm số liệu việc làm những tháng trước đó. Đối với tháng 3, số việc làm mới giảm 43.000 xuống 185.000. Số việc làm mới tháng 2 giảm 15.000 so với ước tính ban đầu, xuống còn 102.000.
Báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố trong thời điểm bức tranh kinh tế trở nên không chắc chắn sau khi Tổng thống Trump công bố chính sách thuế quan đối ứng vào đầu tháng 4.
Ban đầu, ông Trump áp thuế đối ứng tối thiểu 10% với tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ và áp đặt các mức thuế cao hơn với gần 60 đối tác thương mại lớn hơn. Tuy nhiên sau đó, ông đã hoãn áp các mức thuế cao hơn trong 90 ngày để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán.
Trong những ngày gần đây, các quan chức Nhà Trắng đã tiết lộ rằng chính phủ Mỹ sắp ký thoả thuận thuế quan với một số quốc gia, mặc dù vẫn chưa có thông báo chính thức nào.
Báo cáo cũng được công bố ngay trước cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.
Trong những ngày gần đây, các quan chức Fed đã bày tỏ mối lo lớn hơn về tác động tiềm tàng của thuế quan lên lạm phát. Họ hàm ý Fed sẽ chờ đợi và quan sát trước khi điều chỉnh lãi suất.
Thị trường nhìn chung kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp. Song, họ dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 6 và tiếp tục hạ thêm hai hoặc ba lần trong nửa cuối năm nay.
Chứng khoán tăng vọt vào ngày 2/5 sau khi Phố Wall tiếp nhận báo cáo việc làm tháng 4 tốt hơn dự kiến, làm giảm bớt lo ngại về suy thoái và đưa S&P 500 lên chuỗi tăng trưởng dài nhất chỉ trong hơn hai thập kỷ.
Nếu Mỹ áp thuế đối với thuốc nhập khẩu, chi phí sản xuất trong toàn bộ chuỗi giá trị dược phẩm sẽ như thế nào?
Tuy chưa ngừng kêu gọi ngân hàng trung ương hạ lãi suất, Tổng thống Donald Trump đã giảm bớt những lời chỉ trích nhắm vào Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Quan chức cấp cao của Nhật Bản cho biết Tokyo đặt mục tiêu đạt thoả thuận thương mại với Washington vào tháng 6.