Vĩ Mô 22/07/2025 15:03

'Bài toán' tăng trưởng GDP 2025 8,3 - 8,5%: Giải bằng cách nào?

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế GDP năm 2025 tăng 8,3–8,5%, tạo đà cho giai đoạn tăng trưởng hai chữ số. Vậy đâu sẽ là lời giải cho mục tiêu đầy tham vọng này?

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trước đó xác định năm nay GDP phải tăng 8% trở lên.

Tuy vậy, Chính phủ đưa ra con số cụ thể là cả nước cần đạt mức tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 8,3 - 8,5%, tạo đà để đạt mức hai chữ số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, để đạt được mục tiêu này, tăng trưởng quý III phải đạt 8,9 - 9,2% so với cùng kỳ (cao hơn kịch bản 0,6 - 0,9%); quý IV đạt 9,1 - 9,5% (cao hơn kịch bản 0,7 - 1,1%). 

Theo đó, các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 25 của Chính phủ, nhất là các địa phương đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước như: TP Hà Nội tăng 8,5% (cao hơn 0,5%), TP HCM 8,5% (cao hơn 0,4%), Quảng Ninh 12,5% (cao hơn 1%), Thái Nguyên 8% (cao hơn 0,5%)…

Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.

Những nền tảng hỗ trợ quan trọng

Nhìn nhận mục tiêu này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng mục tiêu này tuy cao, nhưng vẫn có những nền tảng nhất định để kỳ vọng.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm đã vượt 7,5%, tiến sát mốc 8%. Theo chu kỳ, nửa cuối năm sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn.

Thứ hai, đầu tư công đạt hơn 268.100 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng mạnh so với cùng kỳ cả về số tuyệt đối và tỷ lệ, cho thấy chuyển biến rõ rệt trong thực thi. Đầu tư công đang trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều lĩnh vực vẫn gặp khó. Nhiều dự án trọng điểm như cao tốc, sân bay, và vành đai được đẩy nhanh tiến độ, thậm chí về đích sớm.  

Tuy vậy, giải ngân đầu tư công hiện mới chỉ đạt hơn 30% mục tiêu đề ra. Trong khi, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 8%, Thủ tướng đã yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công một cách hiệu quả.

Dẫn số liệu của Cục Thống kê, ông Thành cho biết cứ mỗi 1% vốn đầu tư công được giải ngân sẽ giúp GDP tăng thêm khoảng 0,06 điểm %.

“Đặc biệt, nếu các dự án được triển khai tốt, không chỉ mang lại hiệu quả trực tiếp, mà còn tạo sức lan tỏa lớn đối với toàn nền kinh tế từ việc củng cố niềm tin của khu vực tư nhân, thu hút FDI, đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam”, ông Thành nêu rõ.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse cho biết trong 6 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh nội địa của doanh nghiệp khá yếu, chỉ tăng trưởng khoảng 5–10%. Tuy nhiên, xuất khẩu, đặc biệt sang thị trường Mỹ, lại tăng gần gấp 1,5 lần so với cùng kỳ, trở thành điểm sáng trong bức tranh chung.

Từ thực tế đó, ông Phú cho rằng để đạt được tăng trưởng hai con số một cách bền vững, cần cải thiện mạnh mẽ môi trường thể chế và điều hành kinh tế. Trong đó, một trong những ưu tiên hàng đầu là hiện đại hóa và số hóa các quy trình hành chính liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt ở cấp địa phương.

“Nếu các thủ tục như đất đai, giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy hay đánh giá tác động môi trường được chuẩn hóa, quản lý bằng hệ thống điện tử thống nhất, giống như hiện nay đang áp dụng với thuế hay hải quan, sẽ tạo bước chuyển căn bản trong cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, góp phần mở rộng không gian tăng trưởng trong dài hạn", ông Phú nêu rõ. 

Cùng với cải cách hành chính, ông Phú nhấn mạnh yêu cầu phát triển các ngành nghề mới, đặc biệt là những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, quy mô toàn cầu và tiềm năng tăng trưởng lớn. Tuy nhiên, để bước vào các lĩnh vực này, cần có sự đồng hành chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

“Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo, lựa chọn ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế quốc gia hoặc địa phương, đồng thời có cơ chế sàng lọc, hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực, khát vọng vươn ra quốc tế”, ông Phú kỳ vọng.

Mở rộng không gian tăng trưởng

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay, Việt Nam cần đồng bộ triển khai bốn trụ cột chính xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và ổn định vĩ mô.

Trước hết, trong bối cảnh thương mại toàn cầu còn nhiều bất định và xu hướng bảo hộ gia tăng, xuất khẩu hàng hóa cần tiếp tục được duy trì đà tăng, với mức tăng tối thiểu 10%. Đồng thời, xuất khẩu dịch vụ cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhằm giảm mức thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ, điểm yếu lâu nay của nền kinh tế.

Về đầu tư, ngoài mục tiêu giải ngân 100%, cần đặc biệt quan tâm đến phân bổ đều giữa các bộ, ngành và địa phương cũng như nâng cao chất lượng dự án.

Về tiêu dùng, ông đề xuất Chính phủ cần có một đề án riêng về kích cầu tiêu dùng nội địa. Trước mắt, có thể triển khai một số biện pháp cụ thể như đẩy nhanh thanh toán các khoản trợ cấp cho cán bộ nghỉ hưu sớm hoặc chuyển công tác, thúc đẩy hoạt động du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước.

“Những biện pháp này không chỉ giúp cải thiện tổng cầu mà còn hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn xuất khẩu khó khăn”, ông Lực nêu rõ.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Nguyễn Ngọc) 

Bên cạnh các giải pháp trực tiếp về cầu cung, ông Lực cũng lưu ý đến yêu cầu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát trong ngưỡng 4–4,5%. Đặc biệt, cần đẩy mạnh phòng chống lãng phí là một nguồn lực lớn nếu được khơi thông hiệu quả sẽ góp phần đáng kể vào tăng trưởng.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh, vai trò ngày càng lớn của khu vực tư nhân trong đầu tư hạ tầng. Trong đó, việc sửa đổi hàng loạt luật như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Khoa học và Công nghệ… đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc, cao tốc Bắc – Nam, sân bay, cầu cảng.

“Nếu đảm bảo được tiến độ và chất lượng, khu vực tư nhân có thể trở thành một trụ cột mới của tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn”, ông Lực kỳ vọng.

Một yếu tố cải cách đang mở ra không gian tăng trưởng mới theo chuyên gia Võ Trí Thành là việc tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền hai cấp.

Điều này đã mở ra một không gian thể chế mới, tạo điều kiện để phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn. Qua đó, giúp các địa phương và bộ ngành phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng tính chủ động, sáng tạo và hành động quyết liệt hơn.

Không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, mô hình này còn đóng vai trò như một động lực thể chế quan trọng, thúc đẩy sự vận hành linh hoạt, phù hợp với thực tiễn từng địa phương, nhất là trong triển khai các chương trình đầu tư công, xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số…

"Đây chính là những yếu tố then chốt để tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế”, ông Thành nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, để mô hình hai cấp thực sự phát huy hiệu quả, vẫn cần thêm thời gian để các địa phương thích nghi, đặc biệt trong công tác quy hoạch. Bởi lẽ, quy hoạch mới không còn là phép cộng cơ học của các địa phương cũ, mà đòi hỏi một tư duy tích hợp, liên kết vùng và xác định rõ lợi thế cạnh tranh mới.

"Trong bối cảnh đó, vai trò người đứng đầu càng trở nên quan trọng. Không chỉ ở tầm nhìn chiến lược mà còn ở khả năng tổ chức thực thi và dám chịu trách nhiệm", ông Thành nêu rõ. 

Ngọc Bảo
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 22/07/2025 20:50
Xây dựng phương án giải phóng mặt bằng cho Khu Thương mại tự do Đà Nẵng

UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng về thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng, theo Báo Chính phủ.

Vĩ Mô 22/07/2025 20:25
Quảng Trị gỡ khó giải phóng mặt bằng dự án đường sắt tốc độ cao

Ngày 22/7, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức buổi làm việc với các ngành, đơn vị và địa phương liên quan tới giải phóng mặt bằng dự án đường sắt tốc độ cao, đoạn đi qua địa phận tỉnh.

Vĩ Mô 22/07/2025 20:15
Bộ Tài chính: Thuế 20% trên lãi bất động sản có thể lợi hơn mức 2% hiện hành trong một số trường hợp

Theo Bộ Tài chính, phương án thu 20% thuế thu nhập cá nhân trên phần chênh lệch giữa giá bán và giá mua bất động sản được đánh giá tương đương mức 2% trên giá chuyển nhượng hiện hành. Trong một số trường hợp, cách tính này còn có thể có lợi hơn cho người bán, do phản ánh đúng thu nhập thực tế từ giao dịch.

Vĩ Mô 22/07/2025 19:36
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Sumitomo đầu tư các dự án hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đề nghị với có uy tín, tiềm lực tài chính, Tập đoàn Sumitomo tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư tại Việt Nam với tiến độ triển khai nhanh và hiệu quả hơn.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO