Ngày 10/4 tới đây, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways – Mã: BAV) sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bàn về phương án chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông để tái cấu trúc khoản vay và phát hành cổ phần cho nhà đầu tư mới.
Cụ thể, Bamboo Airways dự định phát hành 772 triệu cổ phần để hoán đổi các khoản nợ thành cổ phần theo thỏa thuận giữa công ty hàng không này với chủ nợ. Tổng giá trị các khoản nợ được hoán đổi bao gồm lãi và gốc đã phát sinh theo các hồ sơ tín dụng tính đến ngày 10/4/2023 – tức là ngày tổ chức đại hội bất thường.
Dự kiến đại hội cổ đông sẽ ủy quyền cho Hội đồng quản trị (HĐQT) quyết định danh sách chủ nợ và khoản nợ được hoán đổi cổ phần.
Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cổ phần, tương đương tỷ lệ hoán đổi 1:1, nghĩa là 10.000 đồng nợ hoán đổi được một cổ phần phát hành thêm.
Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng lên kế hoạch phát hành 185 triệu cổ phần cho nhà đầu tư mới. Đại hội cổ đông dự kiến sẽ ủy quyền cho HĐQT chủ động tìm kiếm, quyết định các tiêu chí lựa chọn và thông qua danh sách nhà đầu tư tham gia mua cổ phần riêng lẻ và số lượng cổ phần chào bán cho từng nhà đầu tư. Giá phát hành dự kiến cho nhà đầu tư mới cũng là 10.000 đồng/cổ phần.
Nếu các kế hoạch phát hành của Bamboo Airways diễn ra suôn sẻ, hãng hàng không này sẽ thu về 1.850 tỷ đồng tiền mặt, đồng thời được xóa khoản nợ trị giá 7.720 tỷ đồng và vốn điều lệ tăng thêm tổng cộng 9.570 tỷ đồng.
Hiện nay Bamboo Airways có vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng, tương đương 1,85 tỷ cổ phần. Tổng số cổ phần dự kiến phát hành là 957 triệu đơn vị, bằng 51,7% số cổ phần hiện nay và 34,1% tổng số cổ phần sau phát hành.
Sau khi phát hành để hoán đổi nợ và thu hút nhà đầu tư mới, vốn điều lệ của Bamboo Airways sẽ tăng lên thành 28.070 tỷ đồng, tương đương hơn 2,8 tỷ cổ phần. Với quy mô vốn này, Bamboo Airways sẽ vượt qua Vietnam Airlines và ACV để đứng đầu ngành hàng không Việt Nam.
Các cổ phần mới phát hành sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Kế hoạch phát hành dự kiến được thực hiện ngay trong năm 2023 này. Toàn bộ cổ phần phát hành được ưu tiên chào bán cho cổ đông hiện hữu của Bamboo Airways theo tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của cổ đông với giá phát hành dự kiến.
Số cổ phần còn lại sau khi cổ đông hiện hữu không đăng ký mua sẽ được phân bổ theo thứ tự ưu tiên: Trước hết là hoán đổi các khoản nợ với chủ nợ, sau đó là phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.
Hồi tháng 3 vừa qua, Bamboo Airways cho biết hãng dự kiến phát hành thêm tối đa 996,15 triệu cổ phiếu BAV, tương ứng với 35% tổng số cổ phần sau khi phát hành. Thông báo khi đó chưa có các số liệu chi tiết về lượng cổ phần dùng để hoán đổi nợ, để phát hành cho nhà đầu tư mới, hay giá chào bán cụ thể.
Tính đến tháng 3 vừa qua, Tập đoàn FLC đang sở hữu 21,7% vốn của Bamboo Airways, tương đương 4.015 tỷ đồng. Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cho biết hãng hàng không này đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ là cựu Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan.
Nhà đầu tư mới, ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần, cũng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do các cổ đông cũ đã dùng chính cổ phần Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp cho các ngân hàng.
Đồng thời, nhà đầu tư mới cũng hỗ trợ cho cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết một khoản tiền riêng được nộp vào tài khoản phong tỏa của cơ quan cảnh sát điều tra để khắc phục hậu quả (nếu có) theo vụ án. Ông Quyết có nhiều năm đồng thời giữ chức Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn FLC và Bamboo Airways, nhưng đã mất cả hai vị trí này khi ông bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 29/3/2022.
CEO Nguyễn Mạnh Quân cũng tiết lộ Bamboo Airways đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ một số nhà đầu tư lớn chung tay giúp hãng vượt qua khủng hoảng. Điển hình như Công ty cổ phần Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS – Mã: SBT) vừa thông qua việc triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức niên độ 2022 - 2023 và 2023 - 2024.
BW Industrial là liên doanh giữa ông lớn bất động sản khu công nghiệp Becamex IDC và quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus.
Ông Phan Anh Tuấn đã gắn bó với Chứng khoán Navibank từ 2014.
Sau cái bắt tay tại trung tâm thương mại Saigon Centre hay còn được biết đến với tên gọi khác là trung tâm thương mại Takashimaya, nhóm nhà phát triển Nhật Bản và Singapore đang rục rịch hợp tác phát triển các giai đoạn tiếp theo.