Năm 2024, Công ty cổ phần Hạ tầng Nước Sài Gòn (Saigon Water - Mã: SII) ghi nhận sự đột biến trong hoạt động kinh doanh với mức lãi kỷ lục 522 tỷ đồng, nhờ tăng cường cấp nước và thanh lý tài sản.
Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu cung cấp nước sạch tăng trưởng 12% lên 253 tỷ đồng. Doanh thu tài chính đột biến 660 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ, chủ yếu từ bán công ty liên kết CTCP Đầu tư nước Tân Hiệp.
Lãi đột biến từ bán nhà máy nước
Ngày 31/12/2024, Saigon Water hoàn tất chuyển nhượng 40,85% cổ phần nắm giữ tại công ty này. Phần còn lại 2,15% sẽ được chuyển nhượng nốt trong năm 2025.
Ngày 11/11/2024, Hội đồng quản trị thông qua chủ trương thoái vốn Công ty cổ phần Đầu tư nước Tân Hiệp và Công ty cổ phần B.O.O Nước Thủ Đức với tổng giá trị thoái vốn không thấp hơn 900 tỷ đồng.
Đây là hai tài sản rất lớn của doanh nghiệp, tính theo giá trị thoái vốn tối thiểu như trên, hai khoản đầu tư này tương đương với 41% tổng giá trị tài sản tại ngày 30/9/2024, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024.
Đầu tư nước Tân Hiệp là chủ nhà máy nước Tân Hiệp 2 với công suất thiết kế đến 300.000 m3/ngày. Trong khi các nhà máy nước khác (thuộc các công ty con của Saigon Water) ghi nhận sản lượng thực tế bình quân trong năm 2024 là 85.711 m3/ngày.
Theo báo cáo thường niên của Saigon Water, dự án nhà máy nước Tân Hiệp 2 đã đi vào hoạt động từ 2017 và liên tục đạt được thành quả tốt, mang lại nguồn thu lớn cho công ty với tỷ suất lợi nhuận ròng luôn ở mức cao (45% năm 2024, trung bình 2021-2024 khoảng 42%).
Ban lãnh đạo nhận định trong tương lai, khi dự án hoạt động hết công suất và với việc trả dần các khoản nợ vay, tỷ suất này sẽ được nâng cao hơn nữa.
Bán đi tài sản sinh lời nhất, Saigon Water dự kiến quay lại vòng xoáy thua lỗ khi đặt mục tiêu năm 2025 lỗ gần 23 tỷ đồng. Chỉ tiêu doanh thu cũng giảm 63% về mức 347 tỷ đồng.
Trước đó, công ty này từng có giai đoạn làm ăn ổn định khi có lãi liên tục 9 năm (giai đoạn 2014–2019), trước khi rơi vào vòng xoáy thua lỗ 2020-2023, rồi có lãi đột biến 2024 nhờ bán tài sản lớn.
Saigon Water lên kế hoạch lỗ năm 2025. Nguồn: Huy Lê tổng hợp.
Ban lãnh đạo nhận định tình hình kinh doanh năm 2025 dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện khi doanh thu hoạt động của các đơn vị thành viên đều tăng. Tuy nhiên, do thoái vốn khỏi Tân Hiệp và ghi nhận lợi nhuận tài chính đáng kể vào năm 2024, việc thiếu hụt nguồn thu từ công ty này sẽ khiến lợi nhuận hợp nhất giảm mạnh trong năm 2025.
Tăng cho vay bên ngoài
Dòng tiền đột biến từ thoái vốn Tân Hiệp đã giúp cải thiện đáng kể các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp. Tổng tài sản vào thời điểm cuối năm ngoái tăng mạnh lên 2.851 tỷ đồng, tức tăng 25% so với cuối quý III/2024.
Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền vào cuối kỳ hơn 295 tỷ đồng, tức tăng 259 tỷ so với quý III/2024. Khoản mục phải thu về cho vay ngắn hạn cũng tăng đột biến từ 127 tỷ lên hơn 620 tỷ đồng, tức cho vay thêm 493 tỷ đồng.
Có thể thấy phần lớn dòng tiền từ thoái vốn được chuyển một phần thành tiền mặt để gửi ngân hàng và một phần khác được dùng để cho vay bên ngoài.
Saigon Water tăng cường cho vay các đơn vị khác. Nguồn: BCTC kiểm toán 2024.
Những khoản cho vay mới xuất hiện từ quý cuối năm 2024 gồm CTCP Thương mại dịch vụ sản xuất Bình An An, Đầu tư và Phát triển ANA, VII Land, Đầu tư T&D Việt Nam.
Tổng giá trị cho các đơn vị mới này vay là hơn 500 tỷ đồng. Các bên nhận vay có đặc điểm chung là vốn nhỏ (T&D có vốn 150 tỷ đồng, các công ty khác 20-60 tỷ đồng), không có thông tin về tài sản bảo đảm.
Trong quý đầu năm 2025, Saigon Water tiếp tục cho vay thêm 150 tỷ đồng với đối tác mới CTCP Kinh doanh Bảo Phúc.
Như vậy, tổng số tiền cho vay tính đến hết quý I là hơn 770 tỷ đồng (bao gồm hỗ trợ vốn cho công ty con và cho vay bên ngoài), chiếm đến 72% tài sản ngắn hạn và gần 28% tổng tài sản. Lãi suất cho vay trong khoảng 8,5-11%/năm.
Ở chiều ngược lại, Saigon Water đang phải vay nợ tổng cộng 760 tỷ đồng. Hai chủ nợ lớn nhất là VietinBank với giá trị 426 tỷ và CTCP Đầu tư Ngành nước DNP giá trị 233 tỷ đồng.
Hiện cơ cấu cổ đông của Saigon Water khá cô đặc với 3 cổ đông lớn nắm đến 99,5% vốn điều lệ 645 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Đầu tư Ngành nước DNP đang là đơn vị nắm quyền lớn nhất với tỷ lệ 50,6% vốn.
Tiếp đến là Manila Water South Asia Holdings sở hữu 38% cổ phần và VIAC (No.1) Limited Partnership có 10,9% cổ phần.
Đáng chú ý khi Saigon Water đang ghi nhận khoản phải trả dài hạn hơn 165 tỷ đồng cho cổ đông Manila Water và phải trả hơn 154 tỷ đồng cho cổ đông VIAC.
Cụ thể, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông đã thông qua việc hoán đổi khoản nợ (154 tỷ đồng của VIAC và 154 tỷ đồng của Manila Water) thành cổ phần mới phát hành của công ty. Thời gian thực hiện không quá ngày 1/2/2025, các bên vẫn đang trong quá trình thảo luận để phát hành cổ phần mới.
TP HCM sẽ xây dựng đề án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo mô hình tập đoàn để phát huy hiệu quả hoạt động, theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Được.
Vinhomes sẽ chuyển nhượng toàn bộ 79% cổ phần trong công ty VinIT cho Vingroup nắm giữ trực tiếp.
Hanoi Metro, đơn vị vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội, tiếp tục lãi hơn 15,4 tỷ đồng trong năm 2024.
Chiều ngày 16/5, CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico – mã: SVC) tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên, trong đó ban lãnh đạo đã chia sẻ kế hoạch kinh doanh năm 2025 và nhận định về các mảng kinh doanh ô tô, bất động sản.