Theo Cục Thống kê, Bộ Tài chính, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4 ước đạt 582,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 10,9%; lương thực, thực phẩm tăng 10,0%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,9%; hàng may mặc tăng 6,6%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,8%; du lịch lữ hành tăng 46,1%.
“Nhu cầu tiêu dùng, du lịch của người dân tăng trong các kỳ nghỉ lễ, Tết cùng với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao là các nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ từ đầu năm đến nay”, Cục Thống kê lý giải.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 4 tháng đầu năm giai đoạn 2021 - 2025. (Nguồn: Cục Thống kê)
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.285,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,4%).
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.752.5 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,7% tổng mức và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 12,6%; lương thực, thực phẩm tăng 9,8%; may mặc tăng 7,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,9%. Một số địa phương có doanh thu cao như Hải Phòng tăng 9,0%; TP HCM tăng 8,5%; Cần Thơ tăng 8,1%; Đà Nẵng tăng 7,7%; Hà Nội tăng 7,4%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 270,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng mức và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương doanh thu cao như Quảng Ninh tăng 19,4%; Đà Nẵng tăng 18,7%; TP HCM tăng 15,9%; Hà Nội tăng 15,8%; Hải Phòng tăng 15,2%; Cần Thơ tăng 11,1%.
Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng mức và tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao trong các ngày lễ, Tết và đặc biệt là đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một số địa phương có doanh thu tăng cao như Đồng Nai tăng 29,7%; Hà Nội tăng 25,7%; TP HCM tăng 25,3%; Quảng Ninh tăng 23,5%; Đà Nẵng tăng 22,3%; Bình Dương tăng 19,9%.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 232,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng mức và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương đạt doanh thu cao, gồm: Cần Thơ tăng 27,5%; Quảng Ninh tăng 13,6%; TP HCM tăng 13,0%; Khánh Hòa tăng 11,1%; Hà Nội tăng 6,9%; Hải Phòng tăng 5,6%.
Trong 4 tháng đầu năm có gần 90.000 doanh nghiệp thành lập mới nhưng cũng có tới 96.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Dù chịu tác động không nhỏ từ chính sách thuế quan của Mỹ, nền kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy sức bứt phá mạnh mẽ với nhiều chỉ tiêu đạt tăng trưởng cao trong 4 tháng đầu năm như: thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 39,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,4%; tổng thu ngân sách tăng 26,3%...
Trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 309,3 triệu USD, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,67 triệu lượt người, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.