Một startup Việt Nam có tên AI Hay vừa huy động thành công 10 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A. Đây là một thương vụ gây chú ý, bởi công ty hiện vẫn chưa có doanh thu và sản phẩm được xây dựng hoàn toàn bằng tiếng Việt. Sự kiện này được xem là hiếm có trên thị trường khởi nghiệp trong nước, theo Tech in Asia.
Tổng cộng, startup này đã huy động được 18,5 triệu USD qua các vòng gọi vốn. Các nhà đầu tư rót tiền vào AI Hay bao gồm những tên tuổi như Argor Capital, Square Peg, AppWorks và quỹ Phoenix Holdings của Việt Nam.
Đứng sau thành công này là đội ngũ sáng lập có kinh nghiệm dày dạn. CEO Trần Đức và Giám đốc Công nghệ (CTO) Nguyễn Chuơng đều là những cựu lãnh đạo tại Zalo, nơi họ từng phụ trách các mảng quan trọng như sản phẩm, tăng trưởng và trí tuệ nhân tạo (AI).
Họ rời Zalo với mong muốn xây dựng một sản phẩm AI đột phá cho người Việt. CEO Trần Đức chia sẻ: "Chúng tôi rời Zalo vào đầu năm 2022. Khi đó, ChatGPT giúp chúng tôi nhận ra AI là một cơ hội thực sự".
Anh nói thêm: "Chúng tôi muốn xây dựng một thứ hoàn toàn mới. Nhưng Zalo đã quá lớn để làm điều đó. Chúng tôi nghĩ rằng bắt đầu lại từ đầu sẽ giúp đi nhanh hơn".
Đội ngũ lãnh đạo AI Hay. (Ảnh: AI Hay).
AI Hay là một ứng dụng hỏi đáp bằng AI, được xây dựng với mục tiêu phục vụ riêng cho thị trường Việt Nam. CEO Trần Đức mô tả sản phẩm của mình bằng một phép so sánh thú vị: "Nếu ChatGPT là một đứa trẻ tư duy bằng tiếng Anh, thì AI Hay là một đứa trẻ tư duy bằng tiếng Việt".
Dù thừa nhận không thể đánh bại các sản phẩm toàn cầu, đội ngũ 40 người của AI Hay tin rằng vẫn còn những phân khúc của ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam mà các đối thủ lớn chưa chạm tới.
Họ đặt cược vào lợi thế "am hiểu văn hóa và bối cảnh Việt Nam" để tạo ra sự khác biệt, tập trung vào các yếu tố siêu địa phương (hyperlocal).
Để chứng minh cho chiến lược này, đội ngũ khẳng định AI Hay trả lời tốt hơn ChatGPT ở một số câu hỏi đặc thù. Ví dụ như các câu hỏi về việc sắp xếp lại đơn vị hành chính phức tạp, vốn khiến người dân địa phương bối rối, hay địa chỉ của các quán ăn yêu thích. Đôi khi, ChatGPT lại đề xuất giải các bài toán bằng những phương pháp không quen thuộc với học sinh Việt Nam.
Hiện tại, AI Hay báo cáo có 15 triệu lượt tải xuống, nhận được 120 triệu câu hỏi mỗi tháng và có khoảng 1 triệu người dùng hàng ngày. Để so sánh, ước tính ChatGPT chỉ tiếp cận một phần nhỏ dân số Việt Nam, trong khi Gemini có thể tiếp cận khoảng 17 đến 18 triệu người tại đây.
Người dùng chủ yếu của AI Hay là học sinh, sinh viên, những người không muốn hoặc không thể trả gần 500.000 đồng mỗi tháng cho gói trả phí của ChatGPT. Nắm bắt điều này, AI Hay cung cấp mô hình miễn phí. Người dùng thường có 30 câu hỏi mỗi tháng, hoặc có thể nâng cấp lên gói Pro để hỏi tới 1.000 câu mỗi ngày. Gói Pro cũng miễn phí cho người dùng có email edu.vn, nhưng yêu cầu họ phải giới thiệu 10 người dùng mới mỗi tháng.
Đội ngũ AI Hay khẳng định công cụ của họ sẽ luôn "miễn phí và mạnh mẽ" cho người dùng Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch dài hạn của họ là mảng B2B. Cụ thể, họ sẽ bán API cho các công ty xây dựng hệ thống kiến thức chuyên ngành như pháp lý, thuế, và hồ sơ số, được thiết kế riêng cho dữ liệu và bối cảnh Việt Nam.
Về mặt kỹ thuật, AI Hay hoạt động dựa trên nhiều mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) được tinh chỉnh từ các lựa chọn mã nguồn mở, như LLaMA của Meta và Qwen của Alibaba. Quy trình xử lý của nó bao gồm việc phân tích, viết lại câu hỏi, lấy dữ liệu từ các nguồn tin tức, mạng xã hội, sau đó lọc qua các lớp bảo vệ để đảm bảo tính an toàn và phù hợp văn hóa trước khi trả về câu trả lời kèm trích dẫn.
Tuy nhiên, cuộc chiến trong lĩnh vực AI rất khốc liệt và luật chơi chưa rõ ràng. Việc kiểm soát câu trả lời là một thách thức lớn. Thay vì dùng đội quân kiểm duyệt viên như các công ty lớn, AI Hay dựa vào "các bộ lọc kỹ thuật tự phát triển" để chặn tin giả và các chủ đề nhạy cảm.
CEO Trần Đức cũng thừa nhận những hạn chế của sản phẩm: "Chúng tôi không hẳn là một chatbot, nên một số câu trả lời sẽ không mượt mà bằng ChatGPT. Thế mạnh của chúng tôi là tìm kiếm thông tin dựa trên sự thật".
Sau thương vụ gọi vốn, AI Hay đang thu hút sự chú ý của giới công nghệ trong nước. Việt Nam đang tìm kiếm một đột phá về AI, một thành công bền vững chứ không chỉ là một hiện tượng nhất thời như "Flappy Bird".
Đội ngũ muốn tăng lượng người dùng từ 15 triệu lên 100 triệu và đang chuẩn bị cho một vòng gọi vốn mới để hiện thực hóa mục tiêu này.
Hai năm trước, anh Đức đã rất vui khi mọi người gọi AI Hay là "Perplexity của Việt Nam". Giờ đây, anh nói: "Chúng tôi nghĩ rằng tầm nhìn của mình còn lớn hơn thế. Đó là mang dịch vụ AI đến cho tất cả người Việt. Tầm nhìn đó giờ đã rõ ràng hơn nhiều".
Ngoài VinFast, Kim Long Motor đã đưa vào hoạt động nhà máy 3.500 tỷ đồng tại Huế, trở thành nhà cung cấp 150 xe bus điện cho dự án Metro TP.HCM và xác định chiến lược vươn ra thị trường quốc tế.
Vinahud đã hoàn tất chuyển nhượng 100% vốn tại Mê Linh Thịnh Vượng cho đối tác và thu về 1.080 tỷ đồng, qua đó chính thức rút khỏi dự án Làng Hoa Tiền Phong.
KCN Trung Hà và KCN Phù Ninh mới được tỉnh Phú Thọ phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000, trên tổng diện tích khoảng 570 ha.
Các công ty gọi xe lớn nhất thế giới đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các cam kết về xe điện.