Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước Quốc hội vào ngày 4/3/2025, đằng sau là Phó Tổng thống JD Vance (bên trái) và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson. (Ảnh: Getty Images).
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chính sách thuế quan đối ứng mới vào ngày 2/4. Theo đó, Mỹ sẽ áp đặt mức thuế tối thiểu 10% với hầu hết mọi quốc gia và áp dụng mức thuế cao hơn đáng kể cho 60 đối tác thương mại khác.
Động thái của chính quyền ông Trump đã nhanh chóng đè bẹp thị trường chứng khoán Mỹ cũng như thế giới, làm gia tăng nỗi lo suy thoái kinh tế và khiến Trung Quốc đáp trả mạnh mẽ.
Trước thuế quan đối ứng, ông Trump đã công bố một loạt chính sách bảo hộ khác kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, chẳng hạn như đánh thuế lên hai nước láng giềng Canada và Mexico hay áp thuế nhôm thép và ô tô nhập khẩu.
Sắc lệnh hành pháp công bố thuế quan đối ứng của ông Trump cho biết ông có thẩm quyền hành động từ 4 nguồn trong luật pháp Mỹ, trong đó có Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) và Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia.
Khi một tổng thống Mỹ sử dụng các luật đó cùng lúc, ông có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp và sau đó áp dụng các mức thuế quan liên quan.
Sắc lệnh hành pháp hôm 2/4 tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với “mối đe doạ lớn và bất thường” đối với nền kinh tế cũng như an ninh quốc gia Mỹ, theo CNBC.
Mối đe doạ đó xuất phát từ “chính sách kinh tế trong nước của các đối tác thương mại lớn [của Mỹ] và tình trạng mất cân bằng về mặt cấu trúc trong hệ thống thương mại toàn cầu”, sắc lệnh nêu rõ.
Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng IEEPA để áp thuế quan, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội. Lần đầu tiên chủ nhân Nhà Trắng viện dẫn đạo luật này là vào tháng 2, khi ông đánh thuế mới lên Canada, Mexico và Trung Quốc.
Theo Hiến pháp Mỹ, quyền đánh thuế và thuế quan hoàn toàn thuộc về nhánh lập pháp (tức Quốc hội).
Điều 1, Mục 8 của Hiến pháp nêu rõ “Quốc hội có quyền áp đặt và thu thuế, thuế quan nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt” cũng như “quyền điều chỉnh thương mại với các quốc gia nước ngoài”.
Tuy nhiên, Quốc hội đã ban hành luật trao cho tổng thống (nhánh hành pháp) một số quyền đánh thuế nhập khẩu. Và toà án (nhánh tư pháp) thường duy trì thẩm quyền đó.
Cụ thể, sau sự xuất hiện của Đại Khủng hoảng và Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley vào thập niên 1930, Quốc hội đã trao cho tổng thống một số quyền tự do về thuế quan.
“Lý do chính là vấn đề thuế quan quá khó với các nhà lập pháp”, ông Scott Bomboy, quản lý cấp cao của Trung tâm Hiến pháp Quốc gia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNBC.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, hiện có ít nhất 6 luật liên bang ủy quyền một số quyền hạn về thuế quan cho tổng thống Mỹ.
Khi đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán ngày càng sâu sắc, một số nhà lập pháp lưỡng đảng đã bày tỏ sự phản đối đối với thuế quan của ông Trump.
Hôm 2/4, 4 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà gồm ông Mitch McConnell, ông Rand Paul, bà Susan Collins và bà Lisa Murkowski đã bỏ phiếu cùng tất cả 45 đảng viên Dân chủ và hai đảng viên độc lập để thông qua một nghị quyết có thể ngăn chặn thuế quan của ông Trump đối với hàng nhập khẩu từ Canada.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Tim Kaine, người soạn thảo nghị quyết đó, cảnh báo “nền kinh tế Mỹ sẽ trải qua nỗi đau lớn” nếu Quốc hội không bãi bỏ thuế quan của Tổng thống Trump.
“Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ với nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Sau hai tháng ông ta nhậm chức..., thuế quan đã biến đất nước thành một nền kinh tế nhấp nháy ánh đỏ và nhiều dấu hỏi chấm. Chúng ta phải sử dụng các công cụ có trong tay để buộc ông ta đảo chiều chính sách”, Thượng nghị sĩ Kaine nhấn mạnh.
Và một dự luật lưỡng đảng được giới thiệu tại Thượng viện hôm 3/4 sẽ buộc ông Trump phải thông báo cho Quốc hội trước 48 giờ trước khi áp dụng thuế quan mới và cho Quốc hội 60 ngày để phê duyệt các mức thuế quan đó hoặc để kế hoạch tự hết hiệu lực.
“Trong một thời gian quá dài, Quốc hội đã đẩy quyền điều chỉnh thương mại giữa các tiểu bang và nước ngoài cho nhánh hành pháp”, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Chuck Grassley cho hay trong một tuyên bố.
“Dựa trên những nỗ lực trước đây của tôi với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Tài chính, tôi sẽ tham gia cùng Thượng nghị sĩ Maria Cantwell để giới thiệu Dự luật Rà soát Thương mại lưỡng đảng năm 2025 nhằm tái khẳng định vai trò hiến định của Quốc hội và đảm bảo Quốc hội có tiếng nói trong chính sách thương mại”, ông Grassley tiếp lời.
Tuy nhiên, trong khi Quốc hội có thể thông qua luật bãi bỏ hoặc hạn chế quyền áp thuế quan của tổng thống Mỹ, thì vẫn chưa rõ liệu các nhà lập pháp có làm như vậy hay không.
Bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế quyền áp thuế quan của ông Trump đều có thể sẽ vấp phải quyền phủ quyết của tổng thống. Hơn nữa, chưa chắc Hạ viện sẽ bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp mà Thượng viện đề xuất.
Ông Trump gọi nỗ lực huỷ bỏ thuế quan đối với Canada là “một thủ đoạn” sẽ không đi đến đâu vì Hạ viện sẽ không bao giờ chấp nhận và ông, “với tư cách là tổng thống Mỹ, sẽ không bao giờ đặt bút ký”.
Một con đường khả thi hơn để thách thức chính sách thuế quan của ông Trump có thể là thông qua toà án.
Một đơn kiện liên bang đã được đệ trình vào ngày 3/4 tại Florida. Đơn kiện cho rằng việc ông Trump sử dụng IEEPA trước đây để áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là vi hiến.
Đạo luật khẩn cấp đó “không cho phép tổng thống áp đặt thuế quan lên người dân Mỹ”, New Civil Liberties Alliance, một nhóm vận động bảo thủ, lập luận trong đơn kiện.
Thách thức pháp lý có thể gây nhiều rắc rối cho ông Trump hơn là Quốc hội hiện tại. Song, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, tiền lệ tư pháp “đã trao cho tổng thống Mỹ quyền hạn rộng rãi để thực hiện các quyền về thuế quan”.
Thị trường Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu đà giảm điểm trong khu vực, với chỉ số Hang Seng giảm 13,22% xuống 19.828,30 điểm.
Bill Ackman và Stanley Druckenmiller là hai trong số những tỷ phú mới nhất lên tiếng chỉ trích thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Mặc dù nhà đầu tư dự đoán Fed có khả năng sẽ hạ lãi suất khẩn cấp vào tuần tới để giải cứu thị trường tài chính, giới chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về kịch bản này.
Chính phủ Mỹ muốn có một đồng USD yếu để hỗ trợ xuất khẩu, nhưng đồng thời vẫn muốn duy trì vị thế thống trị của đồng tiền này trên thế giới. Đây là một chiến lược mâu thuẫn.