Hôm 6/4, hai tỷ phú quỹ phòng hộ Bill Ackman và Stanley Druckenmiller đã lên tiếng chỉ trích quyết định áp thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thuế đối ứng là nguyên nhân chính khiến thị trường toàn cầu rơi vào hỗn loạn như hiện nay.
Thị trường đã sẵn sàng cho một tuần giao dịch khó khăn khác với các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc trong ngày 6/4. Theo Bloomberg, trong hai phiên sau khi ông Trump công bố thuế đối ứng vào ngày 2/4, hơn 5.000 tỷ USD vốn hoá chứng khoán Mỹ đã bị xoá sổ.
Trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội X, Bill Ackman, nhà sáng lập quỹ Pershing Square và là người ủng hộ ông Trump, nhấn mạnh chính sách thuế quan đối ứng là một “sai lầm”.
“Tôi tin chắc động thái áp thuế vào ngày 9/4 đối với toàn thế giới - vượt quá mức thuế mà các đối tác đang tính với hàng hoá của chúng ta - là một sai lầm”, Ackman nhấn mạnh.
Tỷ phú Bill Ackman, nhà sáng lập Pershing Square. (Ảnh: Bloomberg).
Theo bài đăng, Ackman gợi ý Washington nên tạm hoãn 90 ngày để ông Trump có thời gian “giải quyết một cách thận trọng và chiến lược vấn đề thương mại toàn cầu không công bằng đối với nước Mỹ”.
Cả Ackman và Pershing Square đều không sử dụng đòn bẩy hoặc các công cụ khác có thể gây ra rắc rối thanh khoản nếu thị trường chứng khoán sụp đổ. “Chúng tôi không dùng margin. Chưa bao giờ dùng. Sẽ không bao giờ dùng”, ông tiết lộ thêm.
“Thiên tài đầu cơ” Phố Wall cho biết Pershing Square sẽ “không bán trong một thị trường đang lao dốc”. Thay vào đó, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ mua các doanh nghiệp lớn với mức chiết khấu cao, điều đó sẽ có lợi cho chúng tôi và các nhà đầu tư của chúng tôi trong dài hạn”.
Cũng theo vị tỷ phú, nỗ lực đạt thoả thuận với các đối tác thương mại của Tổng thống Trump trong lúc thị trường tài chính sụp đổ sẽ không giúp ích gì cho vị thế đàm phán của ông.
“Bất kỳ ai đề xuất ý tưởng đó với Tổng thống Trump đều nên bị sa thải ngay lập tức”, Ackman cho hay.
Đây là những bình luận khác biệt nhất từ trước đến nay của Ackman. Kể từ sau vụ ám sát bất thành nhắm vào ông Trump hồi tháng 7/2024, Ackman đã trở thành một trong những tên tuổi lớn trên Phố Wall nhiệt thành ủng hộ vị tổng thống.
Tỷ phú Stanley Druckenmiller, nhà sáng lập Duquesne Capital và là học trò cũ của George Soros. (Ảnh: Bloomberg).
Cũng trên mạng xã hội X, tỷ phú Stanley Druckenmiller đã tăng tải một bài viết hiếm hoi nhằm chỉ trích chính sách của Tổng thống Trump, mở rộng nội dung một cuộc phỏng vấn mà ông thực hiện hồi tháng 1.
“Tôi không ủng hộ Mỹ áp thuế quá 10% và tôi từng nêu rõ điểm này trong cuộc phỏng vấn trước kia...”, cựu học trò của huyền thoại đầu tư George Soros bày tỏ trong bài đăng.
Làn sóng chỉ trích đang ngày càng lan rộng khi ông Trump không phát đi tín hiệu nào cho thấy ông sẽ thu hồi chính sách thuế quan đối ứng.
Trước Bill Ackman và Stanley Druckenmiller, tỷ phú Ray Dalio - nhà sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates - từng cảnh báo rằng “hậu quả đầu tiên của thuế quan đối ứng là tình trạng đình lạm tại Mỹ”.
Trong khi đó, ông Anthony Scaramucci, nhà sáng lập quỹ Skybridge Capital, nhận định trên X rằng Mỹ sắp chứng kiến “một cuộc suy thoái nghiêm trọng”.
Hôm 2/4, Tổng thống Trump đã công bố chính sách thuế quan đối ứng mới. Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế tối thiểu 10% với hầu hết đối tác thương mại và đánh thuế cao hơn với 60 quốc gia/vùng lãnh thổ có thặng dư thương mại lớn nhất với nước này.
Mức thuế đối ứng mà Mỹ áp lên hàng hoá Trung Quốc là 34%, trong khi Việt Nam là 46%. Nhà Trắng lưu ý thuế đối ứng của Trung Quốc sẽ cộng gộp với các mức thuế đã ban hành trước đây, đồng nghĩa rằng hàng hoá Trung Quốc vào Mỹ sẽ chịu tổng mức thuế 54%.
Thuế quan tối thiểu đã có hiệu lực từ ngày 5/4 và các mức thuế cao hơn dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 9/4. Chính quyền ông Trump công bố thuế đối ứng nhằm mục đích thu hẹp thâm hụt thương mại hàng hoá với thế giới và thúc đẩy lĩnh vực sản xuất trong nước.
Thị trường Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu đà giảm điểm trong khu vực, với chỉ số Hang Seng giảm 13,22% xuống 19.828,30 điểm.
Mặc dù nhà đầu tư dự đoán Fed có khả năng sẽ hạ lãi suất khẩn cấp vào tuần tới để giải cứu thị trường tài chính, giới chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về kịch bản này.
Chính phủ Mỹ muốn có một đồng USD yếu để hỗ trợ xuất khẩu, nhưng đồng thời vẫn muốn duy trì vị thế thống trị của đồng tiền này trên thế giới. Đây là một chiến lược mâu thuẫn.
Trong tuần qua, giá trị cổ phiếu chu kỳ toàn cầu kém hơn cổ phiếu phòng thủ toàn cầu khoảng 8 điểm phần trăm - khoảng cách lớn nhất kể từ khi bắt đầu lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 vào năm 2020.