Cảng Yokohama, Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg).
Hồi đầu tuần này, Mỹ và Nhật Bản đã đạt một thoả thuận thương mại mà Tổng thống Donald Trump nhận xét “có lẽ là thoả thuận lớn nhất trong lịch sử” và giới chuyên gia đánh giá là hình mẫu tiềm năng cho các đối tác thương mại lớn khác của Mỹ.
Theo thoả thuận, hàng hoá Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu mức thuế quan đối ứng 15% và thuế quan đối với ô tô sẽ giảm từ 25% xuống 15%. Đáng chú ý hơn, ông Trump cho biết Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ.
Tuy nhiên, thoả thuận đang thiếu thông tin chi tiết về cam kết thành lập quỹ đầu tư của Nhật Bản và điều này đặt ra câu hỏi về tính khả thi của thoả thuận.
Trong khi ngày bắt đầu và các yếu tố cơ bản khác của thoả thuận vẫn chưa rõ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo Washington sẽ giám sát việc thực hiện thoả thuận và tăng thuế lên 25% nếu ông Trump không hài lòng.
Các nhà lãnh đạo của hai nước đôi khi phát biểu không nhất quán. Nhà Trắng cho biết Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỷ USD theo chỉ đạo của Mỹ và ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social rằng Mỹ sẽ hưởng 90% lợi nhuận.
Sau thông tin về thoả thuận, trên một chương trình của Bloomberg, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói thêm: “Nhật Bản sẽ tài trợ cho dự án và sẽ giao cho một nhà điều hành, 90% lợi nhuận sẽ được chia cho người dân Mỹ”.
Về kế hoạch triển khai vốn đầu tư, vị bộ trưởng nêu một vài ví dụ tiềm năng như xây dựng các nhà máy dược phẩm hoặc nhà máy sản xuất chip.
Trái lại, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết Tokyo sẽ kết hợp đầu tư, cho vay và bảo lãnh cho vay tối đa đến 550 tỷ USD. Ông Ishiba mô tả số tiền này là một cách để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Mỹ.
Vị thủ tướng cũng nhấn mạnh số tiền sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhật Bản và Mỹ, và sẽ nhắm đến các ngành công nghiệp quan trọng về mặt chiến lược.
Và theo lời ông Ryosei Akazawa, trưởng đoàn đàm phán thương mại của Nhật Bản, quỹ này sẽ được hỗ trợ bởi hai tổ chức thuộc sở hữu nhà nước là Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Công ty Bảo hiểm Xuất khẩu và Đầu tư Nippon. Ông Akazawa cũng kỳ vọng khu vực tư nhân sẽ tham gia.
Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ tài trợ phần lớn số tiền và trong khoảng thời gian bao lâu, theo Bloomberg. Trong năm tài chính 2024, JBIC đã đầu tư 263 tỷ yen (khoảng 1,8 tỷ USD) vào khu vực Bắc Mỹ, tương đương khoảng 0,3% số tiền đang được các bên nhắc đến.
Bài đăng của Tổng thống Donald Trump về thoả thuận thương mại với Nhật Bản. (Ảnh chụp màn hình).
Gần đây, hãng thép Nhật Bản Nippon Steel đã thông báo sẽ rót 11 tỷ USD vào biểu tượng công nghiệp Mỹ US Steel cho đến năm 2028 sau khi hoàn tất thoả thuận mua lại công ty này với giá 14,1 tỷ USD vào tháng 6.
Trước đó, vào năm 2024, tập đoàn công nghệ Nhật Bản SoftBank Group cam kết sẽ đầu tư 100 tỷ USD vào Mỹ trong 4 năm tới. Cả hai công ty Nhật Bản cũng cam kết tạo ra lượng lớn việc làm tại Mỹ.
Không rõ những khoản đầu tư kể trên có được coi là một phần của thoả thuận thương mại giữa hai nước hay không.
“Họ tìm đến chúng tôi với ý tưởng về một mối quan hệ đối tác Nhật - Mỹ, trong đó họ sẽ cung cấp vốn chủ sở hữu, bảo lãnh tính dụng và tài trợ cho các dự án lớn tại Mỹ”, ông Bessent cho hay. Vị bộ trưởng nói thêm rằng cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài này là “hoàn toàn mới”.
Theo thông tin của Nhà Trắng về thoả thuận, Nhật Bản cũng sẽ mua 100 máy bay Boeing cũng như thiết bị quốc phòng từ Mỹ với giá trị hàng tỷ USD mỗi năm. Ông Akazawa cho biết cả hai cam kết mua hàng này đều dựa trên kế hoạch hiện có của các hãng hàng không và chính phủ Nhật Bản.
“Chúng tôi đã giải thích với phía Mỹ về ý định của Nhật Bản đằng sau quyết định mua sắm thiết bị quốc phòng... đây là một phần trong nỗ lực tăng cường năng lực quốc phòng của chúng tôi”, ông Akazawa cho hay.
“Tuy nhiên, việc tăng cường năng lực quốc phòng không phải là một chủ đề trong các cuộc đàm phán thương mại và thuế quan”, nhà đàm phán Nhật Bản lưu ý.
Ông Akazawa bày tỏ hy vọng rằng mức thuế quan mới đối với ô tô Nhật Bản sẽ sớm có hiệu lực và dự kiến mức thuế đối ứng 15% sẽ được áp dụng từ ngày 1/8. Ông nói thêm rằng hai bên chưa thảo luận về vấn đề tuân thủ hay giám sát thực hiện thoả thuận.
“Tôi đã đến Mỹ 8 lần. Nhưng tôi không nhớ chúng tôi từng thảo luận về cách thức thực hiện thoả thuận hay cách thức đảm bảo thoả thuận được tiến hành”, ông chia sẻ với các phóng viên tại Tokyo ngay sau khi trở về Nhật Bản.
Dưới đây là bức tranh tổng quan về lập trường chính sách tiền tệ của 10 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 27/7 tại Scotland.
Báo The Guardian dẫn số liệu từ Chính phủ Anh cho biết, hiện có khoảng 1,5 triệu hộ gia đình ở nước này đã lắp đặt pin Mặt Trời, và con số này đang tăng lên.
Theo dự báo do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phát hành, ước tính Nga vẫn giữ vị trí thứ tư trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).