Chiều 5/2, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1, liên quan đến công tác rà soát, đánh giá số lượng công chức, viên chức sẽ giảm sau khi tinh gọn bộ máy và nguồn hỗ trợ chế độ chính sách cho cán bộ, công chức nghỉ theo diện tinh giản, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, Chính phủ đã có Nghị định 178 quy định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện nghị định này và tham mưu cho Ban chỉ đạo Chính phủ có Văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong việc quy định các tiêu chí, điều kiện cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng bộ ngành, địa phương.
Trên cơ sở đó, căn cứ đánh giá của ba năm gần nhất để lựa chọn người nào giữ lại để công tác, người nào đưa vào diện sắp xếp để có tính toán phù hợp. Các tiêu chí phải đảm bảo nguyên tắc rõ việc, rõ người và rõ sản phẩm. Nếu ai không chứng minh được ở vị trí đó sẽ làm việc gì, khối lượng công việc một năm thì sẽ bị đưa vào diện sắp xếp.
Ông Minh cũng cho biết, đến nay, các bộ ngành, các địa phương đã có phương án cụ thể về sắp xếp, tổ chức bộ máy, trong đó đã có số lượng rất cụ thể. Riêng về con người, cần có sự tính toán ai vào vị trí nào, vẫn phải chờ đến khi cấp có thẩm quyền là Quốc hội thông qua cơ cấu Chính phủ.
Khi đó, Chính phủ mới ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, những bộ không thuộc diện sắp xếp, cùng với các bộ thực hiện hợp nhất, sáp nhập phải có nghị định mới để quy định nhiệm vụ, chức năng quyền hạn, tổ chức bộ máy.
"Các bộ không thuộc diện sắp xếp nhưng cũng phải thực hiện điều chỉnh, sắp xếp bên trong, để tinh giản có bộ máy mới vận hành hiệu quả. Do vậy, thời gian này, cụ thể ai thuộc diện giữ lại, ai tinh giản... phải đợi sau khi có quyết định của Quốc hội và Chính phủ, phải lắng nghe tâm sự nguyện vọng thì mới xác định được số lượng chính xác", ông Minh nêu rõ.
Về chính sách hỗ trợ, Bộ Nội vụ đang cùng Bộ Tài chính xây dựng thông tư hướng dẫn về nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí. Đến nay, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các bộ ngành để sớm hoàn thiện và ban hành thông tư này. Đây là cơ sở để thực hiện sắp xếp. Trong đó, về cơ sở pháp lý đã có Nghị định 178 và thông tư hướng dẫn phương pháp, cách tính đối với từng trường hợp.
"Bộ Tài chính tiếp tục có thông tư hướng dẫn lập dự toán, nguồn chi phí... Như vậy, khi cấp có thẩm quyền bấm nút thông qua đề án, chúng ta có thể vận hành được ngay", ông Minh thông tin.
Về nguồn tài chính thực hiện hỗ trợ, lãnh đạo đại diện Bộ Nội vụ cho biết, theo phương án tinh giảm này thì nguồn kinh phí chi trả cho những người sẽ nghỉ sau khi thực hiện sắp xếp còn thấp hơn kinh phí để trả cho những người đó tiếp tục làm việc trong 5 năm. Như vậy, vẫn đảm bảo cân đối đủ nguồn kinh phí thực hiện.
Về số tiền hưởng thực tế đối với mỗi người, theo quy định tại Nghị định 178 và Thông tư 01, người nghỉ được chi trả với các mức khác nhau.
"Số tiền căn cứ vào lương thực tế đang hưởng và căn cứ vào số tháng được nghỉ đến thời điểm đó; đồng thời căn cứ vào tại thời điểm nghỉ, trong khoảng thời gian 12 tháng thì kinh phí cao hơn, quá 12 tháng thì mức kinh phí thấp hơn. Vậy số tiền hưởng phụ thuộc vào từng người căn cứ vào quy định pháp luật", người phát ngôn Bộ Nội vụ lưu ý.
Ngày 5/2, Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam 7 đối tượng để điều tra về các hành vi môi giới hối lộ, nhận hối lộ quy định tại Điều 354 và 365 Bộ luật Hình sự.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị đầy đủ các nội dung và hồ sơ cần thiết để Chính phủ Quốc hội tại kỳ họp bất thường sắp tới, trong đó đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trên 8%.
Hà Nội muốn làm chủ đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu dài 7,5 km, nằm trên vành đai 3,5, giúp liên kết Thủ đô với tỉnh Hưng Yên.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, diễn biến thị trường lao động sau Tết năm nay có nhiều điểm tích cực, tại các vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Bắc Giang, TP HCM, Bình Dương đạt 97 - 98%, có nơi lên tới 100%.