Vĩ Mô 07/10/2024 10:16

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ ra 6 yếu tố giúp tăng trưởng GDP cả năm vượt 7%

Trên cơ sở kết quả quý III và dự báo cả năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý IV khoảng 7,6-8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%, dựa trên 6 yếu tố.

Sáng 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 trực tuyến với 63 địa phương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nổi lên là cạnh tranh chiến lược gay gắt; xung đột leo thang ở Ukraine, Trung Đông và nhiều nơi. Giá vàng, xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải quốc tế biến động mạnh; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm.

Các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là già hoá dân số, cạn kiệt tài nguyên, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng diễn biến phức tạp. Khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu thế lớn nhưng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.

Ở trong nước, là nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu, khả năng cạnh tranh hạn chế. Đặc biệt, cơn bão số 3 gây hậu quả nặng nề tại các địa phương phía bắc. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Nguồn: VGP).

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực vượt bậc, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với phương châm "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; 9 tháng năm 2024 tốt hơn 9 tháng của năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng phục hồi mạnh, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

“Phản ứng chính sách, hành động của các bộ, ngành, địa phương là một điểm sáng, điểm nhấn của quý III và tháng 9, nhất là trước bão lũ vừa qua, các địa phương đã ứng phó và phục hồi nhanh, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ cho tháng 10 và quý IV còn rất nặng nề 

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ cho tháng 10 và quý IV còn rất nặng nề trong bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân như tình hình kinh tế thế giới còn bấp bênh, hậu quả bão số 3, những vướng mắc, bất cập về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, cải cách hành chính còn những rào cản, đời sống một bộ phận người dân, nhất là sau bão lũ còn khó khăn… 

"Phải bám sát, đánh giá chính xác tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tranh thủ các thời cơ phát triển, các thị trường, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, khắc phục hậu quả bão số 3, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là thể chế huy động nguồn lực", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu  tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn, thách thức, cần quyết liệt hơn nữa để cải thiện, tháo gỡ.

Cụ thể, về phía cung, bão số 3 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc. Cần đẩy mạnh, tiếp tục triển khai hiệu quả, kịp thời các giải pháp hỗ trợ để sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế tác động tiêu cực đến tăng trưởng Quý IV và đầu năm 2025.

Về phía cầu, tốc độ phục hồi đầu tư còn chậm; nguồn lực đầu tư của khu vực nhà nước chưa được thúc đẩy, kích hoạt một cách hiệu quả, 09 tháng chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 15,9%).

Xuất khẩu dự báo có thể khó khăn hơn trong thời gian tới, nhất là từ đầu năm 2025; áp lực cạnh tranh từ các nước có cơ cấu sản xuất, xuất khẩu tương đồng với Việt Nam gia tăng.

"Do đó, thị trường trong nước cần được quan tâm, thúc đẩy, khai thác hiệu quả hơn để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tăng cường khả năng chống chịu với các thách thức từ bên ngoài", Bộ trưởng lưu ý. 

Về sức mua trong nước hiện nay, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (nếu loại trừ yếu tố giá) chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, trong 9 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019. Việc thực hiện mục tiêu 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024 còn nhiều khó khăn.

Thị trường bất động sản mặc dù đã có chuyển biến nhưng còn khó khăn; các vấn đề pháp lý tồn đọng của một số doanh nghiệp, dự án chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả.

Ngoài ra, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là do bên ngoài. Vì vậy, áp lực lạm phát tiếp tục cần được theo dõi sát, nhất là biến động nguồn cung, giá dầu, hàng hóa thế giới. Tín dụng tăng trưởng chưa cao; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lớn.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Nguồn: VGP). 

Trên cơ sở kết quả Quý III, 9 tháng, dự báo cả năm, Bộ trưởng kiến nghị phấn đấu tăng trưởng Quý IV khoảng 7,6-8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%, dựa trên 06 yếu tố.

Thứ nhất, xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc cần sớm khắc phục hậu quả bão số 3, phục hồi nhanh hơn. Thứ hai, đầu tư của khu  vực nhà nước phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Thứ ba, các điểm sáng về thu hút  FDI và xuất khẩu giữ vững tốc độ tăng tích cực;

Thứ 4, thúc đẩy và khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa; đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế. Thứ 5, ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách, quy định pháp  luật mới;

Cuối cùng là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính  phủ; nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM.

"Mặc dù đã rất nỗ lực, quyết tâm thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thu ngân sách nhà nước, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong quý III, nhưng cần phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong quý IV để giúp tăng trưởng cả nước vượt 7%", Bộ trưởng nêu rõ. 

Ngọc Bảo
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 07/10/2024 10:37
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải nghiên cứu thẳng nhất có thể nhằm giảm chi phí, tránh đội vốn thi công

Thường trực Chính phủ yêu cầu rà soát kỹ lưỡng suất đầu tư phù hợp để tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư chính xác nhất có thể, hạn chế việc vượt tổng mức đầu tư khi phê duyệt và tránh tình trạng đội vốn khi triển khai đầu tư, thi công.

Vĩ Mô 07/10/2024 07:25
[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm 2024

Trong 9 tháng đầu năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn song nền kinh tế vẫn tăng trưởng khá tốt với mức tăng 6,82%, lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, ngành công nghiệp và xuất khẩu phục hồi tốt. Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao, tiêu dùng tăng chậm hơn cùng kỳ năm ngoái.

Vĩ Mô 07/10/2024 06:55
Thiệt hại nặng nề bởi bão Yagi, kinh tế Quảng Ninh tăng trưởng ra sao trong 9 tháng đầu năm?

Mặc dù bão Yagi đã gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế tháng 9 của Quảng Ninh, nhưng nhìn chung 9 tháng đầu năm, tỉnh này vẫn ghi nhận nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực, như: GRDP tăng 8,02%, IIP tăng 9,25%, tổng lượt khách du lịch tăng 20%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5,3 triệu USD…

Vĩ Mô 07/10/2024 06:52
Sửa Luật Đầu tư công để khơi thông nguồn lực tăng trưởng trong tình hình mới

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những nội dung “đột phá” trong Dự thảo Luật sửa đổi lần này.