Vĩ Mô 07/10/2024 10:37

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải nghiên cứu thẳng nhất có thể nhằm giảm chi phí, tránh đội vốn thi công

Thường trực Chính phủ yêu cầu rà soát kỹ lưỡng suất đầu tư phù hợp để tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư chính xác nhất có thể, hạn chế việc vượt tổng mức đầu tư khi phê duyệt và tránh tình trạng đội vốn khi triển khai đầu tư, thi công.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc, theo Báo Chính phủ.

Thông báo nêu rõ, về chủ trương phương án thiết kế kỹ thuật của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải bám sát chủ trương đầu tư toàn tuyến với tốc độ thiết kế 350 km/h đã được thông qua để tính toán, thiết kế phương án kỹ thuật phù hợp, khả thi, hiệu quả.

Cụ thể, hướng tuyến của dự án phải nghiên cứu thẳng nhất có thể nhằm giảm chi phí, bảo đảm tốc độ khai thác, tạo ra không gian phát triển mới, tiết kiệm chi phí.Đối với các ga, phải tính toán, xác định diện tích đủ lớn phù hợp, bảo đảm tầm nhìn chiến lược lâu dài để phát triển đầy đủ dịch vụ, khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực đất đai và không gian phát triển mới.

Dự án cần tránh các khu dân cư, đô thị lớn nhưng phải có phương án kết nối phù hợp. Đồng thời, phải thuận tiện để kết nối ngắn nhất đến sân bay, cảng biển lớn, bảo đảm thuận tiện liên kết hành lang Đông - Tây và kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Thường trực Chính phủ yêu cầu rà soát kỹ lưỡng suất đầu tư phù hợp nhất với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

"Cần tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư chính xác nhất có thể, hạn chế việc vượt tổng mức đầu tư do yếu tố chủ quan khi phê duyệt dự án đầu tư và tránh tình trạng đội vốn khi triển khai đầu tư, thi công công trình", Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.

Tránh đội vốn khi triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam (Ảnh: VGP).

Bên cạnh đó, Thường trực Chính phủ cũng đề nghị cần phải rà soát bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết nhằm huy động tối đa nguồn lực và cắt giảm, rút gọn các thủ tục đầu tư Dự án, bổ sung kiến nghị Quốc hội cho phép.

Thường trực Chính phủ cho rằng cần huy động đa dạng nguồn lực, trong đó đầu tư công là chính, nguồn vốn đầu tư BOT, BT và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài nhà nước bằng các cơ chế đặc thù, đặc biệt.

Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu thành lập Tổ giúp việc chuyên trách do một Thứ trưởng chỉ đạo xây dựng Dự án. Trường hợp cần thiết phải bổ sung một Thứ trưởng chuyên trách triển khai Dự án, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Thường trực Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước trước ngày 10/10. Hội đồng thẩm định Nhà nước hoàn thành thẩm định trước ngày 18/10 và chậm nhất ngày 20/10 phải có Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội.

Ưu tiên triển khai tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Liên quan đến các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc như: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng để có thể triển khai đầu tư sớm hơn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Trong đó, Thường trực Chính phủ đề nghị ưu tiên triển khai trước tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025.

Anh My
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 07/10/2024 10:16
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ ra 6 yếu tố giúp tăng trưởng GDP cả năm vượt 7%

Trên cơ sở kết quả quý III và dự báo cả năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý IV khoảng 7,6-8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%, dựa trên 6 yếu tố.

Vĩ Mô 07/10/2024 07:25
[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm 2024

Trong 9 tháng đầu năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn song nền kinh tế vẫn tăng trưởng khá tốt với mức tăng 6,82%, lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, ngành công nghiệp và xuất khẩu phục hồi tốt. Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao, tiêu dùng tăng chậm hơn cùng kỳ năm ngoái.

Vĩ Mô 07/10/2024 06:55
Thiệt hại nặng nề bởi bão Yagi, kinh tế Quảng Ninh tăng trưởng ra sao trong 9 tháng đầu năm?

Mặc dù bão Yagi đã gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế tháng 9 của Quảng Ninh, nhưng nhìn chung 9 tháng đầu năm, tỉnh này vẫn ghi nhận nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực, như: GRDP tăng 8,02%, IIP tăng 9,25%, tổng lượt khách du lịch tăng 20%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5,3 triệu USD…

Vĩ Mô 07/10/2024 06:52
Sửa Luật Đầu tư công để khơi thông nguồn lực tăng trưởng trong tình hình mới

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những nội dung “đột phá” trong Dự thảo Luật sửa đổi lần này.