Giá cà phê thô toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tuần này và tăng khoảng 80% trong năm nay do thời tiết bất lợi ở Brazil và Việt Nam - những quốc gia trồng cà phê hàng đầu thế giới, đã ảnh hưởng đến triển vọng sản lượng, theo Reuters.
Theo nguồn tin của Reuters, JDE Peet's, công ty sở hữu các thương hiệu bao gồm Jacobs, L'Or, Tassimo và Douwe Egberts, sẽ tăng giá ở Brazil trung bình 30% vào năm tới.
Brazil là quốc gia tiêu thụ cà phê lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Tuy nhiên, giới thương nhân cho biết các công ty cà phê đa quốc gia cũng sẽ tìm cách tăng giá ở các thị trường khác. Thời điểm tăng giá bán có thể rơi vào cuối tháng này hoặc đầu năm sau khi hợp đồng dài hạn với các nhà bán lẻ hết hạn.
“Tôi nghĩ các công ty sẽ tăng giá vào năm tới”, một thương nhân ở châu Âu cho biết.
Một nhà rang xay lớn khác của Brazil là 3 Coracoes sẽ tăng giá 11% trong tháng 1 sau khi tăng 10% vào tháng 12; trong khi Melitta, cũng là một nhà rang xay lớn ở Brazil, đã tăng 25% trong tháng này sau mức tăng 12% gần đây.
JDE Peet's đề cập đến "các vấn đề về khí hậu" trong một thông báo gửi tới khách hàng cho biết họ sẽ tăng giá các mặt hàng rang và xay, cà phê nguyên hạt, hòa tan, viên nén và cà phê cappuccino.
Melitta cho biết họ tiếp tục phải đối mặt với chi phí cà phê tăng cao do "tình hình khí hậu”. Cả Brazil và Việt Nam đều trải qua hạn hán trong năm nay, trong khi khí hậu thất thường vài năm trở lại đây. Chỉ trong 5 tuần qua, giá cà phê thô trên thị trường hàng hóa quốc tế đã tăng khoảng 30%.
Một nhà kinh doanh cà phê có trụ sở tại châu Âu cho biết: “Một số nhà rang xay lớn ở châu Âu đã lên kế hoạch tăng 10% vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 trước động thái gần đây này”. Ông nói thêm người mua hàng ở siêu thị có thể nhận thấy giá tăng vào cuối tháng 3.
Ông nói, mặc dù mức tiêu thụ cà phê nhìn chung không tăng nhiều nhưng người tiêu dùng, đặc biệt là những người ở các nước đang phát triển, cuối cùng có thể phản ứng với việc giá tăng bằng cách uống ít cà phê hơn.
Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng nhu cầu từ các nhà rang xay có thể sẽ chậm lại đáng kể vì không giống như người tiêu dùng, các công ty cà phê có thể phản ứng với giá cao bằng cách giảm lượng tồn kho chẳng hạn.
Tương tự, các công ty cà phê, đặc biệt là những công ty bán chủ yếu cho siêu thị, đã phải vật lộn trong năm nay để chuyển chi phí tăng lên vào giá bán trong khi người tiêu dùng ngày càng săn lùng các loại cà phê rẻ hơn trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Một lãnh đạo của Nestlé (NESN.S), công ty cà phê lớn nhất thế giới, đã bị sa thải hồi đầu năm nay sau khi hội đồng quản trị không hài lòng về tốc độ tăng trưởng doanh thu yếu và mất thị phần do giá tăng.
Cổ phiếu của Nestle và JDE Peet's đã giảm hơn 20% trong năm nay trong bối cảnh biên lợi nhuận bị thu hẹp do người tiêu dùng phản đối việc tăng giá của họ.
Ghi nhận mới nhất cho thấy, giá thịt heo tại hệ thống cửa hàng WinMart vẫn duy trì xu hướng đi ngang. Trong đó, thịt nạc dăm heo được bán với giá 149.520 đồng/kg.
Giá dầu thô tăng khoảng 2% trong phiên giao dịch ngày 11/12 sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua một vòng trừng phạt bổ sung đe dọa nguồn cung dầu Nga, dấy lên lo ngại về khả năng thắt chặt nguồn cung cấp thô toàn cầu.
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày 11/12 sau khi dữ liệu lạm phát như kỳ vọng thúc đẩy khả năng Fed lãi suất vào tuần tới. Trong nước, vàng nhẫn tăng nhẹ khoảng 100.000 - 200.000 đồng/lượng.
Giá tiêu hôm nay (12/12) vẫn ổn định trong khoảng 145.000 – 147.200 đồng. Tuy nhiên, trên thị trường quốc tế giá tiêu Brazil và Indonesia đồng loạt giảm. Nước Mỹ đã chi 409,16 triệu USD để mua hồ tiêu trong 10 tháng đầu năm, trong đó chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam.