(Tiếp tục cập nhật)
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm đạt 11.229 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ,thực hiện 44% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Riêng trong quý II, lợi nhuận ở mức 6.215 tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước.
Động lực tăng trưởng đến từ cả ngân hàng mẹ và các công ty thành viên. Ngân hàng riêng lẻ tiếp tục đóng vai trò trụ cột, với lợi nhuận trước thuế đạt 5.753 tỷ đồng trong quý II, tăng trưởng 61%. VPBankS báo cáo lãi kỷ lục trong nửa đầu năm nay với gần 900 tỷ đồng, tăng 80%. FE Credit có lãi quý thứ 5 liên tiếp, đạt 270 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế quý II đạt 7.899 tỷ đồng, nhích tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế của ngân hàng đạt 15.135 tỷ đồng, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy Techcombank là ngân hàng thứ hai công bố lợi nhuận 6 tháng giảm so với cùng kỳ, trước đó là LPBank.
STT | Ngân hàng | Lợi nhuận trước thuế | |||||
Quý II/2025 | Quý II/2024 | % thay đổi | 6T2025 | 6T2024 | % thay đổi | ||
1 | VPBank | 6.215 | 4.492 | 38,3% | 11.229 | 8.674 | 29,5% |
2 | Techcombank | 7.899 | 7.827 | 0,9% | 15.135 | 15.628 | -3,2% |
3 | LPBank | 2.988 | 3.032 | -1,5% | 6.164 | 5.919 | 4,1% |
4 | PGBank | 188 | 95 | 98,0% | 284 | 211 | 34,6% |
5 | Kienlongbank | 565 | 338 | 67,2% | 921 | 552 | 67,0% |
6 | Nam A Bank | >2.500 | 14,0% | ||||
7 | TPBank | 4.100 | 12,0% | ||||
8 | NCB * | 311 | 48 | 548,8% | 462 | 6 | 7551,5% |
Ghi chú (*): Lợi nhuận sau thuế. Nguồn: BCTC, công bố từ các ngân hàng
Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - Mã: LPB) công bố báo cáo tài chính quý II với lãi trước thuế đạt 2.988 tỷ đồng, giảm 1,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.396 tỷ đồng, giảm 1,1%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ở mức 6.164 tỷ đồng, tăng 4,1%. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.930 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Với kết quả trên, ngân hàng đã hoàn thành 41,5% kế hoạch năm.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của LPBank tăng 1% so với cùng kỳ, đạt 513.613 tỷ đồng. Trong khi đó, cho vay khách hàng tăng 11,2%, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành (9,9%).
Tiền gửi khách hàng đạt 313.174 tỷ đồng, tăng 10,6% từ đầu năm đến nay. Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu ngân hàng tăng 23,3%, lên 6.480 tỷ đồng kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,58% lên 1,76%
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 188 tỷ đồng, tăng 98,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, tăng 98,1%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ở mức 284 tỷ đồng, tăng 34,7%. Lợi nhuận sau thuế đạt 227 tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank - Mã: KLB) đã công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 565 tỷ đồng, tăng 67,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất của ngân hàng kể từ quý I/2021.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ở mức 921 tỷ đồng, tăng 67%. Với kết quả trên, ngân hàng đã thực hiện được gần 67% kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lãi trước thuế 1.379 tỷ đồng.
Ngày 15/7, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - Mã: NAB) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả trên góp phần giúp ROE duy trì mức gần 20%, ROA đạt 1,5%.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Nam A Bank đạt gần 315.000 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với đầu năm. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đạt gần 193.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,7% so với đầu năm, huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 211.000 tỷ đồng tăng mạnh hơn 22% so với đầu năm.
Chất lượng tài sản đang cải thiện dần, khi nợ nhóm 2 (trước CIC) đã giảm đáng kể từ mức 1,47% ở đầu năm 2025 xuống mức 0,62%, tỷ lệ nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) ở mức 2,63%.
Tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) được kiểm soát ở mức 67,17%. Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 22,33% xuống còn 21,94%.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) cũng đã hé lộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt trên 4.100 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng cho biết tăng trưởng tín dụng đã đạt gần 11,7%, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bán lẻ, bất động sản có kiểm soát và tài chính tiêu dùng – những mảng mang lại biên lãi ròng cao.
Theo thông tin từ Ngân hàng Quốc dân (NCB), lợi nhuận sau thuế quý II/2025 ước đạt hơn 311 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, lợi nhuận sau thuế của NCB ước đạt hơn 462 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 6 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2024.
Tổng tài sản tại 30/06/2025 ước đạt hơn 144.054 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cuối năm 2024 và vượt 6,3% so với mức kế hoạch cả năm 2025 là 135.500 tỷ đồng.
Theo thống kê, Nam A Bank tính đến hiện tại là ngân hàng tư nhân đầu tiên công bố lợi nhuận nửa đầu năm 2025. Trước Nam A Bank, ba ngân hàng khối quốc doanh là Agribank, VietinBank và Vietcombank cũng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm.
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Agribank)
Chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 tổ chức ngày 7/7, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), cho biết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của toàn hệ thống đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ năm trước, đạt cao nhất sau 4 năm triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động của Agribank đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm, cao nhất từ năm 2021 trở lại đây, trong đó tiền gửi dân cư chiếm tỷ trọng lớn.
Đại diện lãnh đạo ngân hàng cho biết nguồn vốn của Agribank đáp ứng đủ nhu cầu vay phát triển sản xuất, kinh doanh của khách hàng, hiệu quả sử dụng vốn được nâng cao, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, cao hơn cùng kỳ năm 2024. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 61% dư nợ nền kinh tế.
Đối với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG), tại hội nghịsơ kết công tác Đảng, hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung - Tổng Giám đốc cũng tiết lộ trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng tăng trưởng ước đạt 10% so với cuối năm 2024; nguồn vốn huy động tăng ước đạt hơn 9%.
Mặc dù không công bố chi tiết con số lợi nhuận cụ thể nhưng ông Trung cho hay lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024. Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2024, chỉ tiêu này của VietinBank đạt 28.826 tỷ đồng.
Chia sẻ tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) cho biết Vietcombank đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh.
Theo đó, tổng tài sản ước đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối năm 2024; tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế sau khi hỗ trợ VCBNeo ước tăng hơn 5,0% so với cuối năm 2024, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1%, thấp nhất trong số các tổ chức tín dụng quy mô lớn. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đạt xấp xỉ 219%, cao nhất hệ thống ngân hàng.
Thu nợ ngoại bảng đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2024; Tỷ lệ CIR được kiểm soát tốt và dự kiến giảm so với cuối năm 2024. Theo đại diện lãnh đạo Vietcombank, ngân hàng tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường.