Nga đang tiến hành một trong những đợt không kích dữ dội nhất vào Ukraine kể từ khi cuộc chiến giữa hai nước bắt đầu, dẫn đến một số lo ngại về khả năng chống cự của Ukraine.
Trong bối cảnh đó, nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang dần được các nước châu Âu tán thành.
Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Nga đã phóng khoảng 120 tên lửa và 90 máy bay không người lái vào các mục tiêu trên khắp Ukraine vào sáng sớm ngày 17/11. Mục tiêu có vẻ là nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng điện ở ba khu vực quan trọng của Ukraine.
DTEK, công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, cho biết vụ tấn công đã gây ra “thiệt hại nghiêm trọng”. Công ty năng lượng nhà nước Ukrenergo cho biết một số công nhân năng lượng đã thiệt mạng.
Sự đồng tình giữa châu Âu và chính quyền ông Trump là một thay đổi lớn so với 6 tháng trước. Khi đó, giới chức châu Âu tỏ ra kinh hãi khi nhóm của ông Trump hứa hẹn sẽ chấm dứt cuộc chiến nhanh chóng vì sợ có thể ông sẽ đạt thỏa thuận với Điện Kremlin bằng cách khiến Ukraine phải chịu thiệt.
Tuy nhiên, bây giờ giới chức tại nhiều nước đã thừa nhận rằng một lối thoát khỏi cuộc xung đột Nga - Ukraine có vẻ ngày càng trở nên cấp thiết.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), ông Trump và các cố vấn cấp cao tự tin Ukraine sẽ sớm chịu ngồi vào bàn đám phán do gặp phải thất bại trên chiến trường.
Trước công chúng, các quan chức cấp cao của Ukraine khẳng định mục tiêu của họ là giải phóng gần 20% lãnh thổ quốc gia bị Nga chiếm đóng. Lập trường này được người dân Ukraine ủng hộ rộng rãi.
Khảo sát do Viện Xã hội học Quốc tế Kiev tiến hành vào tháng 10 cho thấy chỉ 32% người trả lời sẵn sàng chịu mất một phần lãnh thổ để đổi lấy việc chấm dứt chiến sự và bảo vệ nền độc lập quốc gia. Đa số vẫn phản đối việc từ bỏ phần đất bị chiếm. Tuy nhiên, tỷ lệ từ bỏ đã tăng so với mức 14% ghi nhận một năm trước.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất vẫn là ông Trump sẽ làm cách nào để thuyết phục Nga đình chiến và liệu Tổng thống Vladimir Putin có thành tâm đàm phán hay không.
Đội ngũ cố vấn của ông Trump đã đưa ra nhiều kế hoạch, tất cả đều trái với cách tiếp cận “giúp đỡ Ukraine cho tới khi cần thiết” của đương kim Tổng thống Joe Biden.
Một trong các đề xuất của nhóm ông Trump là Ukraine phải hứa không gia nhập NATO trong 20 năm, đổi lại Mỹ sẽ cung cấp thêm vũ khí để Ukraine ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga trong tương lai.
Chính quyền hiện nay của Đức phản đối việc Ukraine gia nhập NATO trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, các đồng minh châu Âu khác của Ukraine chưa chắc sẽ chấp nhận điều khoản này dù có ủng hộ việc đàm phán.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã điện đàm với Tổng thống Putin hôm 15/11, nối lại các cuộc trò chuyện trực tiếp giữa nhà lãnh đạo Nga và phương Tây.
Trong cuộc trò chuyện, ông Scholz hối thúc ông Putin đàm phán với Ukraine để đạt hòa bình lâu dài. Nhưng ông cũng lặp lại quyết tâm của Đức là ủng hộ Ukraine chống lại cuộc tấn công của Nga.
Sau cuộc điện đàm, Điện Kremlin cho biết Moscow luôn sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột. Song, họ cũng ngầm tỏ quan điểm là Kiev nên công nhận những lãnh thổ mà Nga đã giành được ở Ukraine và đảm bảo duy trì tính trung lập trong tương lai.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Budapest tuần trước, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lần đầu tiên bàn bạc về những gì cần làm nếu Mỹ ngừng viện trợ cho Ukraine sau khi ông Trump nhậm chức.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã bày tỏ mối lo về khả năng cung cấp hỗ trợ quân sự, tiền bạc và nhân đạo cho Ukraine nếu ông Trump cắt đứt viện trợ của Mỹ.
Tuy nhiên, sau hàng loạt cuộc điện đàm với tổng thống đắc cử của Mỹ, các quan chức châu Âu đã trở nên lạc quan hơn trước. Họ nói dù ông Trump quyết tâm giải quyết xung đột bằng ngoại giao, ông cũng lắng nghe các cảnh báo rằng Mỹ phải buộc Nga thực sự nhượng bộ và không thể hiện điểm yếu của phương Tây ở Ukraine.
Thông điệp chính thức của hầu hết các quốc gia là châu Âu sẽ ủng hộ Ukraine cho tới khi cần thiết. Quan điểm này đặc biệt được ủng hộ bởi Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic và Scandinavia.
Các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, có cơ hội thu hút dòng vốn từ Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đối với các dự án xanh, để hỗ trợ cho các nước này chuyển sang nền kinh tế xanh.
Khi các doanh nhân thế hệ đầu tiên của Trung Quốc bước vào tuổi xế chiều, doanh nghiệp của họ phải vật lộn với những câu hỏi phức tạp về người kế nhiệm và môi trường kinh doanh mới.
Một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng đề cập là thông thạo kiến thức kế toán.
Các cấp dưới của ông Trump đang hối hả tìm kiếm những ứng viên phù hợp cho chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính, cơ quan quản lý vấn đề tiền bạc và kiểm soát rủi ro tài khoá của chính phủ liên bang.