Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2024 với khoản lỗ sau thuế hơn 33 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 30 tỷ). Lỗ lũy kế của doanh nghiệp đến nay là gần 32 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2024, nợ phải trả của Nam Rạch Chiếc là 2.421 tỷ đồng, nhìn chung không nhiều biến động so với đầu năm. Trong đó, nợ trái phiếu chiếm 2.000 tỷ đồng từ 2 lô trái phiếu. Vốn chủ sở hữu là 627 tỷ đồng.
Nam Rạch Chiếc là doanh nghiệp liên doanh giữa CTCP Bất động sản Tiến Phước - Keppel Land (Singapore) - Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái, được thành lập để thực hiện dự án Palm City tại quận 2 (nay là TP Thủ Đức, TP HCM).
Palm City được xây dựng trên khu đất rộng 30,2 ha. Đây là dự án đối ứng thuộc dự án BT Khu tái định cư An Phú - Bình Khánh với 1.844 căn hộ thuộc Khu tái định cư Thủ Thiêm do Liên doanh Nam Rạch Chiếc triển khai.
Hai giai đoạn nhà ở đầu tiên của dự án là Palm Residence và Palm Heights, đã hoàn thành và bàn giao lần lượt năm 2017 và 2019. Dự án còn lại bốn lô đất, hai lô đất nhà ở, một lô đất hỗn hợp và một lô đất y tế.
Bên cạnh Palm City, Bất động sản Tiến Phước và Keppel Land còn hợp tác tại một số dự án lớn ở quận 2 cũ như Empire City, The Estella...
Riêng Bất động sản Tiến Phước, doanh nghiệp này được biết đến là nhà phát triển hàng loạt dự án lớn tại TP HCM như Khách sạn Le Meridien Saigon Tower (3C Tôn Đức Thắng); Khu biệt thự Greenfield, Khu căn hộ cao cấp The Estella, Khu dân cư Senturia Vườn Lài (quận 12), Khu dân cư Long Trường (quận 9), Khu dân cư Senturia Nam Sài Gòn (Bình Chánh); Senturia An Phú (quận 2), Empire City, Cam Ranh Bay Resort & Spa,...
Một góc dự án Palm City. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).
Ở một diễn biến mới đây, Kepple Land (Singapore) thông qua bộ phận bất động sản, đã thoái toàn bộ 42% cổ phần tại Nam Rạch Chiếc. Bên mua là CTCP Gateway Thủ Thiêm, với tổng số tiền dự kiến 2.612 tỷ đồng (khoảng 102 triệu USD).
Keppel cho biết đã chuyển nhượng 840.000 trái phiếu do SRC phát hành cho Gateway Thủ Thiêm với giá trị là 910 tỷ đồng (khoảng 36,4 triệu SGD), tương đương với mệnh giá của trái phiếu và lãi tích lũy tính đến ngày chuyển nhượng 31/3.
Ông Louis Lim, Tổng giám đốc bất động sản của Keppel Land, cho biết việc thoái vốn Palm City là một bước tiến trong kế hoạch đầy tham vọng của công ty nhằm thu hồi tổng cộng 10 - 12 tỷ SGD (tương đương 7,4 - 8,9 tỷ USD) từ các tài sản, đến cuối năm 2026.
Trước khi thoái vốn, Keppel Land đã ghi nhận tổng lợi nhuận sau thuế khoảng 24,6 triệu SGD (18,3 triệu USD) từ việc bán các căn hộ tại Palm City. Thương vụ thoái vốn hoàn tất vào tháng 3/2025, dự kiến mang lại lợi nhuận ròng khoảng 55 triệu SGD (40,9 triệu USD) cho Keppel Land.
Giao dịch này được đánh giá sẽ không có tác động đáng kể đến thu nhập trên mỗi cổ phiếu và giá trị tài sản hữu hình ròng trên mỗi cổ phiếu của Keppel trong năm tài chính hiện tại.
CTCP Bất động sản Tiến Phước là một doanh nghiệp thuộc CTCP Tập đoàn Tiến Phước do bà Nguyễn Thị Mỹ Phương đang đồng thời đứng tên.
Trong năm 2024, Tập đoàn Tiến Phước lỗ sau thuế gần 60 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 159 tỷ đồng). Lỗ lũy kế đến nay là gần 57 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2024, nợ phải trả của Tập đoàn Tiến Phước là 8.208 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngân hàng chiếm hơn 375 tỷ đồng, nợ trái phiếu 295 tỷ đồng.
Trong tuần từ ngày 8/4 đến ngày 11/4, thị trường chứng khoán có 5 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.
Tuần này có sự xuất hiện của một số đơn vị tên tuổi như đại diện ngành ngân hàng ACB, công ty chứng khoán TPS, đại diện bất động có nhóm Sunshine, CEO, Lideo hay các công ty Vicostone, Thiên Long, FPT Telecom...
Mặc dù đến ngày 9/4 mới biết mức thuế cụ thể cho từng mặt hàng nhưng doanh nghiệp ngành rau quả vẫn hy vọng mức thuế đối ứng nếu có sẽ thấp hơn những mặt hàng có thâm hụt thương mại lớn.
Dự án bến cảng quy mô gần 73 ha tại Lạch Huyện vừa được đưa vào vận hành, có thể đón cùng lúc 2 tàu container lớn nhất thế giới.