Sáng 26/4, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã: VAB) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 nhằm thảo luận và xem xét nhiều nội dung quan trọng như tờ trình về việc phân phối lợi nhuận năm 2024, kế hoạch kinh doanh 2025, phương án tăng vốn điều lệ năm 2025,...
Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông VietABank. (Ảnh: M.Trang).
Đánh giá năm 2025 với nhiều thách thức như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định, ban lãnh đạo ngân hàng trình kế hoạch lợi nhuận 1.306 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2024 và đã được thông qua.
Về các chỉ tiêu khác, VietABank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 7,1% lên gần 128.381 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 10,3% lên 88.110 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến sẽ tăng 9,3% lên 101.007 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 3%. Cuối năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu của VietABank ở mức 1,37%, thuộc nhóm tương đối thấp trong các ngân hàng TMCP quy mô nhỏ.
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ VietABank 2025.
Đánh giá về tác động của chính sách thuế quan và những xung đột chính trị trên thế giới đến kế hoạch kinh doanh và hoạt động của ngân hàng, ông Phương Thành Long, Chủ tịch VietABank, cho rằngtác động trực tiếp đến ngành ngân hàng nói chung và VietABank nói riêng là con số khá nhỏ.
"Theo thống kê, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu (của VietABank - PV) đạt chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó cho vay với doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp công nghiệp chiếm trên dưới 2%", ông Long cho biết.
Bên cạnh đó, ngân hàng có hoạt động về ngoại tệ, nhưng không trực tiếp liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu, nên những dự báo của ngân hàng về tác động của thuế quan dưới 1%, ông Phương Thành Long cho biết thêm.
Đại hội đồng cổ đông cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2025từ gần 5.400 tỷ đồng lên 11.582 tỷ đồng, tăng 114% (thêm 6.183 tỷ) thông qua ba hình thức phát hành cổ phiếu.
Cụ thể ba hình thức làphát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (2.851 tỷ đồng); phát hành cổ phiếu chào bán cho người lao động (200 tỷ đồng); phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu (3.132 tỷ đồng).
Ban chủ toạ đại hội đồng cổ đông VietABank. (Ảnh: VietABank).
Cấu phần đầu tiên, ngân hàng sẽ phát hành tối đa hơn 285 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ 52,8% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được thêm 52,8 cổ phiếu mới).
"Dự kiến việc thực hiện chia cổ tức sẽ trong quý III hoặc đầu quý IV sẽ hoàn thành", Chủ tịch VietABank cho biết.
Cấu phần thứ hai, ngân hàng dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP, tỷ lệ phát hành 3,7% với tổng mệnh giá phát hành là 200 tỷ đồng. Thời gian hạn chế chuyển nhượng tối thiểu một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Thời gian dự kiến hoàn thành chương trình ESOP trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phương án phát hành ESOP.
Cấu phần thứ ba là phát hành hơn 313 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ thực hiện quyền là 58% (cổ đông sở hữu 100 quyền mua sẽ nhận được quyền mua 58 cổ phiếu mới), giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cp.
Đại hội năm nay cũng thông qua việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng tại Sở Giao dịch Chứng khoán (HOSE).
Cập nhật về tiến độ thực hiện, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Trọng cho biết VietABank đã chính thức nộp hồ sơ lên sàn HOSE và đã được tiếp nhận công văn.
"Sau khi Đại hội cổ đông thông qua, VietABank sẽ bám sát thủ tục để chính thức niêm yết. Chúng tôi đang thúc đẩy nhanh nhất có thể, dự kiến trong vòng 2 tháng sẽ chuyển từ sàn UPCoM sang sàn HOSE", ông Trọng cho hay.
Chủ tịch VietABank cho rằng đây là cơ hội để VietABank tiếp cận nhà đầu tư, tăng số lượng giao dịch, giúp thị trường đánh giá và nhìn nhận giá trị ngân hàng tốt hơn. "Dự kiến trong quý III/2025
sẽ thực hiện thành công chuyển sàn, nhờ đó sẽ giúp giao dịch cổ phiếu sôi động hơn", ông Long nói.
Bầu bổ sung hai thành viên Hội đồng Quản trị
Đại hội đồng cổ đông bầu bổ sung hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028. (Ảnh: VietABank).
Đại hội đã tiến hành bầu bổ sung hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028. Cụ thể, HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028 của VAB gồm 7 thành viên bao gồm: Ông Phương Thành Long, Ông Phan Văn Tới, Ông Nguyễn Hồng Hải, Ông Lê Hồng Phương, Ông Trần Tiến Dũng, Ông Thái Nguyễn Hoàng Nhã và Ông Nguyễn Văn Trọng.
Ngân hàng cho biết việc bổ sung này nhằm phù hợp quy mô và nhu cầu về quản trị tại VietABank trong giai đoạn mới đồng thời khẳng định việc tuân thủ quy định tại Luật các TCTD 2024 của VietABank.
Bên cạnh đó, đại hội đã thông qua chủ trương đầu tư góp vốn/mua cổ phần, thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết trong các lĩnh vực chứng khoán, cho thuê tài chính, bảo hiểm, quản lý nợ, kiều hối, vàng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ thanh toán và thông tin tín dụng.
Cùng với đó là chủ trương góp vốn hoặc mua cổ phần vào doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, tín dụng và dịch vụ thanh toán, hoặc các lĩnh vực khác khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, đại hội cũng thông qua mức thù lao năm 2024 và dự kiến mức thù lao năm 2025 của HĐQT và Ban Kiểm soát, phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm và các nội dung khác.