CEO Fast Retailing, ông Tadashi Yanai, khẳng định Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của công ty, bất chấp xu hướng dịch chuyển do tình hình kinh tế trì trệ và căng thẳng địa chính trị.
Theo Nikkei Asia, ông Yanai nhấn mạnh: "Chúng tôi, Fast Retailing, đã phát triển song hành cùng ngành công nghiệp dệt may Trung Quốc."
Mặc dù xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu đã giảm trong thập kỷ qua do mức lương tại Trung Quốc tăng, ông Yanai vẫn tin rằng các nhà sản xuất Trung Quốc là những đối tác có thể đáp ứng cả chất lượng cao và sản xuất quy mô lớn.
Trong số 397 nhà máy đối tác của Fast Retailing, có đến 211 nhà máy đặt tại Trung Quốc, tiếp theo là Việt Nam với 61 và Bangladesh với 26. Đồng thời, trong số 155 nhà máy dệt trên toàn cầu mà công ty hợp tác, 75 nhà máy cũng nằm ở Trung Quốc.
Để củng cố chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, Fast Retailing đã triển khai các đội Takumi (thợ thủ công) – những chuyên gia kỹ thuật trong ngành dệt may. Họ cung cấp hướng dẫn kỹ thuật về nhuộm, may mặc và an toàn lao động không chỉ tại Trung Quốc mà còn ở Việt Nam và các quốc gia khác.
Ông Yanai cũng thừa nhận rằng một số nhà máy ở các quốc gia khác không đạt được chất lượng như Trung Quốc, nhưng chúng vẫn hữu ích vì có thể tạo ra lợi nhuận tại thị trường Mỹ và châu Âu.
Bất chấp xu hướng "Trung Quốc cộng một" – chiến lược giảm phụ thuộc vào Trung Quốc của nhiều doanh nghiệp toàn cầu, ông Yanai nhấn mạnh không có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc. Ông lý giải: "Không dễ để xây dựng các nhà máy quy mô lớn thay thế Trung Quốc, nơi chúng tôi có lịch sử dài với nhiều thử nghiệm và cải tiến."
Hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng của Fast Retailing, đóng góp 22% doanh thu hàng năm, chỉ đứng sau Nhật Bản với 30%. Uniqlo, thương hiệu chủ lực của Fast Retailing, áp dụng chiến lược tái cấu trúc ở Trung Quốc bằng cách đóng cửa những cửa hàng nhỏ, vị trí không thuận lợi để mở các cửa hàng lớn hơn tại vị trí tốt hơn.
Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8/2024, doanh thu toàn cầu của Fast Retailing lần đầu tiên vượt mốc 3.000 tỷ yên (khoảng 20 tỷ USD).
Ông Yanai đặt mục tiêu tiếp theo là 10.000 tỷ yên và nhấn mạnh việc mở rộng quốc tế và thu hút nhân tài toàn cầu sẽ là chìa khóa để đạt được mục tiêu này.
Công ty đang tăng cường sự hiện diện tại châu Âu và Bắc Mỹ, với mức tăng trưởng doanh thu lần lượt 45% và 33% trong năm qua.
Sở TNMT Đồng Nai đề xuất đấu giá 37 khu đất, tổng giá trị ước tính khoảng 18.000 tỷ đồng trong năm 2025.
TMT đang nỗ lực mở rộng hệ sinh thái xe điện bằng cách xây trạm sạc, ký kết hợp đồng mua bán với các hãng taxi.
Vụ việc đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống lại quyền lực tập đoàn chaebol, đặt ra tiền lệ mới về quản trị và minh bạch doanh nghiệp tại Hàn Quốc.
Việt Nam là thị trường bất động sản hạng sang trọng điểm châu Á - Thái Bình Dương, với giá căn hộ dần tiệm cận thế giới, theo Knight Frank.