Kinh tế Quốc tế 01/07/2024 14:29

Chứng khoán Đài Loan là quán quân châu Á nửa đầu năm 2024, thị trường Việt Nam và Ấn Độ nằm đâu?

Các chỉ số chứng khoán có diễn biến tích cực nhất tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương nửa đầu năm 2024 là Taiex của Đài Loan và Nikkei 225 của Nhật Bản.

(Hình minh họa: Economic Times). 

Diễn biến tích cực

Cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) đã chắp cánh cho thị trường chứng khoán Đài Loan trong nửa đầu năm 2024. Theo đó, Đài Loan là thị trường chứng khoán tạo ra tỷ suất sinh lời hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ đầu năm đến nay.

Chỉ số Taiwan Weighted Index (Taiex) vọt tăng 28%, công lớn thuộc về các cổ phiếu liên quan đến AI. Chẳng hạn, giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip Taiwan Semiconductor Manufacturing Corp. (TSMC) tăng dựng đứng 63% trong nửa đầu năm nay.

Cổ phiếu đối thủ chính của TSMC là Foxconn - được niêm yết với tên Hon Hai Precision Industry – còn chứng kiến mức tăng dữ dội hơn là 105%.

Ông Rahul Ghosh, chuyên gia tại hãng quản lý tài sản T. Rowe Price, viết trong báo cáo gần đây: “Diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm nay chủ yếu được thúc đẩy bởi câu chuyện về AI và chính sách của các ngân hàng trung ương. Nhiều khả năng những yếu tố này sẽ tiếp tục chi phối thị trường trong thời gian tới”.

Vị chuyên gia cho biết tác động của các khoản đầu tư AI đang mở rộng ra tới những lĩnh vực như công nghiệp, vật liệu và tiện ích.

 

Đứng thứ hai tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản. Chỉ số này đã liên tục xô đổ các kỷ lục cũ trong năm nay. Tính trong 6 tháng đầu năm, Nikkei 225 đi lên 18%.

Vào tháng 2, Nikkei 225 đã vượt qua mức cao nhất mọi thời đại trước đó là 38.915,87 điểm (thiết lập vào ngày 29/12/1989). Tiếp theo, chỉ số này vượt qua ngưỡng tâm lý 40.000 điểm và cuối cùng đóng cửa ở mức cao nhất từ trước tới nay là là 40.888,43 điểm vào ngày 22/3.

Nói riêng về thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng trưởng 10,2% trong 6 tháng đầu năm, ở mức cao trong khu vực. Môi trường lãi suất thấp giúp hấp dẫn dòng tiền nội, thúc đẩy thị trường đi lên bất chấp lực bán của khối ngoại. Tuy nhiên trong giai đoạn đó, một số rủi ro như tỷ giá đã gây sức ép lên thị trường, dẫn đến các đợt điều chỉnh trong ngắn hạn.

 

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á có diễn biến tích cực trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, Thái Lan, Indonesia và Philippines là ngoại lệ.

Chỉ số SET của Thái Lan mất 8%, trở thành chỉ số có diễn biến tiêu cực nhất trong khu vực nửa đầu năm 2024. Chỉ số Jakarta Composite của Indonesia và PSI của Philippines lần lượt giảm 2,88% và 0,6% trong cùng kỳ.

Chờ đợi Fed

Hầu hết các ngân hàng trung ương ở châu Á đang theo dõi sát sao động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để có thể đưa ra quyết định chính sách tiền tệ phù hợp. 

Tại cuộc họp tháng 6, biểu đồ chấm báo hiệu Fed sẽ chỉ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong năm 2024. Tuy nhiên, họ dự kiến sẽ hạ lãi suất 4 lần trong năm 2025, mỗi lần 25 điểm cơ bản. 

Thị trường tài chính đã phải liên tục đẩy lùi kỳ vọng về các đợt cắt giảm lãi suất của Fed do lạm phát ở Mỹ cao hơn dự kiến. Số việc làm dồi dào và tốc độ tăng trưởng tiền lương ổn định ở Mỹ cũng củng cố cho ý kiến Fed không cần hạ lãi suất.

Câu hỏi quan trọng là bao giờ Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách. Công cụ FedWatch của CME Group cho thấy 61% nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9.

Nhưng vào ngày 16/6, ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, cho biết “dự đoán hợp lý” là Fed sẽ đợi đến tháng 12 để nới lỏng chính sách.

Cùng quan điểm với ông Kashkari là ông Ken Orchard, Giám đốc bộ phận chứng khoán trả thu nhập cố định quốc tế tại T. Rowe Price. Ông cho biết: “Chúng tôi dự kiến Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 12, sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc”.

Tuy nhiên, ông dự đoán Fed sẽ chỉ giảm lãi suất một hoặc hai lần trong năm sau. Thậm chí, ông Orchard còn cảnh báo khả năng Fed tăng chi phí đi vay trở lại.

Vị giám đốc giải thích: “Các đợt cắt giảm lãi suất ‘phòng hờ’ của Fed có thể sẽ khiến lạm phát nóng lên, dẫn đến rủi ro các quan chức có khuynh hướng tăng lãi suất trong năm 2025”.

Ông Homin Lee, chuyên gia kinh tế vĩ mô của ngân hàng Lombard Odier, có cái nhìn tích cực hơn. Kịch bản cơ sở của ông là Fed hạ lãi suất hai lần trong 6 tháng cuối năm 2024.

Ông nói với tờ CNBC: "Chúng tôi tin Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất trong tháng 9, bởi rào cản để thắt chặt chính sách tiền tệ là cực kỳ cao, còn rào cản để hạ lãi suất thì thấp hơn nhiều". 

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 03/07/2024 13:46
Nhật Bản phát hành mẫu tiền mới, liệu nền kinh tế có nhận cú hích?

Nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ nhận được nhiều lợi ích khi ngân hàng trung ương thay đổi thiết kế tiền giấy.

Kinh tế Quốc tế 03/07/2024 13:37
Nhiều địa phương Trung Quốc tài trợ chi phí IVF để khuyến khích sinh nở

Giới chức trách Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con.

Kinh tế Quốc tế 03/07/2024 08:24
Chủ tịch Powell bình luận tích cực về lạm phát, thị trường kỳ vọng Fed giảm lãi suất từ tháng 9

Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến lạm phát sẽ quay về mức 2% sớm nhất là vào cuối năm 2025 hoặc trong năm 2026.

Kinh tế Quốc tế 03/07/2024 07:56
Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ đầu tiên kêu gọi ông Biden rút lui sau màn tranh luận gây thất vọng

Hôm 2/7, Hạ nghị sĩ Lloyd Doggett đến từ bang Texas đã thúc giục đương kim Tổng thống Joe Biden “đưa ra quyết định đau đớn và khó khăn là rút lui” khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.