Kinh tế Quốc tế 08/10/2024 09:54

Chuyên gia kinh tế: Nga sẽ suy thoái ngay lập tức nếu ngừng giao tranh với Ukraine

Chiến sự với Ukraine có thể là điều duy nhất đang ngăn nền kinh tế Nga trượt vào hố sâu suy thoái.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Telegraph). 

Giáo sư Jay Zagorsky của Trường Kinh doanh Questrom, Đại học Boston cho biết chiến sự với Ukraine có thể là thứ duy nhất đang ngăn nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái.

Chia sẻ với Business Insider, ông cho biết ngân sách quân đội khổng lồ của Moscow đang hỗ trợ nền kinh tế nước này. Song, đó chỉ là giải pháp tạm thời với những rắc rối kinh tế chồng chất của Nga.

Các thách thức mà Điện Kremlin hiện phải đối mặt bao gồm lạm phát vượt kiểm soát và vấn đề dai dẳng về tiền tệ và ngân sách.

Vị giáo sư cho biết: “Lúc này nền kinh tế Nga đang được thúc đẩy bởi các khoản chi lớn của chính phủ nên những lĩnh vực đang cung ứng hàng hoá cho Moscow không suy yếu”. Theo ông, Điện Kremlin đang thu mua đồng phục, giày, đạn và thực phẩm để phục vụ cho chiến dịch tại Ukraine.

“Do đó, nếu không có chiến sự, tôi nghĩ Nga sẽ suy thoái ngay lập tức”, ông cảnh báo.

Còn trong lúc cuộc chiến tiếp diễn, thời điểm nền kinh tế Nga suy thoái là điều khó có thể nói trước, Giáo sư Yuriy Gorodnichenko của Đại học California-Berkeley nhận định.

Nga được cho là sẽ phân bổ số tiền kỷ lục 13.200 tỷ ruble cho ngân sách quốc phòng vào năm tới, số tiền đó sẽ góp phần kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Gorodnichenko chỉ ra Nga không thể tiêu tiền như thế mãi.

Ông nói thêm: “Bằng tiền của chính phủ, giới chức Nga có thể duy trì nền kinh tế. Nhưng đến một lúc nào đó khi chính phủ cạn tiền, họ sẽ phải ngừng lại và nền kinh tế sẽ suy thoái”.

 

Các vấn đề kinh tế của Moscow

Nền kinh tế Nga đang phát đi nhiều tín hiệu báo động đỏ. Giáo sư Zagorsky cho biết lạm phát là một trong những vấn đề lớn nhất. Theo cơ quan thống kê của Nga, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 của nước này tăng tới 9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, ông Zagorsky dự đoán lạm phát có thể leo cao hơn nữa. Ngân hàng trung ương Nga đã kéo lãi suất lên 19% trong tháng 9 - mức cao nhất kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra và buộc các nhà hoạch định chính sách thực hiện các động thái khẩn cấp.

Ông Zagorsky nói tiếp: “Mức lãi suất trên khiến tôi nghĩ rằng lạm phát của Nga thực chất cao hơn con số được báo cáo”.

Giáo sư Gorodnichenko nhấn mạnh rằng nền kinh tế Nga cũng đang bị bủa vây bởi rắc rối tiền tệ, cụ thể là khả năng tiếp cận với đồng USD bị hạn chế do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Điều đó cản trở năng lực giao thương của Nga, đặc biệt là đối với các sản phẩm năng lượng. Trong khi đó, những mặt hàng này lại chiếm mức đáng kể trong nguồn thu của Nga.

Nga đã chuyển sang những đồng tiền khác để duy trì thương mại như nhân dân tệ của Trung Quốc. Nhưng đến giờ, nguồn cung nhân dân tệ cũng rơi vào cảnh khan hiếm khi doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng ngần ngại buôn bán với Nga vì sợ các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ và châu Âu.

Ông Gorodnichenko đánh giá: “Nga đang bán ít hàng sang Trung Quốc hơn, hoặc bị trả mức giá thấp hơn cho lượng hàng bán sang Trung Quốc. Tất cả những yếu tố trên góp phần gây ra rắc rối kinh tế ở Nga”.

Trước đây, ông Gorodnichenko dự đoán Nga có thể suy thoái trầm trọng trong năm 2025 nếu nước này cạn sạch USD, nhưng giờ vị giáo sư cho biết ông không thể đưa ra khung thời gian rõ ràng.

Tuy nhiên, ông chỉ ra doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã đi xuống còn chi tiêu quân đội thì đi lên. Một trong những lý do chính là sự sụt giảm của giá dầu thô toàn cầu.

Ông Zagorsky bình luận: “Nga vừa chịu ảnh hưởng khi nhu cầu dầu thô sụt giảm vừa bị tác động khi giá dầu lao dốc đáng kể. Điều đó giống như cú đấm kép tới nền kinh tế. Đối với tôi thì đây là câu chuyện khá đơn giản. Câu hỏi là nền kinh tế Nga có thể tiếp tục chống đỡ những lực cản lớn này trong bao lâu?”

Hai giáo sư Zagorsky và Gorodnichenko cho biết câu trả lời phụ thuộc vào việc xung đột giữa Nga và Ukraine - và cùng với đó là chi tiêu cho chiến sự - sẽ kéo dài đến lúc nào.

Ông Gorodnichenko đang theo dõi sát sao liệu Nga có tăng tiền thưởng cho người tình nguyện nhập ngũ và chiến đấu ở Ukraine hay không.

Nếu có thì đó sẽ là dấu hiệu cho thấy Nga đang hết nhân lực và nền kinh tế đã tăng trưởng quá nóng. Ông nói thêm: “Đến một lúc nào đó, Nga sẽ phải đưa ra những quyết định quan trọng và cực kỳ khó khăn”.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 08/10/2024 11:46
Nhà đầu tư hụt hẫng vì các biện pháp kích thích kinh tế mới của Trung Quốc, chứng khoán hụt hơi

Trái với kỳ vọng của thị trường, các quan chức Trung Quốc đã không công bố gói kích thích tài khóa lớn trong cuộc họp báo ngày 8/10.

Kinh tế Quốc tế 08/10/2024 11:23
Bầu cử tổng thống Mỹ: Cử tri phổ thông là ai, đóng vai trò gì?

Tại Mỹ, ứng viên giành được nhiều phiếu bầu của công chúng nhất vẫn có thể thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống.

Kinh tế Quốc tế 08/10/2024 07:45
Chẳng có lý do gì để Fed giảm lãi suất thêm 50 bps

Các chiến lược gia cho rằng Fed đã hành động quá vội vàng mà không tính toán kỹ lưỡng. Vì lẽ đó, các nhà hoạch định chính sách không có lý do gì để hạ lãi suất mạnh tay vào các tháng tới.

Kinh tế Quốc tế 08/10/2024 06:55
Dow Jones bay gần 400 điểm khi lợi suất trái phiếu và giá dầu vọt tăng

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm 1% trong phiên giao dịch đầu tuần khi lợi suất trái phiếu chính phủ và giá dầu đều tăng nhanh do báo cáo việc làm nóng hơn dự kiến và căng thẳng tại Trung Đông.