04/07/2025 07:51

Chuyên gia VPBankS: Thu nhập ngoài lãi sẽ là ‘cứu tinh’ lợi nhuận ngân hàng quý II/2025

Từng chỉ đóng vai trò bổ trợ trong cơ cấu lợi nhuận ngân hàng, thu nhập ngoài lãi nay đang trở thành cấu phần quan trọng khi biên lãi thuần (NIM) sụt giảm và áp lực trích lập dự phòng gia tăng.

Trong chương trình Điểm nhấn đầu tư của Chứng khoán VPBank (VPBankS) thực hiện mới đây,Chuyên gia phân tích Lê Thu Uyên nhận định rằng trong bối cảnh biên lãi thuần (NIM) có xu hướng sụt giảm, thu nhập ngoài lãi đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc duy trì tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong quý II.

    Biên lãi ròng (NIM) tiếp tục suy giảm: Áp lực lợi nhuận lan rộng toàn ngành ngân hàng.  Nguồn: Dự báo của VPBankS Research, tháng 7/2025.  

Theo chuyên gia, thu nhập ngoài lãi đang đóng vai trò rất chiến lược, không còn chỉ là phần phụ trợ như trước nữa. Các nhóm ngân hàng như Techcombank, Sacombank, VPBank, ACB, MB, VietinBank đang có tỷ trọng đóng góp từ thu nhập ngoài lãi rất cao và được hưởng lợi từ nhiều động lực khác nhau – bao gồm thu hồi nợ, phí dịch vụ, đầu tư tài chính, bancassurance....

“Chúng tôi cho rằng sự tăng trưởng thu nhập ngoài lãi trong quý II này sẽ phần nào bù đắp cho việc NIM suy giảm tại một số ngân hàng. Từ đó, giúp các ngân hàng này duy trì được tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế (PBT) ổn định”, bà Uyên nhận định.

 Thu nhập ngoài lãi dự kiến phân hóa mạnh giữa các ngân hàng trong năm 2025. Nguồn: Dự báo của VPBankS Research, tháng 7/2025.

Dịch vụ số và hệ sinh thái tài chính bứt phá mạnh mẽ

Theo chuyên gia, các ngân hàng sở hữu hệ sinh thái tài chính đa tầng như MB, Techcombank hay VPBank đang tận dụng lợi thế này để thúc đẩy dòng thu từ các mảng dịch vụ.

TCBS – công ty chứng khoán thuộc Techcombank, hiện dẫn đầu về thị phần trái phiếu doanh nghiệp và có kế hoạch IPO trong năm 2025. Với giá trị sổ sách ước khoảng 22.700 đồng/cổ phiếu, VPBankS Research ước tính nếu IPO thành công và được thị trường định giá ở mức P/B từ 1,7–1,9 lần, cổ phiếu TCB có thể hướng đến vùng giá 38.000–40.000 đồng.

Trong khi đó, mảng bancassurance và ngân hàng số đang chứng kiến sự tăng trưởng đều đặn về quy mô và chất lượng. Các sản phẩm số như tài khoản định danh, chuyển tiền định kỳ, ví điện tử tích hợp và quản lý tài sản trực tuyến đang thu hút lượng lớn khách hàng trẻ, tạo ra dòng thu ổn định từ phí giao dịch và hoa hồng bảo hiểm.

Tại VPBank, các khoản phí từ mảng này đang chiếm gần 30% thu nhập ngoài lãi, cho thấy chiến lược số hóa đang phát huy hiệu quả rõ rệt.

Thu hồi nợ xấu: Dòng tiền ngược duy trì lợi nhuận

Chuyên gia Lê Thu Uyên cũng chỉ ra một điểm nổi bật khác trong cơ cấu thu nhập ngoài lãi quý II là đóng góp từ hoạt động thu hồi nợ xấu:

“Chúng tôi kỳ vọng có những ngân hàng sẽ có mức thu hồi nợ xấu tốt, góp phần lớn vào thu nhập ngoài lãi trong quý II này. Các ngân hàng như MB, VPBank, VIB, Sacombank được kỳ vọng sẽ duy trì được nỗ lực thu hồi nợ trong cả nửa cuối năm,” chuyên gia nói.

  Dự phóng tích cực cho thấy nợ xấu có thể giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2025. Nguồn: Dự báo của VPBankS Research, tháng 7/2025.

VietinBank đặt mục tiêu thu hồi khoảng 8.000–10.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay. Điểm đặc biệt là khoản thu từ nợ xấu được ghi nhận trực tiếp vào TOI mà không phát sinh chi phí vốn, qua đó cải thiện biên lợi nhuận và gia tăng hệ số ROE.

Trường hợp của FE Credit – công ty tài chính tiêu dùng của VPBank – càng cho thấy rõ vai trò của thu hồi nợ. Dù không mở rộng cho vay mới trong vài quý gần đây, đơn vị này vẫn đạt lợi nhuận trước thuế gần 500 tỷ đồng, chủ yếu nhờ xử lý các khoản nợ đã quá hạn.

Luật hóa Nghị quyết 42 vào hệ thống pháp luật chính thức đang tạo ra bước ngoặt quan trọng trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Với hành lang pháp lý rõ ràng hơn, các ngân hàng có thể rút ngắn thời gian thu giữ và phát mại tài sản, từ đó đẩy nhanh tốc độ thu hồi vốn.

Những ngân hàng có tỷ trọng tín dụng tiêu dùng lớn như VIB, VPBank, STB được nhận định sẽ là bên hưởng lợi rõ rệt nhất từ thay đổi này.

Mảng ngoại hối và đầu tư tài sản không còn là ‘mỏ vàng’

Về kinh doanh ngoại hối, bà Uyên cho hay nếu như năm 2023, nhiều ngân hàng đạt được lợi nhuận đáng kể từ kinh doanh ngoại hối và đầu tư tài sản, thì năm 2025 đang chứng kiến sự đảo chiều rõ nét.

“Với diễn biến tỷ giá năm nay, thu nhập từ mảng kinh doanh ngoại hối có thể sẽ bị ảnh hưởng. Tỷ giá bán ra nhiều thời điểm đã chạm trần hoặc sát mức trần, khiến biên lợi nhuận từ hoạt động mua bán ngoại tệ bị thu hẹp”, bà Lê Thu Uyên nói.

Chuyên gia phân tích, lợi nhuận từ đầu tư tài sản tài chính – bao gồm trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi và cổ phiếu niêm yết – cũng đang suy giảm khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm duy trì quanh vùng 2,1–2,3% và thị trường chứng khoán thiếu động lực tăng trưởng bền vững.

Do đó, nhiều ngân hàng đang chuyển hướng sang các công cụ đầu tư ngắn hạn hoặc giữ thanh khoản cao thay vì gia tăng rủi ro với kỳ vọng sinh lời ngắn hạn.

Chiến lược đầu tư phòng thủ này giúp bảo vệ hệ số an toàn vốn (CAR), nhưng lại làm suy giảm đóng góp của hoạt động đầu tư vào TOI. Các nhà đầu tư cần lưu ý rằng trong môi trường lãi suất biến động và thanh khoản thị trường thắt chặt, hiệu quả sử dụng vốn trở thành một chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng quản trị của ngân hàng.

Cấu trúc thu nhập và triển vọng cổ phiếu ngân hàng

Chuyên gia VPBankS đánh giá sự phân hóa trong cơ cấu thu nhập đang tạo ra khác biệt rõ rệt về định giá cổ phiếu giữa các ngân hàng. Những tổ chức có tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động (Noll/TOI) cao thường được thị trường định giá tích cực hơn nhờ khả năng tạo dòng tiền ổn định và ít phụ thuộc vào tín dụng. 

  Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động (Noll/TOI) của các ngân hàng được dự phóng sẽ duy trì ổn định trong năm 2025. Nguồn: Dự báo của VPBankS Research, tháng 7/2025. 

Cụ thể, VietinBank (Mã: CTG) được đánh giá hưởng lợi kép từ đà tăng trưởng khách hàng FDI, giải ngân đầu tư công và khả năng xử lý nợ xấu quy mô lớn. 

Trong khi đó, Techcombank có cơ hội được “định giá lại” nếu IPO TCBS thành công, mở ra không gian định giá mới cho toàn hệ sinh thái. VPBank tiếp tục giữ biên lợi nhuận cao nhất trong nhóm tư nhân, đồng thời đang đẩy mạnh tái cấu trúc FE Credit để nâng chất lượng tài sản.

Về dài hạn, các chỉ tiêu như CIR, ROAA và NFI/TOI sẽ trở thành thước đo then chốt cho khả năng thích ứng và sức bền tài chính của từng ngân hàng.

Theo bà Lê Thu Uyên, khi thị trường bước vào giai đoạn nửa cuối 2025 – 2026 với nhiều ẩn số, nhà đầu tư nên thay đổi góc nhìn khi đánh giá cổ phiếu ngành ngân hàng. Không chỉ là EPS hay tín dụng tăng, mà cấu trúc thu nhập, khả năng tạo dòng tiền ngoài lãi và hiệu quả sử dụng vốn mới là những yếu tố quyết định vị thế bền vững của mỗi tổ chức tín dụng.

Cao Phong
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO