Theo biên bản họp Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 1/11, cổ đông Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) đã thông qua việc điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án TC Tower đến gần 1.732 tỷ đồng.
Con số này tương đương với 47% tổng giá trị tài sản của công ty mẹ trên BCTC riêng đã soát xét nửa đầu năm 2024. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên thực tế tối đa không quá 50% tổng giá trị tài sản, trong đó vốn góp thực hiện dự án tối thiểu là 20% tổng vốn đầu tư thực tế.
Kỳ vọng có giấy phép xây dựng từ 2026
Dự án TC Tower do Công ty TNHH TC Tower – một công ty con của TCM - làm chủ đầu tư nhưng bị gián đoạn từ 2014 đến nay. Ông Han Kwang Taek mới được bổ nhiệm làm giám đốc chiến lược và người đại diện phần vốn góp tại TC Tower từ ngày 6/9.
Đây là bước chuyển mình của Dệt may Thành Công khi tham gia lại ngành bất động sản sau một thập kỷ. TC Tower nằm tại số 37 Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM, được thiết kế với diện tích xây dựng gần 9.900 m2, bao gồm ba tòa nhà với gần 650 căn hộ và 12 căn penthouse.
Doanh thu ước tính của dự án khoảng hơn 2.800 tỷ đồng và lợi nhuận ước tính trên 1.100 tỷ đồng.
Trao đổi tại phiên họp, lãnh đạo TCM cho biết đã ký hợp đồng với DBFS - một đơn vị có kinh nghiệm phát triển bất động sản - để thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan và hiện tại chưa ghi nhận vướng mắc phát sinh.
"TC Tower là dự án đầu tư được duyệt từ năm 2014 nhưng chưa triển khai do TCM ưu tiên hoạt động chính dệt may. Công ty đang tập trung để tái khởi động dự án cùng sự hỗ trợ của DBFS", lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng có thể sớm triển khai khi thị trường bất động sản dần hồi phục.
Về tiến độ, các bên dự kiến đầu năm 2025 sẽ tiến hành xin giấy phép xây dựng, sau đó sẽ thực hiện các bước tiếp theo như tiến hành xây dựng, hoàn thành móng và thực hiện bán hàng.
"Giấy phép xây dựng dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2026 và thời gian xây dựng 2-3 năm nên thời gian thu hồi vốn mong đợi từ 2-3 năm từ khi khởi công xây dựng", sếp TCM trả lời cổ đông.
TC Tower xây dựng căn hộ với mục tiêu bán toàn bộ, hiện dự án vẫn đang tính toán số lượng để tối ưu. Ngoài phần căn hộ và thương mại dịch vụ, công ty đang cân nhắc giữ lại một phần để phục vụ riêng cho việc kinh doanh.
Phía doanh nghiệp thông tin TP HCM đã áp dụng bảng giá mới dẫn đến chi phí tăng và bất động sản cũng sẽ tăng, nên có lý do để kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với dự kiến ban đầu. Trong khi đó, TCM đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính từ năm 2011 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Kỳ vọng tăng cao quý cuối năm
Theo báo cáo kinh doanh quý III, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.100 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thậm chí tăng gấp rưỡi lên hơn 81 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Tính chung 9 tháng đầu năm, công ty chuyên về may mặc này có doanh thu gần 2.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và thực hiện được 78% kế hoạch năm. Chỉ tiêu lãi ròng hơn 215 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ và sớm vượt 34% mục tiêu cả năm.
Dù có kết quả khả quan, lãnh đạo TCM trong phiên họp vừa qua nói quý III vẫn là vùng trũng đối với cả doanh thu và lợi nhuận. Công ty kỳ vọng quý IV/2024 và quý I/2025 sẽ tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận.
"Tình hình doanh thu năm nay tốt hơn năm 2023. Năm nay mục tiêu 6-7 triệu USD, kết quả dự kiến có thể đạt 11 triệu USD. Hiện công ty nhận đơn hàng từ E-land Hàn Quốc 4-8 triệu cái, thị trường Trung Quốc tăng 20%", đại diện đoàn chủ tọa bổ sung.
Doanh nghiệp vẫn chưa xác định được tình hình đơn hàng cho năm 2025, tuy nhiên sẽ phải tăng hiệu suất để tập trung vào các thị trường Mỹ, không phải chỉ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đối với việc Đồng Yên mất giá, đoàn chủ tọa nói sẽ có ảnh hưởng đến việc mua hàng hóa ở nước ngoài khi người tiêu dùng có xu hướng giảm nhu cầu mua sắm, tuy nhiên số liệu doanh thu tại thị trường Nhật Bản hiện không ảnh hưởng nhiều.
Công ty cũng không có giao dịch với Triều Tiên nên không có ảnh hưởng bởi địa chính trị trên bán đảo.
Trả lời chất vấn của cổ đông về việc giá cổ phiếu thấp so với tiềm năng, lãnh đạo TCM nói do thị trường quyết định. Ban lãnh đạo mong muốn giá cao nhưng điều này do thị trường và nhà đầu tư quyết định. Giá cổ phiếu thấp một phần còn do nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam không tốt, không phải chỉ riêng ngành dệt may.
"Việc đánh giá giá cổ phiếu tương xứng với tiềm năng công ty hay không tùy thuộc quan điểm của mỗi nhà đầu tư. Với tình hình kinh doanh năm nay, hy vọng cổ phiếu của công ty sẽ có tăng trưởng", đại diện đoàn chủ tọa tin tưởng.
Trên thị trường chứng khoán, mã TCM đang được giao dịch tại mức giá 45.200 đồng/cổ phiếu, tương đương với giá trị vốn hóa hơn 4.600 tỷ đồng. Thị giá này cao hơn 22% so với thời điểm đầu năm, nhưng đã giảm 16% so với đỉnh lịch sử hồi đầu tháng 7.
Hồi tháng 10, Bệnh viện TNH đã huy động hơn 152 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ để trả nợ vay các cá nhân, tổ chức tín dụng, bổ sung vốn lưu động.
Thiên Long sắp trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% và phát hành hơn 7,8 triệu cổ phiếu trả cổ tức.
Novaland khẳng định đối với quá trình tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trước đó của dự án Sài Gòn Đại Ninh, Tập đoàn hoàn toàn không biết, không trao đổi và không liên quan đến các hành vi sai phạm của đối tác và các bên liên quan.
Nhiều doanh nghiệp ngành cảng biển báo có kết quả tích cực trong quý III khi nhu cầu và sản lượng hàng hoá thông qua cảng tăng sao. Song ngành này được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại và có thể đón nhận nhiều yếu tố khó đoán định thời gian tới.