Kinh tế Quốc tế 06/02/2025 11:19

Cơ quan USAID có chức năng gì và vì sao lại rơi vào tầm ngắm của ông Trump?

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã buộc nhiều lãnh đạo của USAID tạm nghỉ việc và ngăn các nhân viên của cơ quan này tới trụ sở chính.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ đóng cửa USAID. (Ảnh minh hoạ: Fox Business). 

Tổng thống Donald Trump và cố vấn Elon Musk đang tiến hành một cuộc cải tổ đối với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Ông Trump ra lệnh đóng băng toàn bộ viện trợ nước ngoài của Mỹ (với một số ngoại lệ), còn tỷ phú Musk thì đe dọa đóng cửa hoàn toàn USAID, lập luận rằng cơ quan này không phục vụ lợi ích quốc gia.

Hàng chục lãnh đạo cấp cao của USAID đã phải nghỉ tạm thời, còn các nhân viên không được phép tiếp cận trụ sở chính tại Washington.

USAID là gì?

Mỹ là nước cung cấp nhiều tiền viện trợ nước ngoài nhất trên thế giới. Theo số liệu gần nhất, ước tính trong năm tài khóa 2022, Mỹ đã tiêu 70 tỷ USD cho hoạt động này. USAID quản lý phần lớn số tiền đó với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm viện trợ nhân đạo và phát triển.

USAID được thành lập vào năm 1961 và đến năm 1998 được Quốc hội trao vị thế độc lập với chính phủ. USAID nhận chỉ đạo chính sách trực tiếp từ Bộ Ngoại giao Mỹ - nhưng vẫn độc lập với bộ này - đồng thời các lãnh đạo của USAID báo cáo cho bộ trưởng ngoại giao.

USAID có khoảng 10.000 nhân viên, đa số làm việc bên ngoài nước Mỹ, hoạt động chủ yếu bằng cách giải ngân cho các nhà thầu, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài.

Mục đích của USAID là gì?

Theo tờ Bloomberg, từ lâu USAID đã được coi là công cụ nhằm thể hiện thiện chí của nước Mỹ với thế giới. Các gói viện trợ lương thực gắn nhãn USAID là biểu tượng của lòng nhân từ của quốc gia giàu nhất hành tinh tới một số quốc gia nghèo nhất.

Nhưng USAID cũng là công cụ cho chính sách ngoại giao Mỹ, tài trợ cho các quốc gia ở khu vực địa lý chiến lược và ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo leo thang thành rủi ro an ninh quốc gia Mỹ.

Mỹ trợ giúp những quốc gia nào?

USAID tài trợ các dự án tại khoảng 130 quốc gia vào năm 2023. Nhóm 10 đất nước nhận được nhiều tiền nhất theo thứ tự giảm dần bao gồm Ukraine, Ethiopia, Jordan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Somalia, Yemen, Afghanistan, Nigeria, Nam Sudan và Syria.

USAID không chỉ quản lý việc trợ nhân đạo mà còn cả tài trợ quân sự cho các đồng minh và đối tác Mỹ như Israel và Đài Loan. Các khoản phục vụ cho “hòa bình và an ninh” chiếm 18% tổng viện trợ năm 2022. 

 

Viện trợ nước ngoài có chiếm phần lớn chi tiêu của Mỹ?

Viện trợ nước ngoài chiếm chưa đến 1% ngân sách liên bang Mỹ. Tuy nhiên, các nguyên cứu cho thấy nhiều người Mỹ hiểu nhầm rằng những khoản này chiếm đến 25% ngân sách.

Chính quyền ông Trump đã làm gì?

Trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã ra lệnh tạm dừng viện trợ nước ngoài của Mỹ trong 90 ngày.

Ngoại trưởng Marco Rubio đặt ra một số ngoại lệ đối với các khoản hỗ trợ “cứu mạng người” và hỗ trợ quốc phòng cho các đối tác quân sự Israel và Ai Cập. Ông Rubio nói một số bộ phận của USAID có thể được hợp nhất vào Bộ Ngoại giao và phần còn lại bị bãi bỏ.

Vì sao chính quyền ông Trump chỉ trích USAID?

Từ lâu, Đảng Cộng hòa của ông Trump lo ngại rằng tiền thuế của người dân đang bị phung phí vì những khoản viện trợ nước ngoài vô nghĩa không giúp ích gì cho lợi ích quốc gia.

Ông Rubio nhiều lần mô tả USAID là một cơ quan vô trách nhiệm, không nghe lời. Ông nói với Fox News: “Thái độ của USAID là ‘Chúng tôi không làm việc cho ai cả, chỉ làm việc cho chính mình. Không cơ quan nào của chính phủ có thể ra lệnh cho chúng tôi’”.

Những chính trị gia Đảng Cộng hòa cáo buộc USAID tài trợ cho việc phá thai ở nước ngoài, trái với lệnh cấm năm 1973. Tỷ phú Elon Musk còn tố USAID là “tổ chức tội phạm” và đã cử nhân viên trong Bộ Hiệu quả Chính phủ rà soát văn phòng của tổ chức này.

Hệ luỵ nếu USAID phải đóng cửa 

Mỹ đóng góp khoảng 29% tổng viện trợ phát triển chính thức (ODA) mà 32 thành viên thuộc ủy ban viện trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) triển khai. Tổ chức nhân đạo Bác sĩ Không Biên giới cho biết việc Mỹ đóng băng viện trợ sẽ gây ra “thảm họa nhân đạo” khủng khiếp ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Nếu chính quyền ông Trump giảm mạnh viện trợ nước ngoài, rủi ro là hiện diện của Mỹ tại nhiều khu vực đang phát triển sẽ tan biến. Nhiều nhà lập pháp Đảng Dân chủ cảnh báo khi đó Trung Quốc có thể tăng cường sức ảnh hưởng ở châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á.

Liệu chính quyền ông Trump có thể đóng USAID?

Tổng thống Mỹ có thể không có quyền đơn phương thay đổi vị thế độc lập của USAID. Hôm 3/2, tổ chức Congressional Research Service cho biết chính phủ cần phải có sự cho phép của Quốc hội để “bãi bỏ, di chuyển hoặc củng cố” cơ quan này nhưng lưu ý tổng thống có thể đề xuất và thực hiện “những thay đổi về mặt cơ cấu”.

Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ khẳng định chỉ Quốc hội mới có quyền thay đổi vị thế của USAID. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa của ông Trump chiếm đa số ở lưỡng viện Quốc hội. Đảng Dân chủ có thể trì hoãn một dự luật nhằm bãi bỏ USAID bằng cách vận dụng chiến lược gọi là “filibuster” nhằm kích hoạt các cuộc tranh luận không hồi kết ở Thượng viện.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 06/02/2025 13:45
Ngoài chip, những mặt hàng nào dễ 'dính đòn' thuế quan của Mỹ?

Lời đe dọa thuế quan của ông Trump nhắm tới ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và ý định đáp trả của những nước này gây ra thách thức cho một loạt mặt hàng thông dụng trên thế giới.

Kinh tế Quốc tế 06/02/2025 09:42
Giới chức Fed đồng loạt bày tỏ lo ngại về chính sách thuế quan của ông Trump

Giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thường cố gắng không bình luận về chính sách tài khóa. Nhưng nguy cơ chính sách thuế quan của Nhà Trắng hâm nóng lạm phát đã buộc họ phải lên tiếng.

Kinh tế Quốc tế 06/02/2025 07:03
Bưu chính Mỹ nối lại dịch vụ từ Trung Quốc và Hong Kong

USPS đã huỷ bỏ quyết định tạm ngừng vận chuyển bưu kiện từ Trung Quốc và Hong Kong ban hành trước đó.

Kinh tế Quốc tế 06/02/2025 06:47
Nhà đầu tư bớt lo ngại về thuế quan, Dow Jones tăng hơn 300 điểm

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã ghi nhận phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp khi thị trường bớt chịu áp lực từ các chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump.