Sau năm bùng nổ 2021, thị trường các thiết bị ICT – đặc biệt là laptop và smartphone đang ngày càng tệ đi. Trong vài năm qua, các nhà phân phối ICT hàng đầu thị trường Việt Nam như Digiword, FPT Shop hay Thế Giới Di Động đều đã phải thu gọn lại hệ thống cửa hàng/danh mục hàng hóa để tối ưu hóa chi phí hoạt động cũng như mở rộng sang các ngành nghề khác để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao.
Trong tất cả, nhờ hành động khá sớm, Thế Giới Di Động vừa thích ứng được với sự bão hòa của mảng công nghệ vừa kịp có mảng điện máy và siêu thị để thực hiện tham vọng tăng trưởng 2 chữ số. Năm 2024, tổng doanh thu của MWG đạt 134.341 tỷ đồng, tăng gần 14% so với năm 2023 và vượt 7% so với kế hoạch đặt ra.
Trong khoảng vài năm gần đây, MWG đã tìm mọi cách nhằm giữ số ở mảng ICT không tụt xuống quá sâu và với kết quả trong năm 2024, thì họ đã làm được.
Cuối năm 2021, MWG có 970 cửa hàng Thế Giới Di Động trên toàn quốc và mang về cho công ty mẹ 31.600 tỷ đồng. Cuối năm 2024, chuỗi Thế Giới Di Động có khoảng 1.000 cửa hàng – trong đó có 85 cửa hàng TopZone và mang về cho MWG 30.000 tỷ đồng; doanh thu các cửa hàng cũ tăng 10%.
Trong 2 năm 2023 và 2024, với chiến lược ‘giảm lượng tăng chất’ MWG không chỉ sa thải hàng ngàn nhân sự mà còn đóng cửa vài trăm cửa hàng Thế Giới Di Động – đóng 221 địa điểm trong năm 2024. Cuối năm 2022, TopZone từ 100 cửa hàng giờ chỉ còn 85 cửa hàng.
ĐHĐCĐ của MWG năm 2025. (Ảnh: Huy Lê)
Theo đánh giá của Ban lãnh đạo MWG, thị trường bán lẻ điện thoại trong năm 2024 gần như đi ngang và chỉ tăng nhẹ ở một số ngành hàng điện lạnh; đó là nguyên do cả chuỗi Thế Giới Di Động và Bách Hóa Xanh chỉ tăng trưởng 7%.
Trong năm 2025, MWG cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng trong mảng ICT. Chia sẻ trong ĐHĐCĐ 2025, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho hay: họ sẽ không mở thêm cửa hàng Thế Giới Di Động mới mà sẽ cố gắng tăng doanh thu cho các cửa hàng cũ. Chuỗi Thế Giới Di Động sẽ bước vào giai đoạn mới, dựa vào quy mô sẵn có để phát triển về chất.
Còn TopZone sẽ đóng vai trò cầu nối đặc biệt giữa Thế Giới Di Động và Apple, giúp DN thực hiện hóa mục tiêu thu về 1 tỷ USD từ việc bán lẻ sản phẩm Apple trên tất cả các chuỗi đến 2027.
Chậm hơn 1 chút so với đối thủ, FPT Shop vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu chuỗi FPT Shop cũng như dần mở rộng mảng điện máy.
Chuỗi FPT Shop đang trong quá trình tái cơ cấu mạnh. (Ảnh chụp màn hình)
“Chúng tôi đã đóng 120 đến 140 FPT Shop trong năm 2024, khiến doanh thu giảm nhẹ so với 2023. Về các cửa hàng cũ, chúng tôi đã tối ưu hóa chi phí hoạt động, nâng doanh thu trung bình từng cửa hàng tăng từ 1,6 tỷ lên 2,2 tỷ trong quý IV/2024. Nỗ lực tái cơ cấu này khiến chi phí vận hành/tổng doanh thu đang giảm đi.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã chuyển đổi 50 FPT Shop thành cửa hàng điện máy và chúng tăng trưởng rất tốt – hiện chiếm 8% tổng doanh thu của FPT Retail so với 2% trước kia. Trong năm 2024, nhà mạng ảo của chúng tôi cũng có 400.000 thuê bao. Sắp tới, để tối hóa ưu hóa chi phí ở mỗi cửa hàng, chúng tôi có thể trở thành điểm thanh toán tất cả các loại hóa đơn cho người dân”, ông Hoàng Trung Kiên – CEO của FPT Shop tiết lộ.
Cũng theo ông Hoàng Trung Kiên, năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức cho ngành ICT. Cũng may, Long Châu đang gánh rất tốt nhiệm vụ tăng trưởng cho FPT Retail.
Thuế đối ứng sẽ không ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức, nhưng trong tương lai, do thu nhập của những lao động trong ngành dệt may – giày da giảm xuống khiến sức mua của người dân nói chung cũng giảm xuống. Phân khúc cao cấp cũng sẽ bị ảnh hưởng, người tiêu dùng có thể không mua ngay lập tức mà trì hoãn lại hoặc họ sẽ chọn sản phẩm cấp thấp hơn.
Bên cạnh đó, do chịu ảnh hưởng của thuế đối ứng, khiến giá nguyên liệu đầu vào và cả logistics đều cao, kéo theo giá đầu vào của các sản phẩm ICT cao hơn.
Cũng theo CEO FPT Shop, không phải tất cả mọi thứ đều xấu. Có một vài ngành hàng trong mảng ICT mà Trung Quốc xuất sang Mỹ khó khăn, chúng có thể đi vào Việt Nam, giúp người tiêu dùng Việt Nam có thêm sự lựa chọn hấp dẫn.
Ông Hoàng Trung Kiên – CEO của FPT Shop đang phát biểu trong ĐHĐCĐ FPT Retail 2025. (Ảnh: FPT Retail)
“Trong năm 2025 và tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục tái cơ cấu chuỗi FPT Shop để luôn luôn tối ưu chi phí hoạt dộng. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhìn vào danh sách cửa hàng và thấy cái nào không hiệu quả sẽ đóng ngay. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh bán hàng online, giảm offline để tối ưu tiền thuê mặt bằng cùng nhân công.
Trong năm 2025, nếu không có nhiều biến động địa chính trị lớn và FPT Shop làm tốt thì chúng tôi có thể có lời. Ngược lại, nếu tình hình rất xấu, chúng tôi có thể lỗ vài chục tỷ. Nói chung là chúng tôi sẽ theo sát diễn biến thị trường để có ứng xử hợp lý”, ông Hoàng Trung Kiên kết luận.
Đồng quan điểm, theo ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch Digiworld, năm 2025 đang chứa đựng nhiều rủi ro khiến sức mua của người dân giảm khá rõ và tổng thị trường ICT đang đi ngang.
“Một công ty con của chúng tôi đang hoạt động trong mảng cao cấp khi kinh doanh 2 thương hiệu Dell và Samsung cho thấy doanh thu sụt giảm rõ ràng. Vậy nên, họ đang nỗ lực tìm nguồn sản phẩm mới nhằm tiếp cận thêm tệp khách hàng tầm trung.
Sự ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung hay thuế đối ứng lên khả năng tiêu dùng của người Việt Nam chưa thể hiện qua các con số và phải chờ tương lai mới thấy được.
Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, tệp khách hàng có thu nhập trung bình đang tiết kiệm hơn. Do người tiêu dùng cảm thấy lo lắng – sợ hãi trước tác động xấu của thuế đối ứng lên nền kinh tế Việt Nam và không biết thế giới sẽ xáo trộn ra sao, điều đó đã ảnh hưởng xấu đến sức mua.
Mặc dù Digiword có phân phối các sản phẩm cao cấp như iPhone hay những máy tính chơi game giá trên 100 triệu, song tệp khách hàng chính của chúng tôi vẫn là bình dân và trung lưu”, ông Đoàn Hồng Việt tiếp lời.
Một cửa hàng của Xiaomi tại Việt Nam. (Ảnh: Xiaomi)
Trong năm 2025, mảng ICT của Digiworld sẽ đặt hy vọng vào Xiaomi. Mục tiêu của Digiworld là sẽ giúp Xiaomi tăng trưởng 10% trong năm 2025. Hiện thị phần của Xiaomi ở Việt Nam tầm 17%. Vậy nên, nếu đạt mục tiêu Digiworld đề ra, thương hiệu này sẽ tăng thị phần lên 19% - 20% cuối 2025.
Mới đây, Digiworld đã tiết lộ việc họ có thể nhảy vào mảng bảo hành – sữa chữa lap top – điện thoại sau khi mua lại Tập đoàn B2X Việt Nam. Trong vài năm gần đây, Digiworld đã thử sức ở lĩnh vực tiêu dùng và dược phẩm song chưa thu lại được nhiều kết quả khả quan.
Ở khía cạnh khác, trong 2 năm gần đây đang có sự bùng nổ ở ngành sản xuất thiết bị bị ICT tích hợp AI.
Vào tháng 9/2024, Apple đã ra mắt dòng iPhone 16 gồm bốn mẫu với giá giao động từ 800 USD đến 1.200 USD. Điểm nổi bật của lần ra mắt này chính là sự tích hợp mạnh mẽ của AI vào sản phẩm. Bộ tính năng trí tuệ nhân tạo của Apple - được gọi là Apple Intelligence, sẽ giúp Siri trở nên thông minh hơn, đồng thời tự động hóa nhiều tác vụ và tạo ra các biểu tượng cảm xúc tùy chỉnh chỉ trong vài giây.
Trước đó, 2 sản phẩm smartphone là Samsung Galaxy S24 cùng Google Pixel 9 khi ra mắt cũng được giới thiệu đã tích hợp nhiều tính năng AI nổi bật.
Bên cạnh đó, HP cũng đang ‘tất tay’ vào AI, khi họ vừa giới thiệu cùng lúc bộ 60 sản phẩm tích hợp công nghệ AI ở thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Đức – Tổng Giám đốc HP Việt Nam (Ảnh: HP)
“Chúng tôi đang tích hợp công nghệ AI thông qua các chip AI không chỉ vào máy tính, mà còn vào máy in và các thiết bị họp hành; từ phân khúc phổ thông đến cao cấp. Ví dụ như OmniBook Ultra Flip 14 được trang bị bộ vi xử lý Intel Core Ultra 7 hoặc 9 tích hợp nhân xử lý AI (NPU). Hay HP AI Companion: trợ lý nghiên cứu AI, được tích hợp trực tiếp trên thiết bị, đưa ra câu trả lời lập tức với khả năng phân tích tệp tin một cách an toàn, ngay cả khi không có kết nối internet.
HP cũng ứng dụng AI vào công tác bảo mật trên các thiết bị của mình và con AI này sẽ thường xuyên cập nhật những rủi ro mới nhất, giúp chúng không chỉ rà quét được các virus hoặc phần mềm độc hại trong email mà còn có thể ngăn chặn hoặc tiêu diệt chúng”, ông Nguyễn Minh Đức – Tổng Giám đốc HP Việt Nam giới thiệu.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Digiworld, tiến bộ này của ngành ICT vẫn chưa đủ hấp dẫn để người dùng Việt Nam thay máy hoặc lên đời laptop/điện thoại trong năm 2025.
Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch Digiworld đang phát biểu trong ĐHĐCĐ Digiworld 2025. (Ảnh chụp màn hình)
“Muốn một con AI có thể hỗ trợ người dùng thì chúng ta cần huấn luyện chúng hoặc mang đến cho công ty cung cấp dịch vụ huấn luyện AI. Một con AI thực sự giúp ích cho người dùng cần tính cá nhân hóa cao và mất rất nhiều thời gian để huấn luyện. AI không thể sản xuất hàng loạt!
Tuy nhiên, càng ngày khi thiết bị tích hợp AI sản xuất càng nhiều thì hiểu biết về AI càng lớn, thúc đẩy nhu cầu sử dụng thiết bị tích hợp AI cho cá nhân cũng như doanh nghiệp.
Trong vài năm gần đây, Digiworld đã viết báo cáo tài chính và kinh doanh bằng AI. Chúng tôi đã mất một thời gian lâu mới huấn luyện được cho AI, để nó có thể tạo ra những báo cáo tài chính – kinh doanh theo cách Digiworld muốn. Theo đó, nếu chúng tôi muốn sử dụng công nghệ AI nhiều hơn trong kinh doanh – quản trị, thì phải đầu tư một server AI riêng cho bản thân mình chứ không thể đặt tất cả dữ liệu kinh doanh của mình lên môi trường internet.
Muốn thuyết phục người tiêu dùng – doanh nghiệp mua mới hoặc lên đời các sản phẩm ICT tích hợp AI thì cần thêm thời gian”, ông Đoàn Hồng Việt làm rõ.
Phần mình, MWG cũng cho rằng: về dài hạn, động lực tăng trưởng mảng ICT sẽ đến từ sự phổ biến ngày càng rộng của smartphone 5G và các thiết bị tích hợp AI tại Việt Nam. Đồng thời, thế hệ người tiêu dùng mới có xu hướng đón nhận công nghệ mạnh mẽ cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm điện tử tiêu dùng thông minh, đặc biệt là thiết bị tích hợp IoT.
Thêm nữa, vào tháng 3/2025, SellCell - một nền tảng mua bán điện thoại đã qua sử dụng, đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 2.000 người dùng thiết bị di động của Samsung và Apple tại Mỹ.
Kết quả cho thấy: 73% người dùng iPhone và 87% người dùng Samsung Galaxy cho rằng các tính năng AI không mang lại giá trị đáng kể cho trải nghiệm sử dụng của họ. Đáng chú ý, 58% người dùng iPhone và 53% người dùng Samsung thậm chí chưa từng thử sử dụng các tính năng AI này.
Những con số biểu thị: mặc dù nhiều người dùng chưa thấy lợi ích rõ ràng từ AI, nhưng một số vẫn coi trọng sự hiện diện của công nghệ này khi xem xét nâng cấp thiết bị.
7 dự án bất động sản tại TP Hải Dương và các huyện Kim Thành, Nam Sách, Gia Lộc, Cẩm Giàng đang được địa phương tìm chủ có tổng vốn đầu tư khoảng 14.652 tỷ đồng.
Sau 2 vòng đấu giá (bước giá 50 tỷ đồng/vòng đấu giá), một doanh nghiệp đã thắng đấu giá khu đất với giá hơn 7.728 tỷ đồng, chênh lệch 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Thành phố đang chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư làm nhiều khu đô thị gần đèo Hải Vân, khu du lịch Bà Nà, quốc lộ 1A...
Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Phú Cường, bị toà kết tội là chủ mưu, cầm đầu đường dây chuyển lậu hơn 425 triệu USD (khoảng 9.500 tỷ đồng) qua biên giới.