Vĩ Mô 07/01/2025 08:55

'Công nghệ phạt' vi phạm giao thông

Những ngày gần đây, đi đâu cũng nghe thấy lời bàn luận về mức phạt vi phạm giao thông mới, có nhiều lỗi vi phạm phải chịu mức phạt tới hơn cả tháng lương bình quân, vượt thu nhập cả tháng của không ít người.

Ngay ngày đầu tiên của năm 2025, cả nước đã xôn xao về mức phạt vi phạm giao thông mới cao gấp nhiều lần so với mức phạt cũ, thậm chí có nhiều lỗi vi phạm đối với xe máy phải chịu mức phạt tới hàng chục triệu đồng, cao hơn hơn cả tháng lương bình quân của không ít người lao động.

Đi đâu cũng nghe thấy lời bàn luận về mức phạt mới, hợp lý hay không hợp lý, cao hay thấp, có tác dụng và liệu có khả thi,... song chẳng thấy ai bàn về cách phạt hay có thể gọi vui là "công nghệ phạt” cho phù hợp với thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

Chính cách phạt mới cần thay đổi căn bản chứ không phải là mức phạt. Bởi cách phạt nếu không minh bạch, đúng đắn có thể phản tác dụng còn nếu cách phạt hợp lý thì dù mức phạt nào, cao hay thấp cũng đều có tác dụng răn đe hành vi, ý thức của người tham gia giao thông.

Để đạt mục tiêu tối thượng là giao thông an toàn và xã hội bình yên, vậy cách phạt hay "công nghệ" phạt như thế nào thì phù hợp?

Mức phạt vi phạm giao thông của một số lỗi vi phạm đã được nâng lên, hai đến ba lần từ năm 2025, thậm chí nhiều vượt thu nhập cả tháng của nhiều người lao động thì cần có sự tham gia của các tổ chức tín dụng, bảo hiểm, đại lý ủy nhiệm, tư vấn,...để không chỉ giúp người vi phạm nộp phạt đúng quy định mà còn bảo vệ lợi ích của họ trong trường hợp bị vi phạm.

Về mức phạt, chúng ta không cần bàn cãi quá nhiều tuy nhiên, khi mức phạt cao như vậy, người vi phạm hoặc chủ phương tiện cần được lựa chọn nộp phạt bằng tiền mặt hoặc theo hình thức không tiền mặt.

Với tiền mặt, người nộp phạt có thể đến bất kỳ cơ quan chức năng nào được pháp luật quy định cho phép nhận tiền phạt nhưng nếu không dùng tiền mặt cần ghi rõ số tài khoản nhận tiền phạt trong thông báo nộp phạt để thuận tiện cho người dân.

Đặc biệt, cơ quan chức năng có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp phạt đầy đủ và đúng hạn. Với mức phạt lên tới hàng chục triệu đồng, không phải người dân nào cũng có khả năng chi trả ngay lập tức. Vì vậy, người vi phạm có quyền lựa chọn nộp phạt đúng hạn, quá hạn hay kể cả thực hiện lao động công ích hoặc hình phạt ở mức độ cao hơn, thậm chí là hình sự.

Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của các tổ chức tín dụng, bảo hiểm, đại lý ủy nhiệm, tư vấn,... để người dân có thể nộp phạt đúng hạn. Mức phạt một số lỗi vi phạm hiện đã được nâng lên cao hơn lương trung bình hàng tháng của người dân thì khoản chi phí này có thể chuyển sang hình thức trả góp, mua bảo hiểm trách nhiệm tương tự như trường hợp bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự mà chủ phương tiện bắt buộc mua hiện nay cũng có chức năng thanh toán phần chi phí đền bù khi chủ phương tiện không có khả năng chi trả. Tương tự, các đơn vị bảo hiểm có thể nghiên cứu, tham gia vào thị trường nộp phạt với mức phí và quy định chi trả phù hợp.

Vấn đề thứ hai cần làm rõ trong “công nghệ phạt” là tính minh bạch. Để đạt được mục tiêu cuối cùng là thay đổi hành vi vi phạm giao thông, việc phạt tiền cần đảm bảo tính minh bạch.

Trong đó, các yếu tố cơ bản trong việc phạt và nộp phạt cần thực hiện trên nền tảng mạng internet với quyết định phạt, bằng chứng vi phạm, thông báo thu tiền phạt, biên lai nộp phạt, khiếu nại và giải quyết khiếu nại,... đều dưới dạng điện tử để tăng tính công khai, minh bạch.

Một vấn đề nữa là việc xử phạt, theo tôi, chỉ nhân viên công vụ của cơ quan chức năng được pháp luật cho phép mới có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm giao thông.

Đồng thời, mỗi quyết định xử phạt phải có bằng chứng đi kèm với ưu tiên là bằng chứng kỹ thuật số như băng hình từ camera, ảnh chụp của nhân viên công vụ, băng ghi âm và các bằng chứng hợp pháp khác như kết quả đo nồng độ cồn, mức độ sử dụng ma túy,...

Hiện cơ quan chức năng hiện đang có xây dựng có cơ chế trả tiền cho người cung cấp hình ảnh vi phạm giao thông tuy nhiên các video, hình ảnh không phải của nhân viên công vụ chỉ có giá trị tham khảo vì người phạt phải chịu trách nhiệm về bằng chứng do mình cung cấp và sẵn sàng trả lời trước tòa khi tranh tụng.

Việc sử dụng các bằng chứng không do nhân viên công vụ cung cấp không chỉ đối mặt rủi ro về fakenews vốn rất nhiều trong thời đại công nghệ số mà còn có thể xâm phạm quyền con người và gây bất ổn xã hội, suy đồi đạo đức.

Một giải pháp nữa để tăng tính công khai là cần giảm đến mức thấp nhất sự tiếp xúc trực tiếp giữa người xử phạt và người vi phạm, chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt như nếu không ngăn chặn và xử phạt tại chỗ thì hành vi vi phạm có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, khi xử phạt cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc người xử phạt không được đồng thời là người thu tiền phạt và vi phạm do con người gây ra chứ không phải do phương tiện giao thông.

Vì vậy, nên chấm dứt hoàn toàn việc thu giữ phương tiện giao thông, chỉ thực hiện cách ly người vi phạm khỏi phương tiện trong thời gian nhất định theo qui định của pháp luật để phòng ngừa hậu quả xấu nếu người vi phạm tiếp tục lưu thông.

Căn cứ vào quyết định xử phạt và bằng chứng kèm theo, Trung tâm xử lý vi phạm giao thông ra thông báo xử phạt gửi cho người vi phạm hoặc chủ phương tiện trong trường hợp không xác định được người vi phạm. Trong thời hạn do pháp luật qui định, người nhận được thông báo phải nộp phạt.

Nếu không nộp phạt đúng hạn thì người vi phạm có thể được thông báo lần thứ hai vói mức phạt bổ sung theo qui định. Trường hợp không có điều kiện nộp phạt sẽ phải lao động công ích và có thể cả tước quyền điều khiển phương tiện giao thông tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Công nghệ thông tin, đặc biệt là blockchain hiện nay cho phép trao đổi thông tin giữa Trung tâm xử lý vi phạm với người vi phạm/chủ phương tiện một cách dễ dàng, nhanh chóng, chính xác và đầy đủ. Nếu người nhận được thông báo vi phạm không đồng ý với quyết định xử phạt thì có thể khiếu nại với Trung tâm xử lý, thậm chí có thể khởi kiện ra Tòa án.

TS. Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 08/01/2025 11:18
SuperPort bắt tay 'ông lớn' Trung Quốc đầu tư hạ tầng kết nối tuyến đường sắt xuyên biên giới

'Siêu cảng' SuperPort Việt Nam sẽ hợp tác Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc 16 Việt Nam để xây dựng hạ tầng phục vụ cho các dịch vụ hậu cần và vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới Việt Nam – Trung Quốc cũng như các quốc gia khác trong khu vực.

Vĩ Mô 08/01/2025 10:12
Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam 2024 tăng gần 58%, Lào nhận số vốn lớn nhất

Năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt gần 664,8 triệu USD, tăng 57,7%. Trong đó, Lào dẫn đầu chiếm 28,8% vốn, tăng 62,2% so với năm 2023

Vĩ Mô 08/01/2025 09:34
Chuyên gia UOB chỉ ra thách thức lớn nhất với Việt Nam nếu ASEAN vào 'tầm ngắm' của ông Trump

Việt Nam có thể bị ảnh hưởng lớn nhất khi ASEAN trở thành mục tiêu của Mỹ. Bởi thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các nước ASEAN hiện đang gia tăng, đặc biệt là với Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Vĩ Mô 08/01/2025 08:47
Tiêu dùng là động lực quyết định tăng trưởng của nền kinh tế 2025

Với nhận định trên, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ có các giải pháp để tăng thu nhập của người dân, kích thích tiêu dùng nội địa.