Nếu dự luật cắt giảm thuế của ông Trump được Quốc hội Mỹ thông qua, thâm hụt ngân sách của Mỹ dự kiến sẽ tăng đáng kể. (Ảnh minh họa: Financial Times).
Các tài sản tài chính Mỹ đã xảy ra tình trạng bán tháo trong phiên 19/5, trong bối cảnh các nhà đầu tư trở nên lo ngại sau khi Mỹ bị Moody’s hạ một bậc từ mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất.
Tâm lý bất an trên thị trường lớn dần sau khi dự luật thuế và ngân sách khổng lồ của Tổng thống Donald Trump vượt qua được một chướng ngại lớn trong Quốc hội.
Hợp đồng tương lai các chỉ số chứng khoán chính giảm điểm mạnh. Có thời điểm hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 giảm 1%, còn Nasdaq rớt 1,3%. USD mất giá 0,3% so với một nhóm các đồng tiền lớn khác. Trái lại, giá vàng tăng 0,5% lên 3.216 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm có lúc tăng 0,06 điểm % lên 5%. Đây là lần đầu tiên lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm quay trở lại mốc này kể từ ngày 9/4, khi thuế quan của ông Trump kích hoạt một cuộc bán tháo tài sản Mỹ trên toàn thế giới.
Lợi suất bắt đầu tăng sau khi một ủy ban ngân sách quan trọng tại Quốc hội phê chuẩn dự luật cắt giảm thuế của ông Trump vào tối 18/5, dù trước đó Moody’s vừa hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ.
Tổ chức xếp hạng này cảnh báo Mỹ gặp rủi ro vì khối nợ chính phủ và mức thâm hụt ngân sách liên bang ngày càng lớn.
Bà Subadra Rajappa, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất Mỹ của ngân hàng Société Générale, bình luận: “Dự luật cắt giảm thuế của ông Trump đang góp phần kéo lợi suất dài hạn đi lên”.
Vào ngày 16/5, 5 nhà lập pháp Đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Ngân sách Hạ viện đã bỏ phiếu chống, ngăn cản bước tiến của dự luật mới tại Quốc hội. Tới ngày 18/5, dự luật được ủy ban thông qua với tỷ lệ sít sao.
Ông Trump đã cố gắng thúc đẩy các nghị sĩ cùng đảng bỏ phiếu thông qua dự luật. Ông viết trên mạng xã hội ngày 16/5: “Các thành viên Đảng Cộng hòa phải đoàn kết vì dự luật to lớn, đẹp đẽ này! Chúng ta không cần những kẻ chỉ thích tỏ vẻ quan trọng trong Đảng Cộng hòa. Đừng nói nhiều nữa, hãy làm xong việc đi!”
Dự luật do Nhà Trắng đề xuất - bao gồm điều khoản cắt giảm thêm hàng trăm tỷ USD tiền thuế thu nhập - được dự đoán sẽ khiến thâm hụt ngân sách gia tăng. Trong khi đó, mức thâm hụt của năm 2024 đã lên tới 6,4% GDP, cao hơn nhiều con số mà các nhà kinh tế đánh giá là có thể duy trì trong dài hạn.
Thâm hụt ngân sách liên bang nới rộng sẽ buộc chính phủ phát hành thêm trái phiếu kho bạc, đẩy giá đi xuống và kéo lợi suất đi lên. Các nhà đầu tư đang bán ra trái phiếu dựa trên dự đoán về nguồn cung gia tăng và áp lực lạm phát tiềm tàng do các kế hoạch cắt giảm thuế, theo Financial Times.
Chính quyền ông Trump tin rằng việc cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy tăng trưởng, gia tăng nguồn thu cho chính phủ và thu hẹp mức thâm hụt ngân sách của Mỹ. Song, Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm dự báo dự luật thuế nói trên có thể khiến nợ quốc gia tăng thêm 5.200 tỷ USD trong vòng 10 năm.
Mỹ thông báo nước này sẽ áp mức thuế tối đa mà họ từng đe doạ đối với các quốc gia không đàm phán “một cách thiện chí”.
Số liệu sản lượng công nghiệp tích cực có thể khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trì hoãn tung ra các biện pháp kích thích kinh tế.
Các doanh nghiệp quốc tế đang gặp nhiều rắc rối khi tìm cách mua đất hiếm theo các quy tắc kiểm soát mới của Trung Quốc. Tình trạng chậm trễ gây rủi ro tới việc sản xuất của nhiều mặt hàng quan trọng, từ xe điện cho tới máy bay chiến đấu.
Hiện tại chưa ai biết cổ phiếu bí mật mà tập đoàn của Warren Buffett đang mua vào.