OPEC và các đồng minh tin rằng lượng dầu bổ sung sẽ có người mua, ít nhất là trong ngắn hạn. Việc Arab Saudi – quốc gia dẫn dắt liên minh – tăng giá bán dầu sau quyết định này là minh chứng cho sự tự tin đó. Tuy nhiên, trước động thái bất ngờ vào thứ Bảy tuần trước (5/7) thị trường dầu mỏ toàn cầu dường như đã tiến gần đến ngưỡng dư thừa vào mùa đông, theo Bloomberg.
“Hiện tại, thị trường dầu vẫn còn thắt chặt, cho thấy có thể hấp thụ thêm nguồn cung,” nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) nhận định. “Nhưng các rủi ro đang gia tăng, chẳng hạn như căng thẳng thương mại kéo dài, điều này có thể khiến thị trường kém cân bằng hơn trong 6–12 tháng tới, từ đó gây áp lực giảm giá.”
Hôm thứ Bảy, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác bất ngờ tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc khôi phục sản lượng dầu tập thể ngay trong tháng tới – động thái được cho là đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và Tổng thống Trump, người từng cam kết giảm chi phí nhiên liệu. Song quyết định này cũng đồng nghĩa với khó khăn cho các nhà sản xuất, từ vùng đá phiến Mỹ đến chính các thành viên OPEC.
Dù vậy, Arab Saudi dường như không mảy may lo ngại. Ngay hôm Chủ nhật (6/7), tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Saudi Aramco đã tăng mạnh giá bán dầu tiêu chuẩn cho khách hàng tại thị trường châu Á – mức tăng cao hơn dự báo của giới thương nhân. Đó không phải là hành động của một nhà sản xuất đang lo sợ thiếu nhu cầu.
Theo các quan chức OPEC+, nhu cầu tăng mạnh vào mùa hè là một trong những lý do khiến họ lạc quan. Tồn kho dầu thô của Mỹ đang giảm tại trung tâm lưu trữ Cushing, các chênh lệch giá không phản ánh tình trạng dư cung hiện tại và dự trữ dầu diesel của Mỹ đã sụt giảm nghiêm trọng.
Nhu cầu nhiên liệu thường đạt đỉnh vào mùa hè tại bán cầu Bắc, tạo cơ hội để OPEC+ đẩy nhanh chiến lược giành lại thị phần đã mất vào tay các đối thủ như ngành dầu đá phiến Mỹ trong những năm qua.
Tuy nhiên, quyết định hôm 5/7 đã thay đổi đáng kể quỹ đạo của nguồn cung toàn cầu. Trong khi OPEC dự báo lượng dầu bổ sung là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đến tận tháng 12, một số tổ chức dự báo khác tỏ ra hoài nghi. Ngay cả trước khi quyết định bổ sung sản lượng được công bố, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) – cố vấn năng lượng cho các nền kinh tế lớn – đã dự báo dư cung tương đương khoảng 1,5% nhu cầu toàn cầu trong quý IV.
Giá dầu Brent đã giảm 11% trong hai tuần qua tại London, cho thấy thị trường nhanh chóng bỏ qua căng thẳng Israel–Iran và không thực sự tin rằng nguồn cung bổ sung là cần thiết. Goldman Sachs và JPMorgan đều dự báo giá dầu có thể giảm xuống dưới 60 USD/thùng trong năm nay, khi tiêu thụ tại Trung Quốc yếu đi và các biện pháp thuế của ông Trump phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu.
8 thành viên chủ chốt của OPEC+ đã nhất trí khôi phục 548.000 thùng/ngày sản lượng bị cắt giảm vào tháng 8. Đây là mức tăng đáng kể so với ba đợt trước đó (411.000 thùng/ngày cho các tháng 5, 6 và 7), vốn đã cao gấp ba lần kế hoạch ban đầu.
OPEC+ dự kiến sẽ xem xét bổ sung thêm 548.000 thùng/ngày nữa trong cuộc họp ngày 3/8, hoàn tất việc đảo ngược mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày từng được triển khai từ năm 2023 – sớm hơn một năm so với kế hoạch.
Tuy nhiên, ảnh hưởng thực tế lên thị trường dầu sẽ thấp hơn con số công bố, khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia – Hoàng tử Abdulaziz bin Salman – gây áp lực buộc các nước từng vượt hạn ngạch sản lượng phải nhường lại phần tăng của mình. Nga và Iraq đã cho thấy dấu hiệu bù đắp, song Kazakhstan vẫn tiếp tục vi phạm cam kết.
“Việc khôi phục chính thức là một chuyện, nhưng sản lượng thực tế có thể khác rất nhiều,” CEO Doug King của quỹ RCMA Capital bình luận. “Chênh lệch giá dầu diesel cho thấy thị trường vẫn thiếu nguồn cung. Nếu chưa thấy tồn kho thực tăng lên, tôi chưa thấy lý do gì khiến giá dầu giảm sâu.”
Các quan chức cũng nhấn mạnh việc bổ sung sản lượng có thể “tạm dừng hoặc đảo ngược tùy vào diễn biến thị trường”. Tuy nhiên, nếu điều này không được thực hiện, lượng dầu tăng thêm sẽ gần như chắc chắn kéo giá đi xuống.
Điều đó có thể làm dịu bớt áp lực từ các yêu cầu liên tục của ông Trump về việc giảm chi phí nhiên liệu để xoa dịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt – yếu tố từng khiến người tiền nhiệm của ông lao đao. Ông Trump cũng đang phải đối phó với lạm phát, trong khi lên kế hoạch áp thêm nhiều loại thuế và gây sức ép buộc Fed giảm lãi suất.
Tuy nhiên, cú sốc giá dầu này cũng sẽ giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ, từ các tập đoàn khổng lồ như Exxon Mobil đến các nhà khai thác đá phiến từng ủng hộ ông Trump quay lại Nhà Trắng. Theo khảo sát gần đây, nhiều giám đốc các công ty khai thác dầu đá phiến cho biết họ sẽ khoan ít hơn đáng kể so với kế hoạch đầu năm 2025 do giá sụt giảm.
Và tác động đó có thể lan tới chính OPEC+.
Arab Saudi cần giá dầu trên 90 USD/thùng để bù đắp chi tiêu công, trong bối cảnh Thái tử Mohammed bin Salman đang thúc đẩy kế hoạch cải tổ sâu rộng nền kinh tế. Arab Saudi đang đối mặt với thâm hụt ngân sách ngày càng lớn và buộc phải cắt giảm một số dự án trọng điểm của thái tử.
Nếu áp lực tài khóa trở nên quá lớn, nước này có thể đảo chiều, rút bớt nguồn cung ra khỏi thị trường.
“Họ hoàn toàn có thể thay đổi chính sách,” nhà phân tích độc lập Neil Atkinson, cựu lãnh đạo bộ phận thị trường dầu của IEA cho biết. “Nhưng trong lúc này, không còn cách nào khác ngoài việc bảo vệ thị phần và chấp nhận giá thấp. Họ đang chấp nhận hiện thực.”
Arab Saudi tăng giá dầu thêm 1 USD/thùng sau khi OPEC+ quyết định nâng sản lượng 548.000 thùng/ngày trong tháng 8.
Nhà xuất khẩu cà phê Grupo Tristao của Brazil nhận định sản lượng cà phê tại bang Espirito Santo có thể vượt Việt Nam trong vài năm tới, khi công ty này lên kế hoạch xây dựng một nhà kho lớn mới trong khu vực nhằm đáp ứng sự gia tăng nguồn cung.
Giá thịt heo tiếp tục duy trì ổn định tại hệ thống cửa hàng WinMart. Theo ghi nhận mới nhất, thịt nạc dăm heo được bán với giá 157.520 đồng/kg.
Theo khảo sát, giá phân bón hôm nay (7/7) đứng yên tại khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ. Theo đó, giá phân NPK 16 - 16 - 8 không ghi nhận thay đổi mới, dao động khoảng 700.000 - 740.000 đồng/bao.