Cuộc chiến thuế quan có thể khiến tình trạng dư thừa hàng hoá Trung Quốc thêm trầm trọng

Việc Tổng thống Donald Trump tái áp đặt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc đang khiến một vấn đề quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên tồi tệ hơn: tình trạng dư thừa hàng hóa giá rẻ và các doanh nghiệp vật lộn để tìm đủ người mua, theo Nikkei Asia.

 

Từ các nhà sản xuất thép thanh, đồ nội thất đến tấm pin năng lượng mặt trời, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã thua lỗ sau khi giảm giá để duy trì thị phần. Theo phân tích của Nikkei Asia dựa trên dữ liệu từ Wind Information, tính đến quý III/2024, hơn 23% các công ty niêm yết công khai của Trung Quốc đang thua lỗ, so với 20% vào năm 2023 và chưa đến 10% vào năm 2019 trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Giờ đây, các nhà kinh tế cảnh báo rằng chính sách thuế bổ sung từ 10% trở lên của Trump, áp dụng cho hơn 400 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc, có thể đẩy nhiều nhà sản xuất đến bờ vực phá sản hoặc thúc đẩy việc chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhanh hơn. Điều này có thể làm suy yếu thêm thị trường lao động vốn đã mong manh và gia tăng áp lực giảm phát đối với nền kinh tế nước này.

"Việc chuyển sản xuất sang các nước thứ ba có thể giúp các nhà sản xuất Trung Quốc tránh được tác động từ thuế quan," giáo sư tài chính Chen Zhiwu tại Đại học Hong Kong cho biết. "Nhưng điều đó lại không tốt cho nền kinh tế Trung Quốc vì họ đang lấy đi cơ hội việc làm trong nước."

Bắc Kinh vẫn miễn cưỡng từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư, một phần do cấu trúc kinh tế phụ thuộc vào cung. Nhưng khi nhu cầu không đủ để hấp thụ lượng hàng hóa sản xuất, các doanh nghiệp buộc phải giảm giá để duy trì tính cạnh tranh trong nước và quốc tế. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn mà lãnh đạo Trung Quốc cho là nguy hiểm: lợi nhuận thấp và nhu cầu yếu khiến các công ty thắt chặt đầu tư và sa thải nhân viên.

Xuất khẩu là một trong số ít kênh giúp giảm bớt áp lực dư thừa hàng hóa. Chuyên gia kinh tế trưởng Trung Quốc Robin Xing của ngân hàng Morgan Stanley nhận định: "Chừng nào sự mất cân đối trong nước vẫn tồn tại, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ thuộc vào xuất khẩu."

Tuy nhiên, rào cản thương mại đang gia tăng. Liên minh châu Âu năm ngoái đã tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc. Indonesia đang lên kế hoạch áp thuế tới 200% đối với hàng hóa Trung Quốc như dệt may và gốm sứ. Tuần trước, chính phủ Ấn Độ cho biết họ đang xem xét áp thuế tạm thời 15-25% đối với thép Trung Quốc vì ngành sản xuất trong nước đang chịu "thách thức nghiêm trọng".

Động thái này phản ánh quyết định mới đây của chính quyền Trump khi áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, hai lĩnh vực mà Trung Quốc đã thống trị sản lượng toàn cầu trong nhiều năm. Dù các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã cắt giảm tổng sản lượng xuống hơn 1 tỷ tấn vào năm 2024 – mức thấp nhất trong 5 năm – con số này vẫn cao hơn tổng sản lượng của Nhật Bản, Mỹ và Đức cộng lại.

Các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang chảy máu tài chính. Maanshan Iron & Steel, một công ty con của China Baowu Steel Group – tập đoàn sản xuất thép lớn nhất thế giới theo sản lượng – dự kiến báo lỗ ròng 4,59 tỷ nhân dân tệ ( tương đương 629 triệu USD) trong năm 2024, gấp hơn ba lần mức lỗ của năm trước. Một công ty lớn khác, Angang Steel, cảnh báo rằng khoản lỗ năm 2024 của họ có thể lên tới 7,1 tỷ nhân dân tệ, gấp đôi năm 2023.

Một trong những ngành thua lỗ lớn nhất là sản xuất tấm wafer và polysilicon cho pin mặt trời. Các doanh nghiệp trong ngành này từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất và hiện đang đối diện với mức thuế lên đến 60% từ chính quyền Joe Biden và Donald Trump.

Tongwei, một trong những công ty năng lượng mặt trời lớn nhất Trung Quốc, cảnh báo rằng họ có thể báo lỗ lên đến 7,5 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái, với lý do "giá giảm mạnh trên toàn chuỗi cung ứng quang điện." Ba công ty năng lượng mặt trời lớn nhất Trung Quốc – Longi Green Energy Technology, TCL Zhonghuan Renewable Energy Technology và Tongwei – ước tính đã lỗ tổng cộng 24 tỷ nhân dân tệ trong năm 2024, trái ngược hoàn toàn với mức lợi nhuận 27,8 tỷ nhân dân tệ của năm 2023.

Các nhà sản xuất phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ là những công ty dễ bị tổn thương nhất trước thuế quan của Trump.

Công ty sản xuất nệm Healthcare ở Thượng Hải tuần trước thông báo dự kiến lỗ 160 triệu nhân dân tệ trong năm 2024, do nhu cầu yếu trong nước và chi phí tiếp thị cao. Công ty này phụ thuộc vào Bắc Mỹ cho gần một nửa doanh thu trong ba quý đầu năm 2024.

Hãng sản xuất máy hút bụi ROIDMI Information Technology được Xiaomi hậu thuẫn, đã phá sản vào tháng trước do "thay đổi môi trường thị trường và điều chỉnh hoạt động kinh doanh". Công ty từng đạt doanh thu gần 600 triệu nhân dân tệ vào năm 2022, phần lớn từ xuất khẩu.

Tương lai mờ mịt cho các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc

Lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc đã giảm 3,3% trong năm 2024, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp suy giảm. Trong bối cảnh chính phủ đang chuyển hướng cấp vốn từ bất động sản sang sản xuất theo chỉ đạo của ông Tập Cận Bình, thị trường lao động cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Tỷ lệ các công ty "xác sống" – tức những doanh nghiệp có doanh thu thấp hơn chi phí lãi vay trong hai năm liên tiếp – đã đạt mức cao nhất trong một thập kỷ, lên tới 10,4% vào năm 2023, theo ước tính của Gavekal Dragonomics. Con số này tăng lên 13% trong nửa đầu năm 2024, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 6%.

"Các chi phí khác của chính sách ưu tiên sản xuất là tăng trưởng việc làm bị đình trệ, tiêu dùng bị kìm hãm và các công ty ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu để tồn tại," chuyên gia Thomas Gatley từ Gavekal kết luận.

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Áp thuế CBPG tạm thời với thép HRC nhập từ Trung Quốc

Thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời từ 19,38% đến 27,83%, trong khi thép nhập từ Ấn Độ không áp dụng do tỷ lệ nhập hàng thấp.

Giá lúa gạo hôm nay 21/2: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp nhất trong hơn ba năm

Giá lúa gạo hôm nay (21/2) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ổn định cho đến tăng nhẹ ở một số chủng loại. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu đã giảm xuống mức thấp nhất hơn ba năm trong tuần qua do nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào.

Giá tôm hùm chạm đáy, người nuôi lỗ nặng

Người nuôi tôm hùm ở Phú Yên, Khánh Hòa cho biết từ năm ngoái đến nay, dù được thu mua đều đặn, giá tôm vẫn chạm đáy khiến họ liên tục thua lỗ.

Giá thịt heo hôm nay 21/2: Thịt heo tại Hà Hiền tạm chững giá sau nhịp điều chỉnh

Sau nhịp điều chỉnh tăng vào sáng qua, giá thịt heo hôm nay đi ngang tại Công ty Thực phẩm Tươi sống Hà Hiền.