Kinh doanh & Thị trường 15/05/2025 12:45

Đằng sau cốc Nescafé: Khi Nestlé mất quyền kiểm soát thương hiệu trên chính sân chơi của mình

Gã khổng lồ thực phẩm toàn cầu không chỉ đối mặt với việc tạm ngừng kinh doanh mà còn đứng trước nguy cơ mất quyền kiểm soát thương hiệu tại một trong những thị trường mà họ từng thống trị.

Tập đoàn thực phẩm Thụy Sĩ Nestlé đang vướng vào tranh chấp với đối tác Thái Lan liên quan đến thương hiệu cà phê hòa tan Nescafé.

Nestlé muốn chấm dứt hợp tác với tập đoàn PM Group của Thái Lan và tự đứng ra kinh doanh sản phẩm. Tuy nhiên, đối tác Thái Lan không đồng ý vì lo ngại ảnh hưởng đến lợi nhuận. Vụ việc hiện đã trở thành tranh chấp pháp lý.

Thương hiệu cà phê hoà tan Nescafé. (Ảnh: Nikkei Asia).

Ngày 17/4, Nestlé ra thông báo cho biết công ty đang chuẩn bị nối lại hoạt động sản xuất Nescafé tại Thái Lan. Nestlé khẳng định sẽ tiếp tục phân phối sản phẩm tại thị trường này, sau khi một phán quyết tạm thời trước đó đã buộc phải ngừng bán hàng.

Mâu thuẫn bắt đầu từ năm 2021 khi Nestlé tuyên bố sẽ chấm dứt liên doanh với PM Group sau khi hợp đồng hết hạn vào cuối năm 2024.

Từ năm 1989, hai bên đã cùng sản xuất và phân phối Nescafé thông qua công ty liên doanh Quality Coffee Products. Nestlé muốn chấm dứt hợp tác do có khác biệt trong định hướng chiến lược.

PM Group phản đối và nộp đơn kiện. Tòa án đã ra phán quyết ủng hộ PM vào đầu tháng 4, khiến việc bán Nescafé tại Thái Lan bị tạm dừng. Sau đó, Nestlé nộp đơn lên một tòa án khác yêu cầu tiếp tục kinh doanh. Tòa án đã chấp thuận và việc bán hàng được nối lại từ giữa tháng 4.

Phán quyết cuối cùng dự kiến được đưa ra vào tháng 6. 

Nguyên nhân chính của tranh chấp được cho là do hai bên không thống nhất được cách chia lợi nhuận.

Nestlé giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường cà phê hòa tan tại Thái Lan năm 2024 với 67% thị phần, theo công ty nghiên cứu Euromonitor của Anh. Tổng thể thị trường cà phê, bao gồm cả cà phê hòa tan, đã tăng trưởng 50% trong 10 năm qua, đạt khoảng 36 tỷ baht (tương đương 1,1 tỷ USD). Dù vậy, hai bên vẫn không thể đạt được thỏa thuận để cùng hưởng lợi từ thị trường đang mở rộng.

PM Group cũng được biết đến nhiều hơn sau hơn 30 năm phân phối sản phẩm Nescafé. Dù chỉ là một tập đoàn quy mô vừa, hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, dịch vụ ăn uống và hàng không, công ty đã gây dựng được danh tiếng đáng kể. 

Người sáng lập, ông Prayudh Mahagitsiri, còn được gọi là “ông vua cà phê” của Thái Lan. Năm 2023, doanh thu của tập đoàn đạt khoảng 2 tỷ USD.

Tranh chấp giữa Nestlé và PM Group có ảnh hưởng rộng hơn phạm vi hai doanh nghiệp. Các công ty nước ngoài muốn kinh doanh tại Thái Lan phải hợp tác với đối tác địa phương nắm cổ phần chi phối. 

Một chuyên gia tư vấn người Nhật chia sẻ với Nikkei Asia rằng, mỗi năm họ tiếp nhận từ hai đến ba trường hợp doanh nghiệp Nhật phản ánh rằng đối tác Thái đóng góp chưa tương xứng nhưng lại nhận phần lớn lợi nhuận.

 

Năm 2023, chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart của Nhật đã kết thúc hợp tác với tập đoàn Central Group của Thái Lan và rút khỏi thị trường này. Lý do là do việc điều chỉnh sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng Thái gặp khó khăn vì mô hình liên doanh khiến việc ra quyết định bị chậm.

Xu hướng chấm dứt hợp tác với doanh nghiệp trong nước cũng cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Thái Lan đang suy giảm.

Không tính đến ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế Thái Lan trong 10 năm qua tăng trưởng ở mức từ 1% đến 4%. Đây là mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á. Sự giảm tốc của ngành sản xuất đã tác động rõ rệt đến tăng trưởng chung.

Theo khảo sát năm 2024 của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế tiềm năng nhất trong khu vực. Đứng sau là Indonesia, tiếp theo mới là Thái Lan. Tỷ lệ bình chọn dành cho Thái Lan giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Dù vậy, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư vào Thái Lan. Tuy nhiên, chính phủ Thái đang tỏ ra lo ngại về triển vọng trung và dài hạn. Cuối tháng 4, chính phủ công bố kế hoạch nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài. Chính phủ cũng đang xem xét thay đổi quy định yêu cầu doanh nghiệp Thái phải nắm giữ phần lớn cổ phần trong liên doanh.

Ông Karom Polpornklang, Phó phát ngôn viên của chính phủ, cho biết mục tiêu là hỗ trợ cho tất cả doanh nghiệp, không phân biệt trong nước hay nước ngoài, nhằm tăng sức cạnh tranh.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Thái vẫn phụ thuộc vào đối tác nước ngoài về công nghệ sản xuất và phát triển thương hiệu.

Ông Kantatorn Wannawasu, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Mediator của Thái Lan, cho rằng các doanh nghiệp Thái nên tận dụng hiểu biết về thị trường nội địa và đội ngũ nhân lực trong nước. Theo ông, đây là cách để xây dựng quan hệ hợp tác có lợi cho cả hai bên với các nhà đầu tư nước ngoài.

Đức Huy
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 15/05/2025 18:52
Kết quả Vietlott Power 6/55 ngày 15/05/2025: Cả hai giải Jackpot đều không có chủ nhân trúng thưởng

Trong kỳ quay số mở thưởng sản phẩm Vietlott Power 6/55 hôm nay (15/05/2025), giải thưởng jackpot 1 trị giá hơn 115,8 tỷ đồng và Jackpot 2 hơn 5,9 tỷ đồng đều vô chủ.

Kinh doanh & Thị trường 15/05/2025 17:10
Nhà đầu tư Mỹ rót thêm 1 tỷ USD mở rộng The Grand Ho Tram

Phân khu mới tại The Grand Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu) có diện tích 35 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.

Kinh doanh & Thị trường 15/05/2025 16:57
Doanh thu ‘ông lớn’ đa cấp Herbalife tại Việt Nam vượt 1.800 tỷ đồng – bỏ xa cả Trung Quốc

Doanh thu Herbalife tại Việt Nam trong quý I chỉ xếp sau Mỹ, Ấn Độ, Mexico và vượt qua thị trường Trung Quốc.

Kinh doanh & Thị trường 15/05/2025 16:44
Gói 120.000 tỷ đồng cho nhà xã hội vẫn ế dù 4 lần giảm lãi vay

Lãi vay gói 120.000 tỷ đồng giảm hơn 2% sau hai năm triển khai nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp, theo Bộ Xây dựng.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO