Trong tháng 4, chiến tranh thuế quan có xu hướng lan rộng, chính sách thuế của Tổng thống Trump một lần nữa làm khó hoạt động xuất khẩu tháng 4.
Để giúp độc giả hiểu sâu hơn về bức tranh vĩ mô này, Data Talk Macro Insight sẽ trở lại với chủ đề: "Cập nhật vĩ mô tháng 4 & Các biểu hiện kinh tế Mỹ cùng chính sách thuế quan" để cùng đánh giá chi tiết “nội lực” của kinh tế Việt Nam, đồng thời tìm kiếm giải pháp thích ứng trong năm 2025 đầy biến động.
Tại toạ đàm, các chuyên gia đã cùng thảo luận về: Dữ liệu vĩ mô tháng 4/2025 do Cục Thống kê công bố; Chính sách của Fed và kinh tế Mỹ dưới thời Trump; Tác động từ chính sách thuế quan Mỹ đối với doanh nghiệp và thị trường tài chính Việt Nam và cuối cùng là diễn biến tỷ giá USD/VND, lãi suất các tháng tiếp theo.
Toạ đàm có sự tham gia của ông Trần Ngọc Báu – Chuyên gia Kinh tế Tài chính, CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup và ông Nguyễn Hoàng Linh – Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank VCBF. Toạ đàm do BTV Vân Anh phụ trách dẫn dắt chương trình, điều phối thảo luận.
Toạ đàm Data Talk Macro Insight: Cập nhật vĩ mô tháng 4 & Các biểu hiện kinh tế Mỹ cùng chính sách thuế quan. (Ảnh: AM).
Mở đầu toạ đàm, ông Nguyễn Hoàng Linh đã phân tích về những điểm cần lưu ý trong số liệu vĩ mô tháng 4.
Trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) do Cục Thống kê, Bộ Tài chính công bố tăng tốc rõ rệt trong tháng 4 thì chỉ số quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) do S&P Global đánh giá lại ở mức rất thấp chỉ 45,6 điểm.
"IIP tăng cao trong bối cảnh vấn đề thuế quan đang kém tích cực cho thấy các doanh nghiệp đang tăng tốc hoàn thành đơn hàng để có thể vận chuyển trước thời hạn được miễn thuế. Trong tháng 4, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng trưởng rất tốt.
"4 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 13% trong khi đó riêng thị trường Mỹ tăng hơn 25%", ông Linh chỉ ra.
Một điểm tích cực khác là giải ngân đầu tư công rất tốt. Trong quý I, giải ngân đầu tư công có giảm nhẹ. Tuy nhiên, sang đến tháng 4 thì giải ngân đầu tư công lại rất tốt, dẫn đến số liệu giải ngân đầu tư công luỹ kế 4 tháng tăng trưởng hơn 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu xét tỷ lệ giải ngân đầu tư công thì vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024.
Giải ngân đầu tư công tốt không chỉ có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh những yếu tố bên ngoài rất bất định mà khi nguồn tiền từ kho bạc Nhà nước vào nền kinh tế thì nó cũng giúp cải thiện tính thanh khoản của toàn thị trường và nó cũng giúp cho mặt bằng lãi suất được giữ ổn định.
Một điểm tích cực trong số liệu vĩ mô của tháng 4 là doanh số bán lẻ. Doanh số bán lẻ trong tháng 4 chủ yếu được dẫn dắt bởi tốc độ tăng trưởng rất tốt của bán lẻ và dịch vụ. Theo ông Linh điều này đến từ khách du lịch nội địa. Trong tháng 4, chúng ta có một sự kiện rất đặc biệt là kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, việc số liệu PMI sụt giảm rất mạnh trong tháng 4 là điểm không mấy tích cực. Không riêng gì Việt Nam mà hầu hết những quốc gia xuất khẩu chính trong khu vực châu Á đều sụt giảm, trừ một số ngoại lệ, đặc biệt là Ấn Độ vẫn ở trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 4. Điều này chủ yếu do số lượng đơn hàng mới trong tháng 4 về mức thấp nhất trong vòng hai năm.
Hiện Việt Nam được miễn thuế quan đến ngày 9/7 nên hiện tại, các doanh nghiệp chỉ có thể tiếp tục đẩy mạnh sản xuất đối với những đơn hàng hiện hữu bởi với đơn hàng mới, doanh nghiệp cần phải có thời gian nhập hàng, chuẩn bị hàng và giao hàng. Việc này phải mất ít nhất là 3 - 6 tháng thì mới có thể vận chuyển sang Mỹ.
"Thời điểm 9/7 có khả năng là tính ở thời điểm bên cảng Mỹ. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu bằng đường biển thì cần từ 30 - 45 ngày, có nghĩa là trong quan điểm về thận trọng thì các doanh nghiệp Việt Nam phải xuất hàng trong khoảng thời gian từ 20 - 30/5 thì mới kịp thời hạn được miễn thuế của Mỹ", ông Linh chỉ ra.
Đặc biệt, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu tốt nhưng thặng dư thương mại luỹ kế 4 tháng chỉ ở mức 3,8 tỷ USD, tức là thấp hơn rất nhiều so với mức 9 tỷ USD của cùng kỳ và đặc biệt là so với mục tiêu thặng dư thương mại hàng hoá 30 tỷ USD của Chính phủ trong năm nay.
Đồng quan điểm cần chú ý đến chỉ số PMI, ông Trần Ngọc Báu cho rằng, những số liệu ngắn hạn có thể nói là tích cực nhưng có một dấu hiệu chỉ ra rằng đang có khó khăn về lượng đơn hàng mới trong khu vực sản xuất.
Bên cạnh đó, chỉ số việc làm cũng sụt giảm khá mạnh cho thấy các doanh nghiệp sản xuất đang thắt chặt lao động. Điều này cũng thể hiện tâm lý thận trọng trong tương lai.
Các doanh nghiệp hiện đang xử lý những đơn hàng tồn đọng, vì vậy những tác động tiêu cực của thuế quan đưa được phản ánh rõ ràng.
Ông Trần Ngọc Báu – Chuyên gia Kinh tế Tài chính, CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup. (Ảnh: AM).
Theo ông Báu, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, sự tác động mang tính yếu tố về chính sách nhiều hơn là đến nội lực kinh tế Mỹ nhưng với nhiệm kỳ thứ hai, tất cả các dự báo đều cho rằng sức khoẻ nền kinh tế Mỹ đang giảm dần.
Theo FOMC vote, từ khi Trump lên làm tổng thống thì tất cả những dự báo về sức khoẻ nền kinh tế đều giảm, chẳng hạn như tăng trưởng kinh tế năm 2025, thay vì ở mức 2,1% theo báo cáo dự báo cuối năm 2024 thì đến cuối quý I chỉ còn khoảng chừng 1,7% và chỉ còn khoảng 1,8% ở cả những năm sau đó. Trong ba năm tới, tăng trưởng kinh tế mỹ sẽ ở mức yếu hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó.
Theo quan điểm của những nhà nghiên cứu, những nhà điều hành của Fed, họ cũng cho rằng những quyết sách của Trump sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ nhưng sẽ không có suy thoái.
"Cá nhân tôi nghĩ rằng những nỗi lo suy thoái cũng sẽ giảm bớt đi từ quý II, sau khi GDP quý II được công bố và nó sẽ không còn bị tác động bởi những yếu tố tức thời liên quan đến chính sách thuế quan của quý I nữa", ông Báu nói.
Tuy nhiên, các chỉ số cứng cũng đã thể hiện những dấu hiện giảm tốc nhưng chưa có dấu hiệu tăng trưởng âm và suy thoái. Với những chỉ số mềm, những chỉ số dự báo trước tương lai, tâm lý tiêu dùng đang giảm khá nhanh và kỳ vọng tiêu dùng đã giảm xuống vùng thấp nhất trong 50 năm qua.
Hiện tại, lạm phát của Mỹ thì đang giảm nhưng từ tháng 5 - 6 đổ đi, lạm phát của Mỹ nhiều khả năng sẽ bắt đầu quay đầu trở lại. Theo dự báo của các thành viên FOMC, lạm phát cuối năm nay có thể tăng lên mức 2,73% dù hiện tại đã giảm xuống 2,29% sau nhiều nỗ lực của Fed.
Với việc Fed có giảm lãi suất trong tháng 7 hay không, ông Báu cho rằng, ở kỳ họp tháng 6, có thể họ sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất nhưng kỳ họp tháng 7, sau khi những số liệu của quý II bắt đầu thể hiện thì có thể là họ sẽ có sự phản ứng.
"Tôi nghĩ rằng những số liệu về tăng trưởng GDP quý II có thể tích cực hơn, có thể sẽ không còn số âm. Tuy nhiên, những số liệu cứng khác mà dẫn dắt GDP có thể sẽ bắt đầu phả 'làn gió' để Fed phải hành động quyết liệt hơn. Cá nhân tôi nghĩ rằng tháng 7 là tháng phù hợp để giảm lãi suất", ông Báu nói.
Còn trên quan điểm của thị trường, từ dữ liệu của CME, xác suất giữ lãi suất vẫn tương đối cao là 80% thị trường cho rằng lãi suất sẽ vẫn giữ mức hiện tại và chỉ có 20% thị trường cho rằng lãi suất sẽ giảm 0,25% trong kỳ họp tháng 6 tới.
Nhưng sang kỳ họp tháng 7, gần như trên 50% thị trường cho rằng giảm lãi suất và mức độ giảm khoảng 0,25%. Sang kỳ họp tháng 9, có thể thấy sẽ có một lần giảm lãi suất nữa, khoảng 0,25%. Sang tháng 12, sẽ có một lần giảm 0,25% nữa.
Như vậy, thị trường đang cho rằng trong 5 kỳ họp tới, từ giờ đến cuối năm, sẽ có ba lần giảm lãi suất là vào các tháng 7, 9 và 12. Từ giờ đến cuối năm, chúng ta có khoảng 0,75% giảm lãi suất.
Về vấn đề tác động đến tỷ giá, đối với tỷ giá của Việt Nam, chìa khoá chính vẫn là liên quan đến chênh lệch lãi suất. Chênh lệch lãi suất có ở hai thị trường, trong đó, lãi suất thị trường 1 là lãi suất dân cư và lãi suất thị trường 2 là lãi suất của liên ngân hàng.
Nhìn vào lãi suất của liên ngân hàng, chúng ta thấy được rằng các thành viên FOMC - những người quyết định lãi suất của Fed - cho rằng lãi suất sẽ giảm khoảng hai lần trong năm 2025, đến cuối năm lãi suất sẽ khoảng 3,9% và giảm rất chậm từ lúc đó đến năm 2027.
Năm 2026 sẽ chỉ có khoảng hai lần giảm lãi suất, sang năm 2027 sẽ có 1 - 2 lần giảm lãi suất. Mặt bằng chung các thành viên FOMC đang có quan điểm sẽ giữ lãi suất ở mức lâu dài. Lãi suất của ngân hàng Việt Nam gần như là cũng tương đương như vậy. Có nghĩa là áp thực lên thị trường như ngân hàng là vẫn còn và lãi suất liên ngân hàng không thể giảm thêm được nữa.
"Mặc dù áp lực lên tỷ giá ở thị trường liên ngân hàng đã dịu xuống bởi vì hai lãi suất của hai nền kinh tế đã tương đương nhau ở thị trường liên ngân hàng nhưng tôi cho rằng tỷ giá vẫn áp lực. Nó không áp lực ở thị trường liên ngân hàng mà áp lực ở thị trường dân cư", Tổng Giám đốc Wi Group phân tích.
Áp lực tỷ giá lên VND trong thời gian tới vẫn còn nhưng thị trường liên ngân hàng không phải chìa khoá chính vì lãi suất liên ngân hàng ở hai khu vực nhìn chung cũng không phải quá lệch, ngoại trừ trường hợp ngân hàng Nhà nước nới lỏng quá mạnh.
Giai đoạn này ngân hàng Nhà nước cũng đã rút ra nhiều bài học và dự trữ ngoại hối cũng không còn nhiều. Thị trường dân cư mới là thứ gây áp lực lên tỷ giá và nhìn những chuyển biến như hiện tại sẽ vẫn còn áp lực tỷ giá và có thể kéo dài trong 6 tháng đến cả năm tới.
"Nhiều người đang cho rằng tỷ giá không còn áp lực và có thể sẽ tăng dự trữ ngoại hối nhưng tôi không nghĩ như vậy bởi thị trường dân cư mới là thị trường tôi quan tâm nhất và cái mức chênh lệch lãi suất của hai thị trường này nhìn chung vẫn còn khá cao", ông Báu cho hay.
Ông Nguyễn Hoàng Linh – Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank VCBF. (Ảnh: AM).
Phân tích về câu chuyện lãi suất của Fed, ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, khi Mỹ công bố số liệu là GDP quý I giảm 0,3%, cùng với câu chuyện lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt mọi người đều kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất.
Tuy nhiên, lý do Fed không giảm lãi suất do nỗi lo suy thoái đang tăng rất mạnh. Nhưng nếu nhìn vào thực tế về dữ liệu, có thể thấy xác suất xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại chưa thực sự quá lớn.
Bên cạnh chỉ số về GDP, chúng ta nhìn vào chỉ số về thị trường lao động Mỹ, có thể thấy số lượng việc làm mới tạo ra trong tháng 4 khá tích cực, tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức 4,2%.
Nếu nhìn vào con số tăng trưởng GDP -0,3%, thật ra điều này bị tác động nhiều bởi yếu tố về thuế quan. Do thuế quan, các công ty tại Mỹ tăng nhập hàng nhưng về mặt công thức, khi nhập khẩu tăng lên thì cũng sẽ được cân bằng bởi tăng chi tiêu và tăng đầu tư của doanh nghiệp, thể hiện ở lượng hàng tồn kho tăng lên.
Tuy nhiên, về mặt thống kê, do đây là lần thống kê đầu tiên nên có thể phần thống kê về mặt chi tiêu cũng như đầu tư của doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ, dẫn đến GDP tăng trưởng âm trong quý I vừa qua. Về tác động làm GDP của Mỹ giảm, nó đến nhiều từ việc chi tiêu của Chính phủ Mỹ trong quý I giảm đến gần 2%, đến từ việc tinh gọn bộ máy. Có lẽ việc chi tiêu của Chính phủ Mỹ sẽ trở lại bình thường trong quý II và sẽ không còn tác động nhiều đến số liệu về GDP nữa.
Mặc dù số liệu về GDP có thể sẽ được điều chỉnh tăng trong thời gian tới bởi vì chúng ta còn hai kỳ cập nhật GDP quý I của Mỹ nhưng có một xu hướng không thể bàn cãi là tiêu dùng của Mỹ đã có dấu hiệu chậm lại và đó là điều chúng ta phải quan sát thêm.
Đối với Fed, thực sự bây giờ tất cả dữ liệu đều còn tương đối mù mờ với họ. Lạm phát, áp lực là có và thực sự nó là ẩn số. Kinh tế Mỹ thì chậm lại. Tuy nhiên, việc xảy ra suy thoái cũng chưa thực sự rõ ràng. Do đó, Fed cũng chả vội gì để phải giảm lãi suất. Đó là lý do vì sao trong cuộc họp vừa rồi, Fed vẫn giữ quan điểm của mình là sẽ phải chờ và quan sát thêm.
Đối với câu chuyện tỷ giá, trước đây, mỗi khi chỉ số DXY tăng thì tỷ giá USD/VND cũng tương ứng tăng theo. Tuy nhiên, kể từ 2/4, khi tổng thống Trump công bố chính sách thuế quan đối ứng, chỉ số DXY giảm đến 7-8%.
Tỷ giá VND so với USD lại tăng đến hơn 1% cho thấy, DXY chỉ phản ánh ở mức độ kỳ vọng và tâm lý còn về t bản chất, tỷ giá phải đến từ cung cầu ngoại tệ nên khi chỉ số DXY giảm nhưng cung cầu ngoại tệ của Việt Nam không có sự cải thiện thì VND vẫn chịu áp lực về mất giá.
Lý do VND mất giá trong khoảng hơn một tháng qua tôi nghĩ vẫn tiếp tục từ nhu cầu găm giữ ngoại tệ. Thị trường vẫn vẫn rất biến động và có thời điểm vàng tăng tới gần 15% kể từ ngày 2/4. Điều này không chỉ liên quan đến thuế quan mà còn là vấn đề những leo thang về xung đột ở một số khu vực trên thế giới.
Việc có quá nhiều sự bất định và thói quen tích trữ vàng của người dân tác động lớn lên tỷ giá trong thời gian vừa qua.
Hiện nay, áp lực tỷ giá vẫn còn nhưng so với năm ngoái thì đã giảm. Hiện tại, chênh lệch lãi suất vẫn còn và cũng tương đối đáng kể nhưng có xu hướng sẽ giảm. Như vậy, có thể thấy áp lực của yếu tố này cũng sẽ bớt đi trong tương lai.
Tuy nhiên, tỷ giá của VND so với những loại ngoại tệ khác như Euro hay Yen Nhật thì đã mất giá khá nhanh trong thời gian qua, so với hai loại ngoại tệ này đã mất giá lên tới hơn 10%. Rất nhiều doanh nghiệp cũng như nội công ngoại tệ của Việt Nam cũng có vay hai loại ngoại tệ này tương đối và chắc chắn nó cũng sẽ có những tác động.
UBND TP HCM đặt mục tiêu giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công được giao năm nay, tương đương hơn 84.400 tỷ đồng.
"Theo dự báo, từ giờ đến cuối năm sẽ có ba lần Fed giảm lãi suất là vào các tháng 7, 9 và 12 với mức giảm khoảng 0,25 điểm % mỗi lần, ông Trần Ngọc Báu", CEO Wigroup cho hay.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ bằng đường biển phải xuất hàng trong khoảng thời gian từ 20 - 30/5 mới kịp thời hạn được hoãn thuế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu, làm ngay tuyến đường thẳng nhất quy mô 10 làn từ TP Hưng Yên tới TP Thái Bình.