Kinh doanh & Thị trường 28/10/2024 11:38

ĐBQH: Có dấu hiệu tạo bong bóng BĐS của một nhóm lợi ích

Đại biểu Quốc hội phản ánh giá trên thị trường địa ốc tăng cao, đột ngột và cho rằng có dấu hiệu lũng đoạn, thao túng, thổi giá, tạo bong bóng BĐS của một nhóm lợi ích.

Sáng 28/10, Quốc hội tiến hành thảo luận về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Tại buổi làm việc, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu lên thực tế trên thị trường địa ốc với giá tăng cao, đột ngột. Bên cạnh vướng mắc về thể chế, chính sách, ông Hạ cho rằng có dấu hiệu lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng bất động sản của một nhóm lợi ích. 

Đại biểu kiến nghị cần đánh giá sát, đúng vấn đề, từ đó chỉ ra được giải pháp cụ thể, căn cơ. Dự thảo Nghị quyết đã đánh giá được hạn chế, nhưng chủ yếu vẫn là hạn chế trong chính sách, pháp luật. Vẫn còn yếu tố bất thường, tăng giá đột ngột, gấp 2 - 3 lần, không phù hợp với tình hình thực tế chung và nhu cầu của người dân. 

Đại biểu Tạ Văn Hạ. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Theo đại biểu, một trong những giải pháp giảm giá trên thị trường địa ốc là trái phiếu bất động sản. Song hiện nay, trái phiếu bất động sản phát hành ra với mức lãi suất 12 - 15%, cộng với khoảng 3% phí phát hành. Như vậy, dư nợ lĩnh vực này đến thời kỳ đáo hạn có áp lực rất lớn.

"Nếu chúng ta không kiểm soát chặt để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản, thì việc phát hành trái phiếu không hiệu quả. Hơn nữa, thời gian khoảng 3 năm, mà phải trả lãi suất cao như vậy dễ tạo ra gánh nặng cho Nhà nước và nhân dân, nguy cơ dẫn đến nợ xấu gia tăng và thậm chí là vỡ nợ", ông Hạ nói. 

Thời gian tới thị trường bất động sản chưa thể hạ nhiệt và người dân cũng chưa có cơ hội để tiếp cận với thị trường. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu giải pháp và tiến hành thanh tra, kiểm tra, xem xét lại căn cơ để phục hồi và phát triển thị trường này một cách lành mạnh và đúng hướng. 

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận, thị trường bất động sản đã có bước phát triển rất mạnh cả về số và chất lượng, nhất là giai đoạn trước dịch Covid-19.

Nhiều khu đô thị mới hình thành (nhất là ở TP HCM và Hà Nội), xuất hiện nhiều loại hình mới như căn hộ du lịch, biệt thự nghĩ dưỡng, văn phòng làm việc kết hợp lưu trú, các chung cư cao tầng mọc lên ở trung tâm nội thành đến ngoại ô, từ nhà ở cho người thu nhập thấp đến phân khúc cao cấp... 

"Tuy nhiên thời điểm này giá đất cao, nhu cầu ở không nhiều, chủ yếu mua để đầu cơ, cho thuê, có người mới vừa mua đã sang tay chốt lời. Thị trường bất động sản bất ổn, hư hư thực thực, khó định giá", ông Hòa nói. 

Đại biểu Phạm Văn Hòa. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội). 

Đại biểu cho biết giai đoạn sau dịch Covid-19, thị trường bất động sản giảm mạnh, doanh nghiệp nào neo giá cao, chậm bán đều gặp khó khăn do phần lớn đều vay tín dụng.

Bất động sản gần như đóng băng, có doanh nghiệp hạ giá bán còn 2/3 giá ban đầu nhưng vẫn ít người mua, chứng tỏ người dân không có nhu cầu cao với nhà ở cao cấp. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp thì rất cần nhưng lại không xây dựng để bán. 

Theo ông Hòa, chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai... cho nhà ở xã hội chưa khuyến khích nhà đầu tư, gói tín dụng 120.000 tỷ chậm giải ngân, nhiều văn bản pháp quy còn chồng chéo, chưa rõ ràng.

Nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ về nhà ở xã hội theo quy định, nếu có chỉ số ít căn hộ được mua hoặc thuê, chưa đáp ứng được nhu cầu, quỹ đất đô thị chủ yếu đấu thầu dự án dành cho nhà ở thương mại, còn nhà ở xã hội phụ thuộc vào 20% trong dự án của nhà ở thương mại.  

Mặt khác, vẫn còn những bất cập như văn bản quy định chi tiết hướng dẫn chậm ban hành, sửa đổi bổ sung nhiều lần nên khâu thực hiện còn lúng túng, mâu thuẫn, thiếu nhất quán, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất còn tuỳ tiện trong điều chỉnh.

Việc thực hiện đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ Nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 chưa đạt yêu cầu, có địa phương mới bước đầu triển khai do nguồn vốn ngân sách còn khó khăn, phần lớn là từ nguồn xã hội hoá.

Các nhà đầu tư tiếp cận đất đai còn khó khăn, nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn vướng mắc do thay đổi quy định của pháp luật. Chậm định giá đất của địa phương cũng là nguyên nhân các dự án bất động sản và nhà ở xã hội bị đình trệ.  

Di Anh
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 28/10/2024 14:04
Hà Nội dự kiến giữ mức trần giá dịch vụ chung cư là 16.500 đồng một m2

Khung giá dịch vụ đang lấy ý kiến giữ nguyên, trong đó chung cư không có thang máy tối đa 5.000 đồng một m2, có thang máy cao nhất 16.500 đồng.

Kinh doanh & Thị trường 28/10/2024 12:55
Ly kỳ một công ty bất chấp lệnh cấm của Mỹ, tuồn chip TSMC cho Huawei

Công ty này có liên quan đến nhà cung cấp thiết bị đào tiền điện tử Bitmain.

Kinh doanh & Thị trường 28/10/2024 12:27
Lý do Vingroup, Viettel, CMC,… hào phóng rót tiền cho các startup công nghệ

Theo các doanh nghiệp, việc đầu tư vào các startup như một thực tế không thể tránh khỏi khi một doanh nghiệp phát triển và cần phải đa dạng hóa để tìm đà tăng trưởng mới.

Kinh doanh & Thị trường 28/10/2024 10:43
Đại biểu Quốc hội: Thị trường bất động sản hư hư ảo ảo, khó định giá

ĐBQH cho rằng một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay đó là giá bất động sản tại các thành phố lớn tăng rất cao, nhiều nơi có tình trạng sốt giá đất, nhu cầu ở không nhiều, chủ yếu mua để đầu cơ,...