Vĩ Mô 25/10/2024 06:50

ĐBQH đề xuất thu phí công đoàn 1% đối với doanh nghiệp trên 3.000 lao động

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, việc duy trì mức phí công đoàn cố định 2% đã không còn hợp lý trong bối cảnh hiện nay, do đó cần điều chỉnh quy định các mức phí khác nhau dựa trên quy mô của doanh nghiệp.

Việc duy trì kinh phí công đoàn 2% là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) diễn ra sáng ngày 24/10.

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, đề nghị xem xét lại mức kinh phí công đoàn 2%.

Theo ông, mức phí công đoàn 2% được duy trì từ năm 1957 là hợp lý vì người lao động thời kỳ đó chủ yếu là cán bộ, nhân viên làm việc trong cơ quan nhà nước, kinh phí trích ra 2% đó cũng là từ ngân sách Nhà nước, nhưng từ khi Việt Nam chuyển qua nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mức phí này dần không còn hợp lý.

Ông Nguyễn Anh Trí đánh giá, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam hiện rất lớn, nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI, với số lượng người lao động trong một doanh nghiệp có thể lên tới hàng vạn người. Nếu đóng phí công đoàn 2% thì đó là một gánh nặng cho các doanh nghiệp có nhiều người lao động

Do đó, đại biểu đề nghị, đối với doanh nghiệp dưới 500 người lao động phí vẫn duy trì mức 2%, doanh nghiệp từ 500 cho đến dưới 3.000 người thì mức 1,5%, doanh nghiệp trên 3.000 người trở lên thì chỉ ở mức 1%. 

Ông Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội (Ảnh: Media Quốc hội).

Cùng thảo luận về vấn đề này, ông Trần Nhật Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng tình với việc duy trì mức phí 2% và quy định như dự thảo luật.

Theo đại biểu, nguồn kinh phí công đoàn đã được duy trì và phát huy có hiệu quả hơn 60 năm, kể từ năm 1957 có Luật Công đoàn đến nay. Nguồn kinh phí này được sử dụng tại công đoàn cơ sở, chủ yếu để trực tiếp chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động.

Bên cạnh đó, dự thảo luật đã bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn như quy định tạm dừng, miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn đối với các tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn nên khi thực hiện chính sách này nguồn thu từ kinh phí công đoàn dự kiến sẽ giảm hơn.

Tuy nhiên, khi đó công đoàn cấp trên vẫn thực hiện hỗ trợ, bảo vệ và duy trì quyền lợi cho đoàn viên, người lao động tại công đoàn cơ sở khi thuộc trường hợp tạm dừng, miễn, giảm đóng kinh phí. 

Do đó, ông Trần Nhật Minh đánh giá việc luật hóa và tiếp tục duy trì mức 2% kinh phí công đoàn như quy định của dự thảo luật là hết sức cần thiết, bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với đoàn viên, người lao động, góp phần ổn định và phát triển các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Phát biểu giải trình, làm rõ về kinh phí công đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, đại đa số các đại biểu đồng tình với mức thu 2%. Trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo cũng đã có báo cáo tiếp thu, giải trình những ý kiến liên quan về kinh phí công đoàn.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, kinh phí công đoàn được để lại tại công đoàn cơ sở 75% để chăm lo cho người lao động. Thực tế, nhiều chủ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có chế độ phúc lợi cao hơn, có lợi cho người lao động.

Với những vấn đề về doanh nghiệp gặp khó khăn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động cho biết, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thiết kế một điều khoản mới so với Luật Công đoàn 2012 đó là vấn đề miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.

Anh My
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 25/10/2024 08:10
Belarus muốn hợp tác sản xuất ô tô với Việt Nam

Tổng thống Belarus mong muốn phát triển hợp tác trên các lĩnh vực với Việt Nam, trong đó có thúc đẩy sản xuất ô tô để xuất khẩu.

Vĩ Mô 25/10/2024 07:55
Hãy để doanh nghiệp nội làm hạ tầng

Nếu như các dự án khác Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ODA dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu, đơn vị cung cấp vật liệu bị ràng buộc thì đường sắt cao tốc Bắc - Nam là dự án của Việt Nam và được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Vì vậy, Chính phủ cần ưu tiên cho các doanh nghiệp nội địa tham gia xây dựng, điều này không chỉ hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó còn thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Vĩ Mô 25/10/2024 07:03
Đề xuất 19 chính sách đặc thù cho dự án đường sắt tốc độ cao

Chính phủ đề xuất 19 chính sách đặc thù như ưu tiên nhà thầu chuyển giao công nghệ, khai thác quỹ đất, giảm thủ tục khai thác mỏ để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Vĩ Mô 25/10/2024 07:01
Cựu phó chủ tịch huyện ở Lâm Đồng bị bắt

Ông Nguyễn Trung Thành, cựu Phó Chủ tịch huyện Bảo Lâm vừa nghỉ hưu tháng 9, bị bắt với cáo buộc sai phạm trong quản lý đất đai.