(Ảnh minh họa: Getty Images).
Huyền thoại Warren Buffett - Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn Berkshire Hathaway - không tin vào việc chi trả cổ tức. Để hoàn trả lại vốn cho các cổ đông, ông sử dụng chương trình mua cổ phiếu quỹ.
Việc mua cổ phiếu quỹ làm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, vậy nên sau mỗi lần Berkshire mua lại cổ phiếu, các cổ đông sẽ sở hữu một phần lớn hơn tài sản và lợi nhuận của tập đoàn.
Nguyên tắc của Buffett là chỉ mua cổ phiếu quỹ khi nhận thấy thị giá Berkshire đang thấp hơn giá trị nội tại. Do vậy, việc Berkshire mua cổ phiếu quỹ cho thấy Buffett đánh giá tập đoàn đang bị định giá thấp và điều đó có thể thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư.
Khi họ bắt chước Buffett mua vào thì nhu cầu đối với cổ phiếu Berkshire tăng còn cung lại giảm, điều đó sẽ kéo giá cổ phiếu Berkshire đi lên.
Buffett chỉ đạo Berkshire mua cổ phiếu quỹ trong tất cả các quý kể từ năm 2018 đến quý II/2024, bất kể trong giai đoạn đó thị trường chứng khoán Mỹ biến động như thế nào. Tổng cộng trong vòng 6 năm, Berkshire đã bỏ ra 77,8 tỷ USD để mua lại cổ phiếu, theo tờ Motley Fool.
Nhưng từ quý III/2024 đến hết quý I/2025, Berkshire đã dừng việc mua cổ phiếu quỹ. Có thể Buffett, giống như một vài nhà phân tích khác, nghĩ rằng giá trị nội tại của cổ phiếu Berkshire cũng gần bằng hoặc đắt hơn thị giá. "Nhà hiền triết xứ Omaha" không bao giờ tiết lộ ông nghĩ giá trị thực sự của Berkshire là bao nhiêu.
Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu Berkshire hạng B đã tăng 16,2%. Trái lại, chỉ số S&P 500 sụt 8,6%, một phần do ảnh hưởng tiêu cực của thuế quan đến triển vọng của các doanh nghiệp.
Giữa cơn bão thuế quan, các nhà đầu tư càng đánh giá cao Berkshire, bởi tập đoàn có nguồn thu đa dạng từ các công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Lý do quan trọng khác Berkshire nắm trong tay lượng tiền mặt khổng lồ trị giá hơn 300 tỷ USD, giúp Buffett dễ dàng chớp thời cơ mua món hời.
Các doanh nghiệp Trung Quốc có vẻ cũng đang áp dụng chiến lược tương tự để bảo vệ giá cổ phiếu giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong tháng 4, số công ty Trung Quốc công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu đã tăng lên mức cao nhất kể từ đợt thị trường náo loạn hồi tháng 2/2024.
Theo dữ liệu của Bloomberg, trong 24 ngày đầu tháng 4, tổng giá trị cổ phiếu quỹ mà 139 công ty trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến mua vào đạt 44,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 6 tỷ USD). Các thông báo mua lại cổ phiếu đã phần nào xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư.
Công ty dự định “bạo chi” nhất cho cổ phiếu quỹ là ông lớn ngành pin Contemporary Amperex Technology, với kế hoạch chi tối đa 8 tỷ nhân dân tệ (gần 1,1 tỷ USD).
Tiếp đến là nhà sản xuất máy móc hạng nặng XCMG Construction Machinery và tập đoàn đồ gia dụng Midea. Quy mô chương trình mua cổ phiếu quỹ của hai công ty này lần lượt là 3,6 và 3 tỷ nhân dân tệ.
Quy mô mua cổ phiếu quỹ có thể giúp trấn an nhà đầu tư rằng doanh nghiệp sẵn sàng mua vào cổ phiếu ngay khi một cuộc bán tháo xảy ra.
Nhưng trên thực tế, hạn chót để các công ty Trung Quốc hoàn tất chương trình mua cổ phiếu quỹ có thể kéo dài đến cuối năm 2026. Doanh nghiệp cũng không có nghĩa vụ tuân thủ hạn mức tối đa mà họ đề ra.
Giá trị số cổ phiếu quỹ doanh nghiệp thực sự mua vào trong tháng 4 - bao gồm từ cả các kế hoạch mà họ đặt ra trong những tháng trước - là 5,2 tỷ nhân dân tệ, thấp hơn số liệu tháng 3 là 6,9 nhân dân tệ.
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc sụt hơn 3% trong tháng 4. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Hàn Quốc và Ấn Độ đã phục hồi nhanh chóng sau cú sốc thuế quan ngày 2/4.
Mới đây, Trung Quốc đã phủ nhận việc đàm phán thương mại với Mỹ, khẳng định các thông tin như vậy là tin giả.
Trong khi Tổng thống Trump hứa hẹn sẽ chấm dứt chiến sự tại Ukraine trong 24 giờ đầu nhậm chức, triển vọng hoà bình tại Đông Âu đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Thị trường đang chờ đợi cuộc đàm phán giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau các động thái nhượng bộ mới từ Nhà Trắng, giới chuyên gia nhận thấy Trung Quốc đang có ưu thế hơn.
Riêng về lĩnh vực thương mại, khoảng 59% người tham gia khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew phản đối thuế quan đánh vào hàng hóa nước ngoài của ông Trump.