Thị trường đang chờ đợi cuộc đàm phán giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg/Getty Images).
Trong vài ngày gần đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nới lỏng lập trường về thuế quan áp dụng với hàng hoá Trung Quốc. Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã nâng thuế quan với hàng nhập khẩu từ đất nước tỷ dân lên 145%.
Hôm 22/4, ông Trump dường như đã dịu giọng về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Phát biểu tại Phòng Bầu dục, ông nói thuế quan với hàng hoá Trung Quốc “sẽ không cao tới 145%” và “sẽ giảm đáng kể, nhưng sẽ không giảm về 0”.
Hồi tuần trước, vị tổng thống cho biết “các quan chức cấp cao” từ Bắc Kinh đang đàm phán với những người đồng cấp ở Washington và hai bên sẽ sớm chốt một thoả thuận thương mại.
Cùng ngày 22/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent phát biểu tại một hội nghị kín của JPMorgan Chase rằng cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc đã dẫn đến một “lệnh cấm vận” thương mại hai chiều không bền vững và ông hy vọng tình hình sẽ bớt leo thang.
Chia sẻ bên lề các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới, ông Bessent nói thêm rằng các cuộc đàm phán với Bắc Kinh vẫn chưa bắt đầu nhưng một thoả thuận là có thể.
“Không ai nghĩ tình hình hiện tại là bền vững..., vì vậy tôi cho rằng trong tương lai rất gần, hai nước sẽ xuống thang căng thẳng”, người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ nói.
Đến ngày 23/4, Wall Street Journal đưa tin Mỹ đang cân nhắc giảm mạnh thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng tiết lộ thêm rằng thuế quan đối có khả năng sẽ giảm xuống còn khoảng 50 - 65%.
Thương mại song phương - đạt 688,3 tỷ USD vào năm 2024 - có nguy cơ sụp đổ sau nhiều tuần áp thuế quan trả đũa giữa hai nước. Để đáp trả ông Trump, Trung Quốc cũng áp thuế đến 125% với hàng hoá Mỹ.
Cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai siêu cường khiến IMF phải cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế, làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu và gây ra đợt bán tháo lớn đối với trái phiếu kho bạc Mỹ trong hai tuần qua.
Những tín hiệu từ ông Trump và Nhà Trắng không cho thấy tiến triển lớn trong các cuộc đàm phán thương mại, nhưng có thể mang lại cho Bắc Kinh cơ hội đạt một thoả thuận tốt, các nhà kinh tế nhận định với South China Morning Post.
Ông Chen Zhiwu, Giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong, cho biết những bình luận kể trên là “điển hình của ông Trump” và “không có gì bất thường”.
“Trên thực tế, không có bất kỳ tiến triển hay thay đổi đáng kể nào trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là cách [ông Trump] ra tín hiệu cho Trung Quốc”, ông tiếp lời.
“Ông Trump càng nói như vậy thì càng cho thấy phía Mỹ đang lo lắng như thế nào. Ông Trump và các cấp dưới đang chịu áp lực, nhưng Trung Quốc không hề tỏ ra mất kiên nhẫn”, vị giáo sư kết luận.
Theo ông Chen, trong tương lai gần, Trung Quốc khó có thể nhanh chóng đạt thoả thuận với Mỹ, vì áp lực buộc chính quyền ông Trump phải chấm dứt thương chiến có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng theo thời gian.
“Về phía Trung Quốc, tôi nghĩ họ sẽ chỉ quan sát và chờ đợi. Ông Trump càng tỏ ra lo lắng thì Trung Quốc càng không cần phải hoảng sợ hay vội vàng. Trên thực tế, điều đó có thể khiến họ cảm thấy ít áp lực hơn....”, ông lưu ý thêm.
Hôm 23/4, khi được hỏi liệu Trung Quốc có đang đàm phán với Mỹ hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun cho biết Washington nên “ngừng đe doạ và ép buộc” nếu muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.
“Mỹ nên tham gia đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và có qua có lại. Nói về việc đạt thoả thuận, đồng thời tăng cường áp lực cực độ không phải là cách đúng đắn để làm việc với Trung Quốc. Và điều đó sẽ không hiệu quả”, phát ngôn viên Guo nhấn mạnh.
Bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Natixis, cũng nhận thấy Tổng thống Trump dường như đang “hoảng loạn” vì thị trường lao dốc, lợi suất trái phiếu kho bạc vẫn neo cao và nhà đầu tư có vẻ mất niềm tin vào đồng USD.
“Ông Trump cần một thoả thuận nhanh chóng. Trung Quốc không cần phải đưa ra bất cứ nhượng bộ lớn nào trong những trường hợp như vậy, vì Mỹ đang rất cần một thoả thuận.
Chỉ cần nhập khẩu một vài tỷ USD hàng hoá từ Mỹ, Trung Quốc có thể xoay xở để hạ thuế quan. Thoả thuận này có thể ngọt ngào với Trung Quốc hơn so với năm 2019”, vị chuyên gia lập luận.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Xu Tianchen của Economist Intelligence Unit cho rằng kế hoạch áp thuế của Nhà Trắng vẫn “khá linh hoạt”. Ông nói, để tình hình thực sự thay đổi thì cần có những dấu hiệu rõ ràng hơn về suy thoái kinh tế tại Mỹ.
“Chi phí sinh hoạt tăng, kinh tế hỗn loạn và sự bất mãn của người dân cuối cùng sẽ buộc ông Trump phải thay đổi chiến lược một cách rõ rệt”, ông Xu bày tỏ.
Ông Zhao Daojiong, Giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nhận thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều đang trong cuộc chiến ăn miếng trả miếng, trong đó thuế quan chỉ là một trong những vấn đề giữa hai nước.
“Kịch bản lý tưởng là một bên hạ mức thuế quan đã công bố và bên kia đáp lại bằng mức điều chỉnh tương ứng theo cùng hướng”, ông Zhao gợi ý.
Theo vị giáo sư, các vấn đề thương mại khác bên cạnh thuế quan cũng cần được thảo luận. “Một cách để thực hiện điều đó là quay trở lại cơ chế nhóm làm việc và khởi động các cuộc đàm phán dựa trên dữ liệu cụ thể”, ông nói.
Riêng về lĩnh vực thương mại, khoảng 59% người tham gia khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew phản đối thuế quan đánh vào hàng hóa nước ngoài của ông Trump.
Sau các động thái xuống thang căng thẳng với Trung Quốc, Tổng thống Trump tiếp tục báo tin vui cho các nước khác.
11 bang bao gồm New York đã khởi kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ, yêu cầu tòa án tuyên bố thuế quan do ông Trump áp đặt là bất hợp pháp và cấm chính phủ Mỹ thực thi chúng.
Financial Times dẫn các nguồn tin thân cận cho biết chính quyền ông Trump đang cân nhắc giảm thuế quan với phụ tùng ô tô Trung Quốc.