Kinh doanh & Thị trường 01/04/2025 17:41

Đề xuất chuyển đổi dự án nhà ở thương mại treo, bỏ hoang sang NOXH

TS Cấn Văn Lực đề nghị xây dựng cơ chế chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại đang bị treo, bỏ hoang lãng phí sang làm NOXH.

(Ảnh tư liệu minh hoạ: Thuỷ Long). 

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về nhà ở xã hội (NOXH), giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án đã được triển khai với quy mô 593.428 căn. Trong đó có 103 dự án hoàn thành với quy mô 66.755 căn; 137 dự án đã khởi công với 114.618 căn; 415 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với 412.055 căn.

Việc triển khai Đề án “Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà cho người thu nhập thấp và công nhân trong giai đoạn 2021 - 2030” còn khó khăn, tồn tại, vướng mắc. Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn.  

Tại toạ đàm “Giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn NOXH" do Báo Dân Việt tổ chức sáng nay, các chuyên gia và doanh nghiệp đã chỉ ra 3 nút thắt vướng mắc trong việc xây dựng NOXH gồm pháp lý, nguồn vốn, quỹ đất. 

Để triển khai thành công Đề án, vai trò của doanh nghiệp là rất lớn. Mới đây, tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NOXH, Bộ Xây dựng đã đề xuất chủ đầu tư NOXH được hưởng lợi nhuận định mức tối đa là 13% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng NOXH của dự án (thay vì 10% như quy định hiện hành). 

Song theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài Chính - Tiền tệ Quốc gia, so với đề xuất nâng mức lợi nhuận tối đa từ 10% lên 13%, thì doanh nghiệp còn quan tâm hơn đến việc tiết kiệm thời gian khi làm thủ tục phê duyệt dự án, phê duyệt đối tượng mua nhà.‏

"Ví dụ nếu giảm thời gian từ 4 năm xuống còn 1 năm, bớt đi 3 năm, thì đó là khoảng thời gian doanh nghiệp làm thêm được nhiều việc khác, chắc chắn lợi ích hơn nhiều so với 3%. Không những vậy còn giải phóng niềm tin, khơi thông nguồn lực, giải quyết lãng phí", ông Lực nói.  

Bên cạnh đó, đề cập đến thực trạng rất nhiều dự án nhà ở thương mại hiện nay đang bị treo, bỏ hoang rất lãng phí, ông Lực đề nghị xây dựng cơ chế chuyển đổi những dự án này sang làm NOXH.   

TS Cấn Văn Lực. (Ảnh: Báo Dân Việt).  

Về câu chuyện nguồn vốn, cuối tháng 2 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở Quốc gia nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn.  

Ông Lực cho biết, quỹ liên quan đến phương án phát triển nhà ở quốc gia là một trong những cách nhiều nước đã làm trong thời gian qua như Singapore, Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Quỹ này cơ bản có 4 nguồn vốn khác nhau. Thứ nhất là vốn ngân sách nhà nước. Thứ hai nguồn vốn phát hành trái phiếu dành cho dự án NOXH. Thứ 3 là tiền tiết kiệm của người mua nhà (có thể trích ra từ nguồn thu nhập để cam kết có dòng tiền trả nợ cho ngôi nhà). Cuối cùng là nguồn vốn của các tổ chức tài chính trong nước, quốc tế tham gia. Những nguồn vốn như thế tương đối khả thi.

Theo chuyên gia, trước đây Việt Nam từng có một thời kỳ có quỹ tiết kiệm nhà ở quốc gia, giờ ta có thể khởi động lại. Đây là chính sách rất khả thi, nhân văn và bền vững.

Cùng thảo luận đến việc xây dựng Quỹ Nhà ở Quốc gia, ‏‏ông Lê Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường‏‏ chia sẻ: “Tôi thấy dự thảo Nghị quyết Chính Phủ đã đề xuất xây dựng Quỹ Nhà ở Quốc gia. Quỹ này sẽ được cấp vốn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn khác theo quy định pháp luật. Vấn đề là sử dụng quỹ như nào cho hiệu quả? 

Nếu dùng để xây NOXH thì không đủ được, tuy nhiên, dùng quỹ này để thực hiện công tác thu hồi mặt bằng tái định để thực hiện dự án NOXH thì sẽ hiệu quả hơn. Cần sử dụng Quỹ Nhà ở Quốc gia chứ không phải lấy quỹ này để phát triển dự án, không có quỹ nào mà to lớn, mà đủ để thực hiện các dự án NOXH”.‏

Theo vị này, Quỹ Nhà ở Quốc gia là nội dung quan trọng để khởi nguồn cho đầu tư dự án NOXH. Việc tiếp theo là đã có nguồn đầu tư thì phải có cơ chế thu lại cho quỹ để còn phát triển các dự án khác. Quỹ cần có cơ chế ứng ra hoặc cho vay rồi thu về, không thể cứ lấy ra xây dựng NOXH thì sẽ dần dần hết quỹ. Cần có quy định, hướng dẫn cụ thể đưa vào dự thảo Nghị quyết trình Quôc hội. 

Điều này như Luật Đất đai có quỹ phát triển quỹ đất, dùng để bồi thường tái định cư làm mặt bằng và được hoàn trả lại (ví dụ quỹ bỏ ra để làm mặt bằng đấu giá đất xong lại hoàn tiền đấu giá đất về quỹ).  

Di Anh
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 02/04/2025 23:18
[Photostory] Hai dự án nghìn tỷ ở Hà Nội bị đưa vào diện theo dõi lãng phí

Dự án tòa tháp của Tổng công ty Xi măng Việt Nam trên đường Phạm Hùng và dự án trụ sở mới Bộ Ngoại giao ở đường Lê Quang Đạo vừa bị đưa vào diện theo dõi do có dấu hiệu lãng phí.

Kinh doanh & Thị trường 02/04/2025 21:16
Ba dự án TOD gần Metro số 2 dự kiến triển khai cuối năm nay

TP HCM sẽ tìm nhà đầu tư cho ba khu đất tại quận 10, Tân Bình và Tân Phú để làm TOD dọc tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), cuối năm nay.

Kinh doanh & Thị trường 02/04/2025 19:57
Bình Thuận sẽ đấu thầu hơn 600 ha đất làm 6 dự án

6 khu đất tổng diện tích 614 ha đã được tỉnh Bình Thuận đưa vào danh mục đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong năm nay và 2026.

Kinh doanh & Thị trường 02/04/2025 19:27
Giao dịch mua bán đất đai ở TP HCM tăng

3 tháng đầu năm, hồ sơ mua bán nhà đất ở TP HCM tăng 16%, giúp số thu từ nguồn này đạt trên 2.200 tỷ đồng.