Trước những rủi ro về việc bị áp thuế đối ứng từ Mỹ, ngày 31/3 Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Trong đó, một số mặt hàng như ô tô, gỗ, Ethanol, đùi gà đông lạnh, hạt dẻ cười, hạnh nhân, quả táo tươi, cherry, nho khô... sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới.
Động thái này theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia là một chính sách kịp thời và hiệu quả về cả mặt kinh tế, xã hội.
Thứ nhất, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang xem xét áp thuế đối ứng với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ, trong đó có Việt Nam, thì việc giảm thuế này sẽ làm tăng hàng tăng nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam và căn bằng thương mại hơn với Mỹ. Từ đó, sẽ tránh được nguy cơ bị Mỹ áp thuế đến hàng hóa của Việt Nam.
Thứ hai, những nhóm hàng được giảm thuế chủ yếu là hàng thiết yếu của Việt Nam như xăng dầu, ô tô, lương thực, thực phẩm,… Khi các hàng hóa này này giảm giá sẽ kích thích tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ bán được nhiều hàng hơn và cũng có thể là tăng nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng (VAT) và các nguồn thu thuế khác.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Trước đó, Việt Nam đã rất chủ động, tích cực và đã dùng nhiều kênh, nhiều biện pháp khác nhau nhằm căn bằng cán cân thương mại giữa hai nước, và tránh bị Mỹ áp thuế đối ứng.
Cụ thể, Bộ trưởng Công Thương cũng đã đại diện Chính phủ Việt Nam sang Mỹ để ký kết nhiều hợp đồng kinh tế, thương mại lên đến 90 tỷ USD. Giữa tháng 3, đoàn 62 doanh nghiệp Mỹ sang thăm, lãnh đạo Đảng, nhà nước, Thủ tướng trực tiếp và làm việc và giải quyết nhiều băn khoăn vướng mắc trong các cuộc trao đổi đó.
Với những động thái này, trong trường hợp tích cực, Mỹ không áp thêm thuế hoặc chỉ áp thuế cao hơn đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam (như thép, nhôm…) với mức tương tự như các quốc gia khác.
"Khi đó, Việt Nam sẽ cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa cùng loại của các nước; có thể tận dụng cơ hội mở rộng xuất khẩu sang Mỹ hay các nền kinh tế khác tìm nguồn thay thế và cơ hội từ xu hướng dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng", ông Lực kỳ vọng.
Về phía doanh nghiệp, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng thuế nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam ở mức cao hơn (có mặt hàng lên 25%). Vì vậy, nguy cơ ngành gỗ bị áp thuế đối ứng từ Mỹ là rất cao.
Nếu sắc lệnh thuế đối ứng 25% được áp dụng, bao gồm cả các sản phẩm gỗ nội thất nói riêng, sản phẩm từ rừng nói chung thì mức ảnh hưởng sẽ rất lớn đối với ngành gỗ Việt Nam, bởi đây là các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ (chiếm 54,2% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam).
Chính vì vậy, việc Chính phủ đưa thuế nhập khẩu gỗ từ các quốc gia khác vào Việt Nam về 0% là quyết định quyết liệt nhằm đảm bảo là phía Mỹ xem xét không áp thuế đối ứng với sản gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
"Chúng tôi kỳ vọng Mỹ sẽ xem xét công bằng và thỏa đáng để không áp thuế đối ứng vào sản phẩm gỗ của Việt Nam. Điều này giúp các doanh nghiệp trong ngành gỗ của Việt Nam có thể duy trì sự ổn định trong hoạt động xuất khẩu, cũng như bảo vệ thị trường tiêu thụ quan trọng này”, ông Hoài tin tưởng.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Cũng theo ông Hoài, trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, các doanh nghiệp gỗ cũng đã và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các nước như Australia, Trung Đông và New Zealand nhằm tránh "bỏ trứng vào một giỏ". Tuy vậy, khối lượng gia tăng vào các thị trường này rất là khiêm tốn nên khó có thể bù đắp được thị trường từ Mỹ.
Trong khi đó, tìm kiếm một thị trường mới là một công việc tốn kém về thời gian gian và nguồn lực. Không phải dễ gì có thể tung ra một mẫu sản phẩm và có ngay được sự chấp nhận của khách hàng. Điều này cần rất nhiều thời gian để giao dịch để giới thiệu mẫu mã đến chốt được đơn hàng.
"Hiệp hội thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng và các địa phương tổ chức rất nhiều các hội chợ trong nước và nước ngoài để quảng bá sản phẩm gỗ của Việt Nam. Dù là thị trường nhỏ nhất, chúng tôi luôn chắt chiu từng cơ hội, từng đơn hàng", ông Hoài cho hay.
Ở chiều ngược lại, ông Hoài cũng việc giảm thuế nhập khẩu cũng tạo ra với các sản phẩm tại thị trường trong nước như bàn ghế văn phòng, bàn ghế sofa,…với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.
Do đó, trong thời tới, ngoài nâng cao năng lực cạnh tranh về mẫu mã và chất lượng, các doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa cần hướng tới cải thiện năng lực cung ứng, từ đó tạo ra sự cạnh tranh về giá.
“Tức là người tiêu dùng Việt sẽ được sử dụng hàng chất lượng xuất khẩu nhưng giá thành nội địa rất tốt”, ông Hoài gợi ý.
Ngày 2/4 (theo giờ địa phương), Mỹ sẽ công bố thuế nhập khẩu đối ứng. Vì vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam vẫn phải liên tục bám sát những động thái từ chính quyền ông Trump và cần có những kịch bản dự báo, giải pháp, ứng phó kịp thời để giảm thiểu tác động và có thể tận dụng được một số cơ hội phát sinh được trong quá trình thuế quan thương mại đang diễn ra.
Top 10 mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ năm 2024. (Nguồn: BIDV Research)
Trong kịch bản cơ sở (xác xuất 50%) Mỹ có thể áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam bằng với mức mà Việt Nam đang áp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ (theo chính sách thuế "đối ứng/có đi có lại").
Trong trường hợp xấu nhất, Mỹ có thể áp mức thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tương tự như nhiều quốc gia khác như Tổng thống Trump đã từng tuyên bố.
Khi đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ có thể giảm khoảng 3 - 5 điểm % trong năm 2025 xuống mức tăng 15 - 17% (từ mức tăng khoảng 20% hiện tại sang thị trường Mỹ).
Cùng với đó, nếu chưa kịp chuyển hướng được ngay, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm khoảng 1,5 - 2 điểm % và tăng trưởng GDP có thể giảm khoảng 0,2 - 0,3 điểm % năm 2025. Nếu chính sách này duy trì lâu hơn, tác động tiêu cực có thể mạnh hơn vào các năm sau.
"Ngoài tác động đến xuất khẩu và tăng trưởng, chính sách tăng thuế này còn khiến giá cả tăng, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng, thị trường chứng khoán và tiền tệ biến động nhiều hơn như nhiều quốc gia khác, đòi hỏi điều hành chính sách nhanh nhạy, chủ động và kịp thời hơn", ông Lực lưu ý.
Trong vài năm qua, Việt Nam đã trở thành lựa chọn thay thế phổ biến cho các doanh nghiệp muốn tránh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Giờ đây, khi Tổng thống Donald Trump mở rộng mục tiêu thuế quan, họ không còn có thể tránh né nữa.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nếu thuần tuý chỉ thuế thì mức thuế mà Việt Nam áp dụng với hàng nhập khẩu Mỹ không thể đến con số 90% như tính toán.
Theo đại diện May 10, dù chưa có thuế suất chi tiết đối với từng mã hàng song, dù là nào con số nào cũng chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về việc Mỹ áp thuế đối ứng do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu và giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp xuất khẩu.