Phát biểu tại hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Phạm Toàn Vượng cho biết đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng đạt 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 7,45% so với đầu năm.
Để so sánh, đến cuối tháng 9/2024, dư nợ tín dụng của các ông lớn Big4 như BIDV, VietinBank, Vietcombank lần lượt đạt 1,96 triệu tỷ đồng (tăng 9,78%), 1,61 triệu tỷ đồng (tăng 8,95%) và 1,41 triệu tỷ đồng (tăng 10,18%). Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 9 ở mức 9%.
Phân tích cụ thể hơn, ông Vượng cho biết, dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 6,65% so với đầu năm. Agribank là ngân hàng có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn rất lớn, chiếm khoảng 62% tổng dư nợ tại ngân hàng và là ngân hàng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lớn nhất cả nước.
Dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đến cuối tháng 10 đạt 425.000 tỷ đồng, tăng 6,15% so với đầu năm. Cụ thể, dư nợ nông nghiệp: 356.000 tỷ đồng, tăng 5%; dư nợ lâm nghiệp: 22.000 tỷ đồng, tăng 16,5%; dư nợ thuỷ sản: 46.000 tỷ đồng, tăng 7,3%.
Ngoài ra, ông Vượng tiết lộ rằng riêng tại khu vực ĐBSCL, tổng dư nợ của Agribank khoảng 262.000 tỷ đồng, chiếm trên 22% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng, tăng 8,01% so với đầu năm. Cụ thể, dư nợ cá nhân gần 226.000 tỷ đồng, chiếm 86,3% tổng dư nợ, dư nợ pháp nhân gần 36.000 tỷ đồng, chiếm 13,7%.
Tại ĐBSCL, dư nợ nông nghiệp nông thôn trên 214.000 tỷ đồng, tăng 8,47% so với đầu năm. Tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn tại khu vực ĐBSCL lên tới gần 82% tổng dư nợ toàn vùng của Agribank.
Trong đó, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản tại ĐBSCL đến cuối tháng 10 đạt trên 103.000 tỷ đồng, tăng 6,5% so với đầu năm. Cụ thể, dư nợ nông nghiệp: 75.422 tỷ đồng, tăng 5,2%; dư nợ lâm nghiệp: 196 tỷ đồng, tăng 9,8%; dư nợ thuỷ sản: 27.488 tỷ đồng, tăng 10,1%. Ở ĐBSCL, lúa gạo là sản phẩm chủ lực có sản lượng và giá trị xuất khẩu cao, với dư nợ đạt gần 33.000 tỷ đồng, tăng 25,1%, chiếm khoảng 47,5% dư nợ lúa gạo toàn Agribank.
Riêng tại tỉnh Đồng Tháp, tổng dư nợ cho vay đến 31/10/2024 đạt khoảng 27.100 tỷ đồng, chiếm khoảng trên 23,5% thị phần tín dụng của tỉnh, tăng 9,68% so với đầu năm, trong đó phần lớn là dư nợ khách hàng cá nhân 24.340 tỷ đồng, chiếm 89,56% tổng dư nợ, tăng 9,71% so với đầu năm.
Dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank tại Đồng Tháp đạt gần 21.000 tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng dư nợ của ngân hàng trên địa bàn. Dư nợ ngành lúa gạo của Agribank tại Đồng Tháp đạt gần 5.000 tỷ đồng, chiếm 18,13% tổng dư nợ ngân hàng, ông Vượng cho hay.
Về dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Tổng Giám đốc Agribank cho biết đã đồng hành cùng các cơ quan, ban, ngành để triển khai ngay từ xây dựng cho tới khi triển khai đề án.
Đến thời điểm hiện tại, Agribank đã hướng dẫn các chi nhánh trên địa bàn 12 tỉnh thành ĐBSCL sẵn sàng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho chương trình 1 triệu ha lúa với lãi suất thấp hơn 1 điểm % so với mức lãi suất cho vay thông thường và nhiều ưu đãi khác.
Ông Vượng cho biết trước mắt Agribank sẽ thí điểm 30.000 tỷ đồng cho vay chương trình này, đồng thời không hạn chế quy mô. Ngoài ra, ngân hàng sẽ triển khai nhiều chương trình, sản phẩm gắn với từng chuỗi liên kết, từng vùng đặc thù để đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tài chính phục vụ cho đề án này một cách ưu việt nhất, góp phần hoàn thành đề án, gắn với chương trình chuyển đổi số.