Hôm 2/4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ áp dụng mức thuế quan tối thiểu 10% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ và đánh thuế cao hơn đối với khoảng 60 nền kinh tế có sự mất cân bằng thương mại lớn nhất với Mỹ. Theo các tài liệu của Nhà Trắng, Việt Nam nằm trong top các quốc gia chịu thuế cao nhất từ Mỹ với 46%.
Với ngành dệt may, đây là một mức thuế rất cao và bất ngờ. Trao đổi với chúng tôi Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (Mã: TCM), Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết các doanh nghiệp trong ngành rất ngạc nhiên với mức thuế mà ông Trump đưa ra.
“Mức thuế mà Mỹ áp với Việt Nam cao đến độ mà không ai nghĩ đến. Mới ngày hôm qua thôi, các doanh nghiệp ngồi bàn với nhau và ước tính thuế có thể chỉ tăng khoảng 5 - 7% và tăng đồng đều giữa các nước. Như vậy Việt Nam sẽ không ảnh hưởng nhiều.
Do đó, mức thuế 46% khiến chúng tôi rất bất ngờ và ngành dệt may sẽ bị ảnh hưởng rất lớn trong thời gian tới.Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn chưa biết chính xác mức thuế mà ngành dệt may sẽ chịu là bao nhiêu, chỉ biết mức chung là 46%”, ông Tùng nói.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ năm 2024, dệt may chiếm tỷ trọng khá lớn. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt trên 16 tỷ USD tăng 12% so với năm 2023. Đây là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lớn thứ ba, chiếm 16,5% tỷ trọng. Hai tháng đầu năm nay, đà tăng xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường này tiếp tục được duy trì ở mức 12,4%, lên 2,4 tỷ USD.
Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Ông Tùng cho biết thời gian qua đơn hàng từ Mỹ có sự tăng trưởng nhẹ nhờ xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.Tại thị trường Mỹ, hàng dệt may của Việt Nam nằm trong top 3 về thị phần, bên cạnh Trung Quốc và Bangladesh – hai quốc gia được hưởng mức thuế thấp hơn lần lượt là 34% và 37%.
“Nếu mức thuế cuối cùng áp cho hàng dệt may Việt Nam cao hơn so với hai đối thủ Trung Quốc và Bangladesh thì việc cạnh tranh sẽ rất khó khăn. Do đó, tôi hy vọng mức thuế sẽ được điều chỉnh hợp lý, không có sự chênh lệch quá nhiều để có thể duy trì được thị phần.[..] Chúng tôi cũng đang chờ phản hồi từ phía khách hàng. Nhưng với tình hình hiện tại các khách hàng cũng sẽ yêu cầu nhà cung cấp giảm giá, bù đắp với thuế cao để có một mức giá hợp lý hơn”, ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang đối diện với rủi ro khách hàng Mỹ huỷ đơn hàng khi thuế nhập khẩu cao. Đối với các khách hàng Mỹ, hình thức thanh toán thường là trả sau. Với mức thuế cao như vậy, khách hàng có thể yêu cầu doanh nghiệp dệt may giảm giá, nếu không họ huỷ hoặc hoãn đơn hàng.
Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng 44%.
Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp cần tìm kiếm thị trường mới để bù đắp sự sụt giảm của Mỹ trong thời gian tới nếu có, Phó Chủ tịch VITAS chia sẻ.
Ví dụ, tại thị trường châu Âu, trước đây Việt Nam chưa thể cạnh tranh do chính sách thuế. Tuy nhiên, sau khi hiệp định EVFTA được thực thi, đến năm 2025 hầu như các thuế suất ngành dệt may về 0%. Đây được xem là lợi thế so với những năm trước.Thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ tại châu Âu để tìm kiếm khách hàng.
Ngoài ra, các thị trường thuộc nhóm CPTPP cũng tiềm năng nhờ được hưởng thuế ưu đãi.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm thị trường mới sẽ mất nhiều thời gian, nguồn lực hơn và các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận có độ trễ nhất định.
Ngoài ra, nội tại các doanh nghiệp dệt may cũng cần phải thay đổi. Theo đó, các doanh nghiệp cần tối ưu quy trình sản xuất nhằm giảm chi phí. Những khâu nào có thể tự động hoá được thì cần áp dụng công nghệ nhằm tăng năng suất.
“Giá bán thời gian tới nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, do đó, việc tối ưu hoá vận hành nhằm giảm chi phí sản xuất là điều các doanh nghiệp cần phải làm”, ông Tùng nói.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 cho biết do chưa biết cụ thể mức thuế áp cho hàng dệt may là bao nhiêu nên doanh nghiệp đợi 7 - 10 ngày sau khi có quyết định chính thức thì sẽ có động thái.
Tuy nhiên, bà Thảo cho biết dù Mỹ áp thuế bao nhiêu thì May 10 vẫn duy trì chiến lược đa dạng hoá thị trường, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư công nghệ để tăng năng suất, giảm chi phí và có thể chào mức giá cạnh tranh cho khách hàng.
“Chúng tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần khi có quyết định cụ thể về mức thuế cho dệt may, có thể khách hàng phía Mỹ sẽ yêu cầu chia sẻ gánh nặng về chi phí để làm sao có giá thành cạnh tranh. Chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác đối thoại, đàm phán với khách hàng”, bà Thảo nói. Hiện tại, Mỹ chiếm 60% tỷ trọng doanh thu của May 10. Doanh nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu sang thị trường Mỹ năm 2025 khoảng 3.000 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch VITAS kỳ vọng mức thuế mà Mỹ mới công bố chỉ là dựa theo tính toán đơn giản ban đầu về chênh lệch thương mại và họ cũng chờ phản ứng của Việt Nam thế nào để có một con số cụ thể.
“Thời gian vừa qua, Việt Nam cũng đã có những hành động tích cực, điển hình như quyết định giảm thuế mới đây. Với những động thái đó từ chính phủ chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ xem xét lại chính sách thuế đối với Việt Nam”, ông Tùng nói.
Trước đó, ngày 31/3, Chính phủ bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng. Trong đó, thuế nhập khẩu ô tô thuộc một số mã HS giảm từ 64% xuống 50% và từ 45% xuống 32%. Mặt hàng ethanol giảm thuế từ 10% xuống 5%, trong khi LNG giảm từ 5% xuống 2%.
Một số mặt hàng thực phẩm như đùi gà đông lạnh, hạnh nhân, táo tươi, cherry và nho khô cũng được giảm thuế đáng kể, xuống mức 5%-15%. Đặc biệt, các sản phẩm gỗ và nội thất bằng gỗ sẽ được áp dụng thuế suất 0%.
Trong cuộc họp sáng nay (3/4), Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có giải pháp hiệu quả với mọi diễn biến, vượt qua những cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Theo khảo sát, giá phân bón hôm nay (4/4) duy trì lặng sóng. Ghi nhận cho thấy, phân NPK 20 - 20 - 15 Đầu Trâu, Song Gianh có giá bán cao nhất tại khu vực miền Trung, nằm trong khoảng 880.000 - 960.000 đồng/bao.
Giá thép thanh Trung Quốc và quặng sắt đảo chiều giảm trong phiên hôm qua do những áp lực thuế quan của Mỹ đè nặng lên tâm lý thị trường.
Giá cao su tại thị trường chính đều đồng loạt giảm trong phiên, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản lao dốc mạnh do lo ngại áp lực thuế quan của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành.
Giá vàng hôm nay quay đầu giảm sau khi đạt kỷ lục mới ở các phiên trước đó. Các nhà giao dịch cho rằng đợt giảm giá này chủ yếu do nhà đầu tư chốt lời và bị yêu cầu bổ sung ký quỹ ở các tài sản khác, dẫn đến việc bán bớt vàng để bù lỗ.