Sáng 24/4, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025, kế hoạch tăng vốn điều lệ, phân phối lợi nhuận, bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) và một số nội dung khác.
Tính đến 8h40, ban kiểm tra tư các cổ đông cho biết có 18 cổ đông dự họp đại hội đại diện cho hơn 347 triệu cổ phần, tương đương 82,78% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Báo cáo tại đại hội, ông Nguyễn Văn Hương, Tổng Giám đốc PGBank, cho biết tính đến 31/12/2024, tổng huy động vốn của ngân hàng đạt 66.685 tỷ đồng, hoàn thành 118% kế hoạch, tăng 33,9% so với năm 2023. Dư nợ tín dụng đạt 41.533 tỷ đồng, đạt 99,4% room tín dụng được cấp, hoàn thành 103% kế hoạch đặt ra.
ĐHĐCĐ thường niên PGBank 2025. (Ảnh: H.A).
Trong năm 2025, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khá tham vọng đạt 1.001 tỷ đồng, tăng 135,3% so với năm 2024. Đây là ngân hàng có mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong năm 2025 tính đến thời điểm hiện tại.
Cùng với đó, mục tiêu hết 2025, tổng tài sản ngân hàng đạt 91.226 tỷ đồng, tăng 24,9% trong đó dư nợ tín dụng đạt 48.653 tỷ đồng tăng trưởng 17,1% so với cuối 2024. Tổng huy động đạt 78.449 tỷ đồng tăng 17,6% so với cuối năm 2024, trong đó huy động vốn thị trường 1 đạt 51.649 tỷ đồng, tăng trưởng 19,2%.
Với mảng dịch vụ Ngân hàng bán lẻ, PGBank đặt mục tiêu dư nợ tăng 17,9% so với năm 2024 lên mức 20.917 tỷ đồng, huy động đạt 36.212 tỷ đồng, tăng 19,6% so với 2024.
Ở mảng Khách hàng doanh nghiệp, PGBank đặt mục tiêu dư nợ tăng 16,6% lên 27.736 tỷ đồng, huy động tăng 18,3% lên mức 15.473 tỷ đồng năm 2025. Kiểm soát nợ xấu dưới 2%, xử lý dứt điểm các khoản nợ lớn, tồn đọng lâu năm, tổng thu dự kiến là 1.445 tỷ đồng.
Về phương án tăng vốn điều lệ, PGBank đặt mục tiêu tăng vốn lên 10.000 tỷ trong năm 2025 bằng việc thực hiện hai phương án tăng vốn năm 2024 và năm 2025.
Theo đó, ngân hàng sẽ thực hiện nốt cấu phần tăng vốn thêm 800 tỷ đồng (chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu) theo kế hoạch đã được thông qua tại đại hội cổ đông năm trước. Sau khi thực hiện phương án này vốn điều lệ của PGBank sẽ tăng từ 4.200 tỷ lên 5.000 tỷ.
Cùng với đó, Ban lãnh đạo PGBank tiếp tục trình cổ đông thông qua việc tăng vốn điều lệ lên gấp đôi (từ 5.000 tỷ lên 10.000 tỷ) trong năm 2025 thông qua việc phát hành thêm 500 triệu cổ phiếu qua hai phương án và đã được ĐHCĐ thông qua.
Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành 50 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 10% và 450 triệu cổ phiếu phát hành ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ chào bán 9/11 với giá bán là 10.000 đồng/cp.
Theo ban lãnh đạo PGBank, việc phát hành tăng vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng trong năm 2025 nhằm đạt mục tiêu thực hiện tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng năm 2025 lên tối thiểu 20.000 tỷ đồng năm 2030.
PGBank cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 tìm kiếm, lựa chọn và hợp tác với cổ đông chiến lược nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, mở rộng tệp khách hàng, mạng lưới quan hệ và thị trường, gia tăng giá trị và thương hiệu PGBank trên thị trường quốc tế.
Ban lãnh đạo PGBank. (Ảnh: H.A).
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 PGBankm đại hội đã bầu ra HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2025 – 2030. Theo dự kiến, số lượng thành viên Hội đồng quản trị 6 thành viên trong đó có 2 thành viên độc lập và 5 thành viên ban kiểm soát. Tuy nhiên, tại đại hội lần này danh sách ứng viên HĐQT chỉ gồm 5 thành viên và ban kiểm soát có 4 thành viên.
Nguyên nhân theo PGBank lý giải là ngày 31/3, PGBank đã nhận đủ hồ sơ đề cử nhân sự làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2025 – 2030 song ngày 22/4, nhân sự dự kiến cho vị trí thành viên độc lập HĐQT và một nhân sự dự kiến cho vị trí thành viên ban kiểm soát đã rút hồ sơ vì lý do cá nhân.
Vì vậy, tại đại hội lần này, cổ đông đã thông qua danh sách 5 thành viên Hội đồng quản trị là: Bà Cao Thị Thuý Nga, ông Nguyễn Văn Hương, ông Vương Phúc Chính, ông Đinh Thành Nghiệp, ông Nguyễn Văn Tý – Thành viên Hội đồng quản trị độc lập.
STT | Họ và tên ứng viên | Chức danh dự kiến |
1 | Bà Cao Thị Thuý Nga | Thành viên HĐQT |
2 | Ông Nguyễn Văn Hương | Thành viên HĐQT |
3 | Ông Vương Phúc Chính | Thành viên HĐQT |
4 | Ông Đinh Thành Nghiệp | Thành viên HĐQT |
5 | Ông Nguyễn Văn Tý | Thành viên HĐQT độc lập |
Danh sách ứng viên vào HĐQT PGBank.
Đáng chú ý, trong danh sách này có tên của ba thành viên HĐQT nhiệm kỳ cũ là ông Đinh Thành Nghiệp, ông Vương Phúc Chính và bà Cao Thị Thuý Nga nhưng lại không có tên của ông Phạm Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT và ông Đào Phong Trúc Đại, Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Hai cái tên mới xuất hiện là ông Nguyễn Văn Tý, (liên quan đến Tập đoàn Thành Công) và ông Nguyễn Văn Hương (hiện là Tổng Giám đốc PGBank). Trước đó, PGBank có đưa ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc điều hành của Công ty Dịch vụ và Hạ tầng Thành Công vào danh sách đề cử những ngày 22/4 ông Tuấn Anh đã rút khỏi danh sách ứng viên bầu HĐQT PGBank nhiệm kỳ 2025 - 2030 vì lý do cá nhân.
Trong số hai thành viên HĐQT mới, ông Nguyễn Văn Hương được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc PGBank nhiệm kỳ 2024 - 2027 kể từ ngày 7/12/2024. Trước đó, vị trí Tổng Giám đốc PGBank do bà Đinh Thị Huyền Thanh đảm nhiệm. Tuy nhiên, hồi tháng 4/2024, bà Huyền Thanh đã có đơn xin từ nhiệm khỏi vị trí Tổng Giám đốc và thành viên HĐQT của PGBank vì lý do cá nhân.
Vị trí Tổng Giám đốc của PGBank được để trống từ tháng 4/2024, sau khi bà Đinh Thị Huyền Thanh nộp đơn từ nhiệm. Đến ngày 23/9/2024, ông Nguyễn Văn Hương được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc PGBank.
Theo sơ yếu lý lịch mà PGBank công bố, ông Nguyễn Văn Tý (SN 1957) gia nhập TC Group kể từ tháng 12/2007 với vị trí Chuyên viên Ban Đầu tư. Ngoài ra, ông Tý còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mai Động; Trưởng Ban kiểm soát tại CTCP Đầu tư PV-INconess - một thành viên của TC Group.
Đối với ban kiểm soát, PGBank trình danh sách gồm 4 thành viên: Ông Trần Ngọc Dũng, ông Trịnh Mạnh Hoán, bà Đinh Thuỵ Trâm và bà Hạ Hồng Mai. Trong đó, ba ‘gương mặt’ cũ là ông Trần Ngọc Dũng, ông Trịnh Mạnh Hoán, bà Hạ Hồng Mai, bổ sung thêm bà Đinh Thuỵ Trâm, Phó Trưởng Kiểm toán nội bộ của PGBank.
Trước đó, PGBank cũng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2025. Cụ thể, tính đến 31/3/2025, tổng tài sản của PGBank đạt 74.890 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ (58.763 tỷ đồng), và tăng 2,5% so với cuối năm 2024 (73.015 tỷ đồng). Huy động vốn thị trường 1 đạt 46.717 tỷ đồng, tăng 25 % so với cùng kỳ (37.244 tỷ đồng), trong khi dư nợ tín dụng đạt 45.347 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ (35.186 tỷ đồng).
Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng trưởng 34,4%, đạt 505,7 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 242,5 tỷ đồng, tăng mạnh 53,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế quý I đạt 95,9 tỷ đồng, hoàn thành 13,4% kế hoạch tạm giao năm nay. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 2,09%, tiếp tục duy trì ở ngưỡng an toàn.
THẢO LUẬN
Ông Phạm Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT PGBank nhiệm kỳ 2020 - 2035. (Ảnh: H.A).
Gần đây có rất nhiều biến động xung quanh những chính sách của Tổng thống Mỹ mới. Trong bối cảnh tình hình phức tạp như vậy, Ban điều hành, HĐQT PGBank có biện pháp gì để ứng phó với tác động tiêu cực từ việc Mỹ áp dụng các chính sách thuế quan mới?
Ông Phạm Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT: Với tất cả các biến động về kinh tế có liên quan đến khách hàng thì HĐQT, Ban Điều hành đều phải có giải pháp ứng phó kịp thời. Mỗi khi các khách hàng gặp khó khăn thì ngân hàng cũng đều có chính sách hỗ trợ.
Khi chiến tranh thương mại xảy ra, một số ngành xuất khẩu sẽ gặp khó khăn, vì vậy PGBank sẽ phải có chính sách để hạn chế tác động tiêu cực đến khách hàng cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.
Đối với chính sách thuế đối ứng của ông Trump, nước Mỹ và hầu hết các nước đều bị ảnh hưởng do chính sách này. Trong đó, việc Mỹ - Trung Quốc chiến tranh thuế quan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc ngoài là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu còn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Thị trường này biến động sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến kinh tế Việt Nam chứ không phải Mỹ bởi Mỹ thì chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chính vì vậy, ngay khi có những chính sách này, PGBank đã họp bàn trong Ban lãnh đạo để phối hợp với khách hàng hạn chế các rủi ro bị áp thuế hoặc không được thanh toán.
Nếu khách hàng có tổn thất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng. Do đó, việc phải đưa ra các chính sách về ngoại tệ hay một số nghiệp vụ liên quan đến việc thanh toán nhằm hạn chế các tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, PGBank cũng đưa ra các biện pháp hỗ trợ cùng khách hàng tìm kiếm, chuyển đổi thị trường mới. Hiện ngân hàng cũng đang xây dựng chính sách để tiết giảm chi phí hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.
Chúng tôi cũng phải xây dựng một loạt cơ chế kiểm soát rủi ro, quản lý rủi ro trên cơ sở thông báo để tránh xảy ra việc bị bất ngờ hoặc bị tổn thất trong quá trình khách hàng bị tổn thất.
Lộ trình của việc tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng? Ban chủ tịch có thể chia sẻ thêm về các phương án tăng vốn và việc chào mời các cổ đông chiến lược mới?
Ông Đào Phong Trúc Đại, Phó Chủ tịch HĐQT: Hiện nay vốn điều lệ của PGBank là 4.200 tỷ đồn. Chúng tôi sẽ thực hiện nốt cấu phần tăng vốn thêm 800 tỷ đồng (chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu) theo kế hoạch đã được thông qua tại đại hội cổ đông năm trước. Sau khi thực hiện phương án này vốn điều lệ của PGBank sẽ tăng từ 4.200 tỷ lên 5.000 tỷ.
Ngoài ra, trong năm 2025, chúng tôi đã lên phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng cũng theo phương thức chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Với lộ trình đến năm 2030 tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng, PGBank có chào bán cổ phiếu cho cổ đông nước ngoài hay không thì tôi xin trả lời là không có một giới hạn nào trong việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông nước ngoài.
Chúng tôi đang tìm kiếm các cổ đông chiến lược có chiến lược kinh doanh phù hợp với chiến lược của PGBank. Đương nhiên, việc tăng vốn cũng phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
NHNN tiến tới bỏ room tín dụng có giúp các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ như PGBank phát triển hơn trong tương lai hay không?
Ông Nguyễn Văn Hương, Tổng Giám đốc PGBank: Từ năm 2023 đến nay NHNN đã nới lỏng linh hoạt trong việc phân bổ room tín dụng dựa trên điểm xếp hạng của các ngân hàng trong từng năm chứ không phân bổ theo từng số lẻ như các năm về trước.
Đối với PGBank, khi được NHNN thông báo việc được tăng trưởng tín dụng đầu năm dựa trên cở sở điểm xếp hạng, chúng tôi đã tính ra room tín dụng và phân bổ vào những lĩnh vực hiệu quả nhất để đẩy nhanh quy mô và kết quả kinh doanh.
Trên cơ sở NHNN tiến tới bỏ room tín dụng, chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho chủ trương này. PGBank sẽ tiếp tục cho vay vào các hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất tiêu dùng, mang lại lợi ích cho người dân
Khi NHNN bỏ room tín dụng hoàn toàn sẽ là cơ hội để PGBank với quy mô nhỏ bứt phá và tăng trưởng mạnh trong 5 năm tiếp theo.
PGBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.001 tỷ đồng có quá thách thức không? Mức độ tự tin và các cơ sở để hoàn thành mục tiêu kể trên?
Ông Nguyễn Văn Hương, Tổng Giám đốc PGBank: Khi xây dựng kế hoạch kinh doanh 2025, bản thân nội tại các khối phòng ban và Ban lãnh đạo đã có sự thảo luận và đánh giá các cơ hội, thách thức và tiềm năng có thể đạt được.
Về tăng trưởng quy mô, PGBank cần tăng trưởng quy mô ngay từ đầu năm bởi vì quy mô tài sản sinh lời tăng càng sớm thì mức độ tăng trưởng của doanh thu và lợi nhuận sẽ nhanh hơn thay vì tăng vào cuối năm.
Thứ hai là mảng thu ngoài. Đây là mảng nếu khai thác tốt thì không có giới hạn nào cho doanh thu này, ví dụ như: Hoạt động ngoại hối, dịch vụ, thanh toán quốc tế, bảo lãnh và các dịch vụ khác.
PGBank hiện rất tiềm năng trong mảng này khi đã mở ra 91 điểm giao dịch trên 19 tỉnh thành của cả nước. Đây là những cơ sở để chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu doanh thu, lợi nhuận.
Trên cơ sở tăng doanh thu từ tổng tài sản tăng thêm và các hoạt động thu phí, PGBank đặt mục tiêu tăng 45% doanh thu thuần năm 2025.
Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tinh giản quy trình, lược bớt các khâu trung gian, tối ưu hoạt động, tăng năng suất lao động của các khâu vận hành hoạt động kinh doanh, từ đó đưa tỷ lệ CIR (tổng chi phí của hoạt động của ngân hàng/tổng doanh thu) xuống, tương đương việc chi phí tăng thấp hơn doanh thu từ đó tạo ra lợi nhuận.
Cuối cùng, chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý nợ xấu và kiểm soát chất lượng nợ như năm 2024 vừa qua. Năm 2025, ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 2%, xử lý dứt điểm các khoản nợ lớn, tồn đọng lâu năm, tổng thu dự kiến là 1.445 tỷ đồng.
Như vậy, chúng tôi hoàn toàn tự tin về mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ năm 2025.
Ban lãnh đạo chia sẻ thêm về kết quả kinh doanh quý I khi lợi nhuận trước thuế mới đạt gần 96 tỷ đồng, bằng 1/10 mục tiêu?
Ông Nguyễn Văn Hương, Tổng Giám đốc PGBank: Hết quý I/2025, tổng tài sản của PGBank đạt 74.890 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ (58.763 tỷ đồng), đặc biệt tăng trưởng tín dụng lên đến 9%. Mức tăng số bình quân tài sản sinh lời rất cao so với các năm trước. Thu thuần quý I cũng tăng 23% so với cùng kỳ và đặc biệt lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 242 tỷ đồng, tăng mạnh 53,4% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận quý I giảm bởi chúng tôi chủ động rà soát các khoản nợ, các khoản phải thu và trích lập dự phòng theo đúng quy định của pháp luật và tối ưu hoá tài sản sinh lời để hoạt động hiệu quả hơn.
Trên cơ sở hoạt động kinh doanh, quan trọng nhất là phần doanh thu và kiểm soát được chi phí. Vì vậy, mặc dù quý I chỉ đạt 96 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nhưng chúng tôi tự tin với sự tăng trưởng về quy mô, kiểm soát được chi phí sẽ hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 1.001 tỷ đồng năm 2025.
Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.