Tài chính Doanh nghiệp 23/04/2025 14:28

ĐHĐCĐ Tập đoàn PAN: Lợi nhuận quý I tăng mạnh, dự chia cổ tức tiền mặt 5%

Trong quý I, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 108 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, hoàn thành 16% kế hoạch. Năm nay công ty dự kiến chia cổ tức tiền mặt 5%.

 

Tại ĐHĐCĐ 2025, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc của CTCP tập đoàn PAN (Mã: PAN) cho biết doanh thu thuần đạt 4.119 tỷ đồng, tăng 19% so với quý I/2024, hoàn thành 24% kế hoạch năm (17.256 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế đạt 194 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ, thực hiện được 29% kế hoạch năm (672 tỷ đồng). 

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 108 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, hoàn thành 16% kế hoạch. Việc lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng trưởng cao cũng đến từ việc các công ty mà PAN nắm tỷ lệ cao đều có tăng trưởng tốt trong quý I: Bibica, Aquatex Bentre, VFC, Vinaseed… tăng trưởng tốt.

Cùng với đó, Tập đoàn tăng tỷ lệ sở hữu tại PAN Farm cũng làm cho lợi nhuận về cổ đông công ty mẹ tăng trưởng cao hơn so với tỷ lệ tăng của lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế.

Về cơ cấu doanh thu quý I theo từng lĩnh vực kinh doanh, thủy sản đóng góp 52,3%, nông nghiệp đóng góp 35,3% và còn lại là mảng thực đóng góp 12,3%.

Mảng nông nghiệp có doanh thu thuần quý I tăng 10%  so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế tăng 20%, chủ yếu đến từ tăng trưởng của VFC, trong khi Vinaseed tăng nhẹ 5%.

Mảng thủy sản doanh số tăng 36%, song lợi nhuận trước thuế giảm 13%. Fimex VN có lợi nhuận giảm 36% nhưng được bù đắp một phần từ tăng trưởng gần gấp 2 tại Aquatex Bentre.

Mảng thực phẩm đóng gói ghi nhận sự suy giảm tại Lafooco, song bù đắp từ tăng trưởng của Bibica, trong khi 584 Nha Trang đạt kết quả quý I/2025 tương đương cùng kỳ.

 Nguồn: PAN

Theo tài liệu ĐHĐCĐ CTCP Tập đoàn PAN, năm 2025, PAN lên kế hoạch doanh thu đạt 17.256 tỷ đồng, tăng 7% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng 4% lên 1.210 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 672 tỷ đồng, tăng 10%. 

Nếu đạt kế hoạch này, công ty sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 5%. 

 Nguồn: Wichart, PAN (H.Mĩ tổng hợp)

PAN cho biết năm 2025 được dự báo là một năm với nhiều biến số khó lường trong kinh doanh, đặc biệt là cho hoạt động xuất khẩu, thương mại quốc tế. Lạm phát và lãi suất ở thị trường Mỹ khó giảm như dự tính, gây áp lực lớn tới tỷ giá và lãi suất trong nước.

Trong khi đó nhu cầu tại thị trường nội địa cũng đang hồi phục chậm mặc dù Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ để kích thích tiêu dùng. Vì vậy, kế hoạch kinh doanh của từng công ty cũng như hợp nhất cho năm 2025 được xây dựng với kịch bản tăng trưởng nhưng có thận trọng: Doanh thu hợp nhất và lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng ở mức tương ứng 7% và 10%. 

Tuy nhiên nếu loại trừ lợi nhuận bất thường từ giao dịch hợp nhất công ty con Hải Yến tại VFG trong năm 2024, thì, lợi nhuận hợp nhất sau thuế cho cổ đông công ty mẹ năm 2025 đạt tăng trưởng 20%.

Trong kịch bản tích cực, công ty kỳ vọng cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa sẽ có diễn biến thuận lợi hơn, các tác động của chính sách thuế từ Mỹ không có ảnh hưởng trọng yếu theo hướng bất lợi, và từ đó có thể mang tới tăng trưởng cao hơn dự kiến cho các mảng kinh doanh của PAN.

Đối với kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024, doanh nghiệp dự định chi trả cổ tức bằng tiền mặt 5%. Năm 2024, Tập đoàn đạt mức kỷ lục 16.182 tỷ đồng doanh thu và 1.167 tỷ đồng lãi sau thuế hợp nhất, tăng trưởng lần lượt 22,5% và 42,8% so với năm 2023, vượt 9,5% kế hoạch doanh thu và 32% lợi nhuận sau thuế. 

Các thương vụ M&A nổi bật bao gồm mua thêm, nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Atani Holdings và Công ty Cổ phần PAN Farm.  Công ty Cổ phần Atani Holdings chuyên về probiotics với công nghệ tiên tiến từ Anh.

PAN Group đầu tư vào Atani nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư, tận dụng thế mạnh của Atani trong lĩnh vực probiotics và mở rộng mạng lưới phân phối. Việc này giúp tối ưu hóa khả năng ứng dụng probiotics trong nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Đến ngày 26/3/2024, PAN Farm hoàn tất thương vụ, nâng tỷ lệ sở hữu từ 21,51% lên 67,74%, biến Atani Holdings thành công ty con của PAN Farm. PAN Farm giữ vai trò trung tâm trong hệ sinh thái nông nghiệp của PAN Group, với hai công ty con quan trọng là CTCP Khử Trùng Việt Nam và CTCP Giống cây trồng Việt Nam.

Đến ngày 31/12/2024, Tập đoàn PAN sở hữu 88,15% vốn điều lệ của PAN Farm với tổng mức đầu tư gần 259 tỷ đồng.

 Quang cảnh đại hội (Ảnh: PAN)

Phiên thảo luận

Chính sách thuế quan của Mỹ ảnh hưởng thế nào đến tình hình kinh doanh tập đoàn trong năm nay?

Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: Mảng thuỷ sản dự kiến chịu nhiều tác động, đặc biệt là mảng tôm. Trong khi mảng cá tra không tập trung nhiều vào thị trường Mỹ nên tránh được ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, FMC (công ty con của PAN) đã chuẩn bị trước từ năm ngoái nhằm giảm thiểu các rủi ro liên quan đến thuế, bằng việc tìm các thị trường thay thế, đặc biệt là những nơi khó tính như Nhật Bản, Trung Đông. Thị hiếu của các thị trường này phù hợp với quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm đóng gói, chất lượng cao. Các sản phẩm chế biến sâu chưa ảnh hưởng và họ chấp nhận trả thêm chi phí tăng lên để mua sản phẩm của Việt Nam. Do đó, kết quả kinh doanh của tập đoàn vẫn tăng trưởng.

CEO Nguyễn Thị Trà My: Từ sau đại dịch COVID-19 chúng tôi đã tái cấu trúc thị trường, tập trung vào mặt hàng giá trị gia tăng, tập trung vào Nhật Bản, Châu Âu và một chút Mỹ.

Vừa rồi FMC làm tốt việc ESG, các nhà nhập khẩu của Mỹ sang kiểm tra rất cẩn thận. Tuần trước Costco mong muốn nhập khẩu vào Mỹ và giá nhập của họ cao hơn 1USD so với sản phẩm tương tự. Họ đã ký nhập khẩu 1.000 tấn vào tuần trước. Ngoài ra còn hợp đồng tại Anh.

Chiến lược của chúng tôi tập trung các thị trường gần. Các nhà nhập khẩu Mỹ cũng ráo riết thúc giục chúng tôi giao hàng để tranh thủ 90 ngày hoãn thuế. Hiện, sản lượng xuất khẩu đạt 80% kế hoạch.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận xuất khẩu sang Mỹ rất thấp so với các thị trường khác nên tác động không quá nhiều. Thời gian tới chúng tôi tăng cường các sản cao cấp.

Mỹ chiếm chỉ 18% trong doanh thu xuất khẩu của chúng tôi, trong đó tôm chiếm 13%. 

Vì sao năm ngoái PAN lãi lớn mà chỉ chia cổ tức 5%?

Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: Việc chỉ chia cổ tức tiền mặt 5% nhằm để đầu tư đường dài. Với lộ trình này thì tỷ lệ trả cổ cổ những tới sẽ cao hơn. 

Vì sao các công ty thành viên thời gian vừa rồi liên tục thay chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: Nếu không phải PAN mà là một doanh nghiệp Nhà nước nào đó, thì nhiều chủ tịch của các công ty thành viên đã về hưu rất nhiều năm trước rồi. Khi nhìn kinh nghiệm các công ty khác, sau khi họ sáp nhập thành công một công ty nào đó, thì nhiều khả năng họ thay luôn lãnh đạo.

Với tôi, tre già thì măng mọc, đến lúc thay thì phải thay. Ai rồi cũng đến lúc nghỉ và có người lên thay. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi thay lãnh đạo ở các công ty thành viên. Trước đây chúng tôi đã thay chủ tịch của Bibica, ABT, Lafooco và kết quả kinh doanh vẫn đang tốt lên.

Những năm trước Vinaseed chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng có 2% nhưng hiện nay, sau khi thay chủ tịch đã đặt mục tiêu tăng trường 14%. Nếu không dũng cảm thì không ai tự tin đưa ra kế hoạch này.

Dự báo tình hình kinh doanh của ba quý còn lại? Giá gạo giảm ảnh hưởng thế nào đến kết quả kinh doanh?

Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: Chưa bao giờ làm kinh doanh mà không khó khăn mà chưa ai dám nói chắc cái gì, đặc biệt trong hoàn cảnh khó lường như hiện nay. Tuy nhiên, việc chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng có nghĩa chúng tôi tin là mình làm được. Trước giờ chúng tôi vẫn làm được những gì đã hứa. 

Đối với giá gạo, chúng tôi tập trung làm sản phẩm cao cấp, không đi vào sản phẩm phổ thông. Do vậy, biến động của giá gạo có thể ảnh hưởng ít nhiều nhưng không phải trọng yếu.

Kế hoạch tăng vốn công ty mẹ và thoái vốn công ty thành viên thế nào?

Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: Chúng tôi chỉ tăng vốn ở công ty mẹ khi có kế hoạch dùng tiền hiệu quả và nhìn thấy cơ hội đầu tư mới.

Còn đối với việc thoái vốn công ty thành viên, ông Hưng cho biết sẽ thoái vốn nếu có cơ hội phù hợp và có kế hoạch dùng tiền sau khi thoái vốn đầu tư cho việc khác hiệu quả hơn. Đối với chúng tôi, khi sáp nhập một doanh nghiệp vào tập đoàn đều muốn phát triển doanh nghiệp đó tốt hơn, phù hợp với hệ sinh thái chung của tập đoàn. Khi chúng tôi cảm thấy không thể phát triển doanh nghiệp đó tốt hơn nữa trong khi có đối tác khác có thể làm được điều này thì chúng tôi sẽ nghiên cứu chuyện thoái bớt vốn.

Ngoài yếu tố quan trọng nhất là hiệu quả lợi nhuận từ việc đầu tư thì yếu tố quan trọng khác là doanh nghiệp phải phát triển bền vững, tạo được công ăn việc làm cho người lao động.

Tôi nghĩ đây là điều vô cùng quan trọng bởi người nông dân, những người làm nghề chế biến thực phẩm rất nhạy cảm với những biến động. Việc phát triển bền vững tạo công ăn việc làm cho người lao động là điều quan trọng không kém lợi nhuận. Nếu tìm được các đối tác phù hợp thì chúng tôi sẵn sàng thoái bớt vốn hoặc nhường lại quyền điều hành để họ phát triển doanh nghiệp thành viên tốt hơn. 

 

Làm sao để cổ phiếu PAN được biết đến rộng rãi hơn?

Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: Hy vọng giá cổ phiếu năm 2025 tốt hơn, khi người ta hết quan tâm đến những thứ rủi ro thì đến lúc nào đó thế giới quay lại quan tâm đến những thứ gì đó liên quan sát sườn đến đời sống như an ninh lương thực, nguồn nước và đây là cơ hội của PAN trong thời gian tới. 

Giá cổ phiếu do thị trường quyết định, ban lãnh đạo không thể quyết định. Chúng tôi hy vọng năm nay có nhiều chuyển biến tốt với giá cổ phiếu PAN trong thời gian tới.

Doanh nghiệp chia sẻ kế hoạch M&A trong thời gian tới?

Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: Công ty mẹ không M&A nhiều nhưng các công ty thành viên vẫn luôn mở rộng các thương vụ M&A. Tôi nghĩ không ai nói trước rằng mình sẽ M&A công ty nào mà nếu có nói ra tôi sợ cũng không thực hiện được. Do đó, khi nào có thương vụ cụ thể, chúng tôi sẽ trình sau. 

Việc tìm kiếm đối tác chiến lược thế nào? 

Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: Việc tìm kiếm đối tác chiến lược năm nào cũng làm. Đến giờ phút này các đối tác chiến lược khi vào PAN đều rất chuyên nghiệp và đàng hoàng. 

CP Food có hỗ trợ phân phối sản phẩm cho FMC, ABT không?

Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: Chúng tôi chưa dùng đến hệ thống phân phối của CP. Tôi nghĩ hợp tác quan trọng nhất là chia sẻ lợi ích và PAN có nhiều công việc khác hợp tác với CP. Đồng thời tập đoàn cũng có nhiều kênh phân phối khác vẫn hiệu quả.

Tiêu chí M&A của PAN là gì?

Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: Chúng tôi xây dựng một tập đoàn nông nghiệp và hy vọng đóng góp nâng tầm nông nghiệp Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp trong hệ sinh thái có chung một giấc mơ thì chúng tôi sẽ cùng nhau làm. Khi chúng tôi nghiên cứu xem một doanh nghiệp có phù hợp để mua lại hay không thì tiêu chí quan trọng nhất là mong muốn của doanh nghiệp đó có giống chúng tôi không? Mô hình doanh nghiệp đó có phù hợp với tập đoàn hay không? Trong trường hợp họ nói một đằng nhưng làm một nẻo thì chúng tôi phải kiểm soát thế nào? 

Trong thực tế, đã có nhiều thương vụ chúng tôi đã đi đến bước đàm phán rất sâu nhưng cuối cùng chúng tôi đã từ chối mua lại.

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Tài chính Doanh nghiệp 23/04/2025 16:47
Ông Nguyễn Duy Hưng: PAN không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách thuế của Mỹ

Ông Nguyễn Duy Hưng Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn PAN cho biết công ty không chịu ảnh hưởng nhiều bởi chính sách thuế quan của Mỹ và tỷ trọng doanh thu từ thị trường này cũng nhỏ.

Tài chính Doanh nghiệp 23/04/2025 15:55
[Cập nhật] KQKD quý I: Lợi nhuận nhóm chăn nuôi, dược phẩm, hoá chất, phân bón khởi sắc

Theo dữ liệu của Wichart, tính tới sáng 23/4 đã có khoảng 470 doanh nghiệp trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCoM) công bố báo cáo tài chính quý I.

Tài chính Doanh nghiệp 23/04/2025 15:28
Chủ tịch BSR: Đang kiến nghị PVN thoái vốn để tránh rủi ro huỷ niêm yết, muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược

Lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết trong giai đoạn tới, công ty sẽ đi làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư có tiềm năng về dầu thô, tài chính để mời tham gia vừa đầu tư, thu xếp tài chính vừa cung cấp dầu thô cho dự án nâng cấp và các dự án khác trong tương lai.

Tài chính Doanh nghiệp 23/04/2025 15:06
ĐHĐCĐ LDG bất thành, cổ đông tham dự chiếm chưa đến 13% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết

Trong năm 2024, LDG ghi nhận mức lỗ kỷ lục hơn 1.500 tỷ, tăng lỗ gần 728 tỷ đồng so với báo cáo tự lập và lỗ lũy kế gần 1.390 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2024.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO