Hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tiếp tục được cải thiện thể hiện ở tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm.
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 10 ước đạt 3,86 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng 9 và 24,26% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 10 tháng 2024, hoạt động xuất khẩu hàng dệt may thu về 36,1 tỷ USD tăng 9,86% so cùng kỳ 2023.
Trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng. Thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may.
Ngoài ra, giá cước vận tải tiếp tục có xu hướng giảm cũng đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may.
VITAS dự báo năm 2024, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023. Trong đó, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất ước đạt 16,7 tỷ USD tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Bước sang năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD.
Thị trường | Kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 2024 (tỷ USD) | Tăng trưởng so với cùng kỳ 2023 |
Mỹ | 16,71 | 12,33% |
Nhật Bản | 4,57 | 6,18% |
EU | 4,3 | 7,66% |
Hàn Quốc | 3,93 | 10,36% |
Trung Quốc | 3,65 | 1,76% |
ASEAN | 2,9 | 4,84% |
Chia sẻ tại buổi họp báo ngày 19/11, ông Vũ Đức Giang, chủ tịch VITAS, cho rằng tăng trưởng của ngành dệt may năm sau vẫn tốt. Các doanh nghiệp đã có đơn hàng cho quý I và đang đàm phán cho đơn hàng của quý II.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết tính đến cuối quý III, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh số bán hàng của các thương hiệu lớn như Nike, Inditex, GAP, H&M và Puma vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, hàng tồn kho tiếp tục xu hướng giảm, trong khi xu hướng doanh thu giữa các thương hiệu lại ghi nhận sự trái chiều.
Về mặt tích cực, Mirae Asset cho rằng mức tồn kho thấp hơn sẽ mang lại nhiều dư địa hơn cho việc bổ sung hàng tồn kho trong tương lai.
Tuy nhiên, mặt còn lại, một số thương hiệu gần đây đã chứng kiến số liệu doanh thu yếu hơn, đây có thể là dấu hiệu của quan điểm thận trọng về nhu cầu trong tương lai và sự do dự về việc tăng mức hàng tồn kho.
Nhiều doanh nghiệp dệt may báo kết quả kinh doanh trong quý III tăng trưởng nhờ tình hình xuất khẩu khả quan, thậm chí có đơn vị đã nhận đủ đơn hàng đến cuối năm và tự tin hoàn thành các kế hoạch đặt ra.
Điển hình như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – Mã: VGT) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 230 tỷ trong quý III, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng của Vinatex đến từ việc đơn hàng tăng cao trong thời gian gần đây khi tình hình chính trị bất ổn diễn ra tại các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn như Bangladesh và Myanmar.
Tương tự, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) ghi nhận hơn 11 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 63% so với cùng kỳ. Kết quả này có được từ việc công ty việc tập trung khai thác các dòng hàng khó, phức tạp cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu.
Trong cuộc trao đổi giữa lãnh đạo công ty và Chứng khoán BIDV (BSC) hồi tháng 9, TNG cho biết, công ty tự tin có thể hoàn thành các kế hoạch kinh doanh đặt ra. Lượng đơn hàng của TNG đã được lấp đầy công suất đến hết năm 2024 nhờ các khách hàng quen thuộc như Decathlon, Asmara, Haddad, Sportmaster.
Mặc dù có những tín hiệu khả quan cho năm sau, ngành dệt may hiện đang còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Chủ tịch VITAS cho biết các doanh nghiệp hiện ít có cơ hội tiếp cận với những đơn hàng lớn, chủ yếu phải nhận những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh và yêu cầu khắt khe.
“Có một nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới yêu cầu các doanh nghiệp dệt may phải chịu trách nhiệm tới cùng chất lượng. Nếu người tiêu dùng nếu phát hiện chất lượng sản phẩm không ổn định, họ sẽ trả lại cho cửa hàng. Sau đó, cửa hàng sẽ phản hồi với nhà máy cung ứng. Nếu tỷ lệ phản hồi xấu này vượt quá mức cho phép, nhãn hàng sẽ dừng hợp tác với các doanh nghiệp dệt may. Điều này tạo ra áp lực rất lớn”, ông Giang nói.
Bên cạnh đó, các nhãn hàng đàm phán nhanh nhưng thay đổi quyết định cũng nhanh.
“Hôm nay đơn hàng có thể đã đàm phán xong xuôi nhưng ngày mai sức tiêu thụ chỉ cần chững lại trong 1 - 2 tuần thì họ cũng sẵn sàng tạm dừng đơn hàng. Do đó, ngành dệt may đang đứng trước áp lực về tính ổn định đơn hàng”, ông nói.
Thách thức thứ hai mà ngành dệt may phải đối mặt chính là đơn giá không tăng. Số liệu của VITAS cho thấy đơn giá xuất khẩu xơ, sợi trung bình của Việt Nam qua các tháng trong năm 2024 vẫn giảm so với mức nền thấp của năm 2023. Cá biệt như tháng 2, đơn giá trung bình khoảng 2.433 USD/tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Đơn giá không thể tăng. Mặc dù vậy, ngành vẫn tăng trưởng được là nhờ công nghệ giúp cắt giảm giá thành sản xuất”, ông Giang cho biết.
Thách thức cuối cùng liên quan đến việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất bởi hiện tại, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang đòi hỏi yêu cầu xuất xứ từ sợi, vải trở đi. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu khá nhiều xơ sợi và vải, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Đơn cử như mặt hàng sợi, trong 9 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu gần 584.000 tấn, trong đó, Trung Quốc chiếm 69% tỷ trọng.
Dự kiến, lượng nhập khẩu nguyên, phụ liệu, vải, sợi...phục vụ cho dệt may năm 2024 khoảng 25 tỷ USD, tăng so mức khoảng 21,8 tỷ USD của năm 2023.
Các chuyên gia của Mirae Asset cho rằng rủi ro ngắn hạn tác động đến nhu cầu ngành dệt may trong thời gian còn lại của năm 2024 và 2025 là tình hình địa chính trị phức tạp. Xung đột địa chính trị không có dấu hiệu hạ nhiệt với các động thái quân sự gần đây của Triều Tiên và Israel, mang lại rủi ro lớn cho kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây có thể làm giảm tiêu thụ các sản phẩm dệt may của Trung Quốc tại các thị trường trọng điểm, dẫn đến nhu cầu sợi tại Trung Quốc thấp hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu sợi của Việt Nam.
Còn đối với rủi ro dài hạn, Mirae Asset nhận định cùng với dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, các công ty dệt may có thể chịu áp lực từ chi phí lao động tăng. Ngoài ra, hiện nay, người lao động Việt Nam dễ dàng tìm kiếm việc làm ở nước ngoài hơn, làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về tiền lương trong nước.
Giá lúa gạo hôm nay (19/11) tiếp tục tăng từ 50 – 200 đồng/kg so với ngày hôm qua, trong đó Đài Thơm 8 tăng ngày thứ hai liên tiếp lên mốc 8.600 - 8.800 đồng/kg. USDA dự báo thương mại gạo toàn cầu sẽ đạt kỷ lục mới vào năm 2025 sau khi Ấn Độ trở lại thị trường.
Giá cao su hôm nay (19/11) phục hồi nhẹ trở lại trên một số sàn giao dịch do được hỗ trợ bởi đà tăng của giá dầu thô, đồng yen suy yếu và lo ngại nguồn cung gián đoạn tại Thái Lan. Tại trong nước, Công ty Cao su Phú Riềng tiếp tục điều chỉnh giảm giá thu mua ngày thứ hai liên tiếp.
Ba ngân hàng Phố Wall đang có quan điểm khác nhau về quỹ đạo của vàng trong năm 2025. Điều này cho thấy triển vọng kinh tế năm tới có thể sẽ rất phức tạp và khó đoán.
Theo nhận định của chuyên gia giá heo hơi dịp Tết Ất Tỵ có thể không tăng quá mạnh, trừ trường hợp dịch bệnh xảy ra. Nguyên nhân là lượng đàn heo nái không bị ảnh hưởng nhiều bởi bão Yagi, đảm bảo con giống cho tái đàn.