Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 14,1 triệu lượt, tăng 41% so với cùng kỳ. Về du lịch nội địa, lượng khách đạt 100,5 triệu lượt.
Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng khách du lịch, cùng với thị trường hàng không sôi động trở lại, nhiều hãng hàng không và các công ty cung cấp hạ tầng, dịch vụ có liên quan ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý III.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - Mã: HVN) ghi nhận doanh thu thuần quý III tăng 13% so với cùng kỳ lên 26.600 tỷ đồng nhờ thị trường hàng không sôi động trở lại. Bên cạnh đó, hãng cũng tích cực mở thêm các đường bay mới.
Trong kỳ, hãng đã tiết giảm đáng kể các chi phí hoạt động, đặc biệt là ghi nhận khoản lãi lớn từ chênh lệch tỷ giá. Điều này giúp doanh nghiệp báo lãi sau thuế 862 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2.203 tỷ đồng.
Sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường hàng không cũng là động lực giúp CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air - Mã: VJC) ghi kết quả kinh doanh khả quan trong quý vừa qua.
Cụ thể, doanh thu thuần Vietjet Air tăng 28% lên 18.164 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt gần 571 tỷ đồng, gấp 7,6 lần so với quý III/2023.
Dù có doanh thu tăng trưởng trong quý III nhưng lợi nhuận sau thuế của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) giảm 15% xuống 2.339 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá. Với kết quả trên, “ông trùm” trong chuỗi cung cấp dịch vụ và hạ tầng hàng không đã đứt chuỗi 7 quý tăng trưởng liên tiếp.
Trái ngược với ACV, CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) đã có một quý “thăng hoa”. Cụ thể, công ty báo lãi sau thuế tăng 45% so với cùng kỳ lên 186 tỷ đồng.
SCS cho biết, kết quả kinh doanh được cải thiện nhờ sản lượng công ty trong quý III tăng 42% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng quốc tế tăng 51%, quốc nội tăng 16% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ tăng 55% so với cùng kỳ nhờ sự gia tăng sản lượng của khách hàng mới và khách hàng hiện hữu.
Tương tự, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - Mã: SAS) báo lãi cao kỷ lục với 180 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Theo Sasco, lợi nhuận tăng trưởng nhờ tình hình kinh doanh được khôi phục bình thường và kiểm soát tốt chi phí đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra còn có đóng góp tăng từ cổ tức ở các đơn vị thành viên và ít phát sinh chi phí hỗ trợ bán hàng như năm trước.
Quý này, loạt doanh nghiệp phụ trợ cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng như CTCP Dịch vụ Hàng hoá Nội Bài (Mã: NCT), CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã: AST)…
Mới đây, Vietnam Airlines cho biết đã lên kế hoạch tăng cường chuyến bay cho nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán. Hãng dự kiến thuê thêm 4 tàu bay Airbus A320/A321, trong đó có 2 tàu thuê ướt (bao gồm tổ bay).
Mỗi tàu bay dự kiến khai thác 180 chuyến trong dịp cao điểm Tết 2025, nếu thuê 2 tàu sẽ có thêm 64.800 chỗ, còn thuê 4 tàu sẽ thêm 129.600 chỗ cho thị trường. Hãng kỳ vọng sớm hợp tác với các đối tác cung cấp dịch vụ.
Ngoài thuê tàu bay, Vietnam Airlines cũng vừa gửi đề xuất cho các nhà sản xuất để mua thêm 50 máy bay thân hẹp trong năm tới. Năm ngoái, hãng hàng không này đã ký thỏa thuận tạm thời với Boeing để mua 50 máy bay 737 MAX nhưng thương vụ vẫn chưa hoàn tất, thông tin từ Reuters.
"Tại Việt Nam, chúng tôi phải trải qua quá trình đấu thầu cho tất cả các hãng. Vì vậy, cánh cửa vẫn đang rộng mở cho các nhà sản xuất máy bay" , ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Việt Nam Airlines chia sẻ. Đồng thời, ông Hà cũng cho biết Boeing đã gửi một lời đề nghị tốt cho công ty.
Với chiến lược phát triển đội tàu bay, hồi tháng 7, Vietjet và Airbus đã ký kết hợp đồng đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo với tổng trị giá 7,4 tỉ USD.
Trong tháng 10, Vietjet cho biết đã tiếp nhận 3 tàu bay mới và sẽ tiếp tục nhận những tàu bay mới, thân thiện với môi trường trong quý IV năm nay.
Tại Hội nghị sơ kết công tác vận tải hàng không 6 tháng đầu năm, Cục Hàng không Việt Nam dự báo tổng thị trường vận tải hàng không năm 2024 sẽ đạt khoảng 78,3 triệu hành khách và 1,21 triệu tấn hàng hóa, tăng lần lượt 7,7% về số lượng hành khách và 13,4% về lượng hàng hóa so với năm 2023, tương đương với các mức sản lượng năm 2019.
Becamex IDC dự kiến dùng 19 thửa đất tại Bình Dương làm tài sản cho lô trái phiếu.
5 năm trở lại đây, Gelex chưa có năm nào báo lỗ. Quy mô của Gelex cũng được gia tăng mạnh mẽ, trở thành một trong 30 công ty có doanh thu lớn nhất trên sàn chứng khoán.
10 tháng đầu năm nay, Biwase lãi sau thuế 508 tỷ đồng, thực hiện được 73% kế hoạch năm đặt ra.
Năm 2025, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đặt ra hai kế hoạch doanh thu, tương ứng với kịch bản giá dầu ở mức bình quân 70 USD/thùng và 75 USD/thùng.