Sáng ngày 18/5, tại Hà Nội, hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được tổ chức. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời một số kiến nghị từ đại biểu doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời câu hỏi của đại biểu doanh nghiệp. (Ảnh chụp màn hình).
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco, cho biết Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò của kinh tế tư nhân (KTTN) như một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia.
Ông cho rằng đây là một sự thay đổi mang tính chiến lược, đột phá với tầm nhìn bao trùm, nhận định đúng về vị trí của KTTN trong nền kinh tế, đồng thời xóa bỏ triệt để các định kiến về loại hình kinh tế này.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco đánh giá Nghị định 68 là thay đổi mang tính chiến lược. (Ảnh chụp màn hình).
Chủ tịch Geleximco nói: "Chúng tôi khẳng định đây là một cuộc cách mạng toàn diện về việc giải phóng lực lượng sản xuất." Ông Tiền cũng bày tỏ sự vui mừng khi Nghị quyết 68 được coi là "nắng hạn gặp mưa rào" cho doanh nghiệp tư nhân sau nhiều năm chờ đợi.
Về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Vũ Văn Tiền đã đưa ra kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần có một bộ phận hoặc tổ chức giám sát việc thực thi nghị quyết, cũng như đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, tuân thủ và hiệu quả thực thi của các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, ông cho rằng cần có một cơ quan độc lập để tiếp nhận phản ánh từ doanh nghiệp, giúp Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ kịp thời giải quyết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát quá trình thực hiện, tổng kết lại những gì đã làm tốt và khắc phục những vấn đề còn tồn tại.
Ông nhấn mạnh, trước đây tất cả các dự án đều phải đấu thầu, nhưng nay Chính phủ đã giao quyền cho doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện cam kết và đảm bảo kết quả cụ thể.
Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã nêu câu hỏi về việc số hóa quy trình trong hệ thống pháp luật, giúp doanh nghiệp dễ dàng tra cứu tiến độ giải quyết pháp lý.
Đại diện Hội Doanh nhân trẻ đặt câu hỏi đến Thủ tướng. (Ảnh chụp màn hình).
Thủ tướng Chính phủ cho biết Bộ Tư pháp đã được giao nhiệm vụ xây dựng cổng pháp lý số để doanh nghiệp và doanh nhân tiếp cận các chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước thuận lợi hơn.
Về vấn đề đất đai và nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng, cho biết hàng triệu doanh nghiệp nhỏ hiện nay đang thiếu đất sản xuất và nguồn vốn.
"Tất cả các khu công nghiệp phải từ 1 ha trở lên mới cho thuê. Trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có 5-7 tỷ đồng tiền vốn nhưng cũng giải quyết cho hàng chục lao động.
Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng, kiến nghị cần thành lập các khu công nghiệp có diện tích 1.000 - 3.000 m2. (Ảnh chụp màn hình).
Do vậy hiện nay hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ không có đất sản xuất. Trong khi đó để thuê được 1 ha cũng mất đến 30 tỷ đồng thì doanh nghiệp không đủ tiền.", ông Vương Quốc Toàn nói.
Chủ tịch Lan Hưng đề xuất cần thành lập các khu công nghiệp có diện tích từ 1.000 - 3.000 m2 để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, đồng thời có đủ các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy và môi trường.
Thủ tướng Chính phủ đã tiếp thu ý kiến này và cho biết tại nghị quyết đã nêu rõ sẽ dành 20% diện tích trong các khu công nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông cũng cho biết sau khi có Nghị quyết 198 của Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể hóa thành các nghị định và có chính sách ưu tiên tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ thông qua các ngân hàng.
Trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa và quyết liệt tổ chức triến khai thực hiện các nhiệm vụ.
Thủ tướng nhấn mạnh, muốn doanh nghiệp lớn lên thì phải có cơ chế chính sách để "nuôi dưỡng, chăm sóc" để làm sao doanh nghiệp lớn thì trở thành DN toàn cầu, DN nhỏ và vừa vươn lên thành doanh nghiệp lớn.
Tính đến ngày 16/5, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với 13 nước, gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Malaysia, New Zealand, Indonesia, Singapore và Thái Lan.
Trung Quốc, Nhật Bản, Đức vẫn dùng ngân sách chính phủ là nguồn vốn chính khi làm đường sắt cao tốc, dù nhiều dự án hợp tác công - tư đã thành công.