Sáng 22/4, Bộ Tài chính đã tổ chức Diễn đàn Đầu tư Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2025. Tại Diễn đàn,Tổ chức Phát triển Đầu tư Vốn Tư nhân Việt Nam (VPCA), Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) cũng công bố Báo cáo “Đầu tư Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Vốn Tư nhân Việt Nam 2025”.
Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra tại báo cáo này là việc Việt Nam đã hội tụ các yếu tố để bứt phá trong đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Toàn cảnh Diễn đàn Đầu tư Đổi mới Sáng tạo 2025. (Ảnh: H.A).
Báo cáo chỉ ra một tổ hợp các yếu tố thuận lợi hiếm có của Việt Nam, bao gồm: Tăng trưởng GDP thực đạt trên 7%, cao hơn phần lớn các nền kinh tế châu Á; 25 tỷ USD vốn FDI được giải ngân trong năm 2024 – tăng 9% so với cùng kỳ; Tầng lớp trung lưu dự kiến chiếm 46% dân số vào năm 2030 và kinh tế số hiện đóng góp 18,3% GDP, hướng tới 35% vào năm 2030.
“Việt Nam đã chuyển mình từ một thị trường tiềm năng thành một quốc gia sẵn sàng bứt phá. Đây là thập kỷ định hình tương lai của Việt Nam. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, Việt Nam nổi lên như một điểm đến cho tăng trưởng bền vững, đổi mới sáng tạo từ gốc và chính sách tiên phong", bà Lê Hoàng Uyên Vy, Chủ tịch VPCA kiêm Giám đốc Điều hành Do Ventures chia sẻ.
Bà cũng cho biết, đổi mới sáng tạo và vốn tư nhân sẽ là động lực cho mục tiêu đạt được nền kinh tế 1.100 tỷ USD vào năm 2035. "Dòng vốn đã sẵn sàng, thời điểm là bây giờ”, bà Uyên nói.
Chính phủ Việt Nam đã hoạch định một lộ trình chuyển đổi kinh tế đầy tham vọng, với Quy hoạch Tổng thể Quốc gia 2021–2030 và Nghị quyết số 57, tập trung vào các trụ cột kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ cao.
Từ cải cách thị trường vốn đến định hướng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khung pháp lý cho công nghệ chuỗi khối, hạ tầng tài chính Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Những cải cách này tạo điều kiện thuận lợi cho các lối thoát vốn minh bạch hơn, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài và hướng tới xếp hạng tín nhiệm đầu tư trong tương lai gần.
Song song đó, Việt Nam đang trong chu kỳ đầu tư hạ tầng quy mô lớn với gần 500 tỷ USD vốn FDI đang được triển khai, bao gồm các dự án chiến lược từ Samsung, Intel, Lego và Foxconn. Việt Nam không chỉ là công xưởng sản xuất – mà đang trở thành một mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đáng chú ý, mặc dù tổng giá trị vốn tư nhân giảm 35%, mức độ tham gia của nhà đầu tư vẫn rất tích cực. Trong năm 2024 đã có gần 150 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, chủ yếu đến từ Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. Các thương vụ dưới 500.000 USD tăng 73%, cho thấy sức bật trở lại của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Các thương vụ mua lại (buyout) chiếm 1,7 tỷ USD trong hoạt động PE, phản ánh xu hướng ưu tiên đầu tư vào các nhóm tài sản ổn định, có dòng tiền. Thương vụ quy mô trung bình (100–300 triệu USD) tăng gấp 2,7 lần, cho thấy nhu cầu đầu tư vào các công ty có quy mô lớn, mức độ rủi ro vừa phải, và có sự vững chắc.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nổi lên là điểm nóng của các lĩnh vực công nghệ thế hệ mới: Khi đầu tư vào startup AI tăng gấp 8 lần so với năm trước; đầu tư vào AgriTech tăng gấp 9 lần nhờ nhu cầu về an ninh lương thực và chuỗi cung ứng số và lượng thương vụ GreenTech tăng hơn gấp đôi, được thúc đẩy bởi ESG.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm. (Ảnh: H.A).
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết,Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ nhất, Việt Nam có nền chính trị ổn định và quyết tâm mạnh mẽ từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến.
Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Chỉ đạo. Đảng, Chính phủ nhận thức rõ, Việt Nam hiện đứng ở một thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế số, kinh tế xanh và bền vững.
Thứ hai, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng” có nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, khát vọng cống hiến, khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ và STEM, là nguồn nhân lực và thị trường đầy tiềm năng cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang đặt yêu cầu cao về chuyển đổi số toàn diện trong mọi ngành, lĩnh vực.
Thứ ba, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp toàn diện với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế theo phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”.
Thứ tư, Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt đã được ban hành như Nghị quyết 193 về chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Nghị định số 182 của Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư.
"Chính phủ cũng đang tiếp tục sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học, công nghệ, đầu tư để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, Thứ trưởng Tâm cho hay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng các chính sách hỗ trợ về tài khóa đối với doanh nghiệp, người lao động, đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Mỹ.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng đàm phán theo các đề nghị của Mỹ để thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, bền vững.
Toàn quốc sẽ áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã) sau khi giải thể cấp huyện từ 1/7 theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Chính phủ.