(Ảnh minh họa: Reuters).
Sự mơ hồ về chính sách thương mại của Mỹ đã dẫn đến cuộc tháo chạy khỏi đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ trong những tuần gần đây. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số USD đã giảm hơn 9%. Các nhà quan sát thị trường dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp diễn.
Theo Khảo sát các nhà quản lý quỹ toàn cầu mới nhất của Bank of America, có tới hơn 80% người tham gia dự kiến USD sẽ giảm trong vòng 12 tháng tới. Đây là dự báo bi quan nhất của các nhà đầu tư lớn trong gần 20 năm.
Sự suy yếu của đồng bạc xanh đã dẫn đến việc một số tiền tệ khác tăng giá so với đồng tiền này, đặc biệt là những đồng tiền được coi là an toàn như yen, euro và franc Thụy Sĩ.
Kể từ đầu năm đến nay, đồng yen của Nhật Bản đã mạnh lên hơn 10% so với USD. Mức tăng của euro và franc Thụy Sĩ so với USD vào khoảng 11%, theo dữ liệu của LSEG.
Ngoài ra, một số đồng tiền khác cũng mạnh lên so với USD là peso Mexcio, đô-la Canada và zloty của Ba Lan. Mức tăng của các đồng tiền này lần lượt là 5,5%, hơn 4% và hơn 9%. Đáng chú ý, ruble của Nga tăng hơn 22% so với đồng bạc xanh.
Trái lại, tiền tệ của một số thị trường mới nổi lại suy yếu so với đồng bạc xanh. Trong tháng 4, có lúc rupiah của Indonesia đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử so với USD.
Lira của Thổ Nhĩ Kỳ cũng thiết lập kỷ lục buồn tương tự vào tuần vừa qua. Nhân dân tệ của Trung Quốc rơi xuống mức thấp kỷ lục so với USD gần hai tuần trước nhưng kể từ đó đã phục hồi.
Các nhà phân tích nói với CNBC rằng đồng USD suy yếu là tin tốt với các chính phủ và ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, trừ một số ngoại lệ.
Ông Adam Button, trưởng chuyên gia phân tích ngoại hối tại ForexLive, nhận xét: “Hầu hết các ngân hàng trung ương sẽ mừng rỡ khi thấy USD giảm giá 10 - 20%”.
Đồng USD suy yếu và đồng nội tệ mạnh lên có xu hướng giúp hàng hóa nhập khẩu rẻ đi, làm giảm áp lực lạm phát và tạo ra dư địa để ngân hàng trung ương hạ lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, ông Thomas Rupf, Giám đốc đầu tư châu Á của VP Bank, lưu ý rằng đà tăng giá của đồng nội tệ có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ các nước châu Á, đặc biệt là theo chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Ông Nick Rees, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại Monex Europe, đánh giá rằng các thị trường mới nổi, đặc biệt là tại châu Á, sẽ cân nhắc nhiều hơn về phương án phá giá tiền tệ. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương tại những nước này cần hành động thận trọng để tránh nguy cơ dòng vốn tháo chạy và những rủi ro khác.
Ông Wael Makerem, chiến lược gia trưởng về các thị trường tài chính tại Exness, cảnh báo: “Các thị trường mới nổi đối mặt với lạm phát cao, nợ lớn và rủi ro dòng vốn tháo chạy, do đó phá giá tiền tệ là việc cực kỳ nguy hiểm”.
Thêm nữa, chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể coi việc một nước phá giá đồng tiền là hành vi gian lận thương mại và thực hiện động thái trả đũa.
Theo ông Alex Muscatelli, Giám đốc kinh tế học của Fitch Ratings, bối cảnh hiện tại khiến một số nước có nhiều khả năng giảm lãi suất hơn những nước khác.
Ví dụ, ông dự đoán ngân hàng trung ương Indonesia ít có khả năng giảm mạnh lãi suất do biến động gần đây của đồng rupiah nhưng Hàn Quốc và Ấn Độ có thể có dư địa cắt giảm lãi suất.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tận dụng cơ hội lạm phát hạ nhiệt để giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp tháng 4. Hôm 17/4, ECB cho biết: “Hầu hết các thước đo cơ bản đều cho thấy lạm phát sẽ quay về mức mục tiêu trung hạn 2% của Hội đồng Thống đốc một cách bền vững”.
Một ví dụ khác là Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, nơi đã phải vật lộn với đồng franc mạnh trong suốt 15 năm qua. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp hơn 75% GDP Thụy Sĩ và đồng franc mạnh mẽ khiến hàng hóa nước này trở nên đắt đỏ hơn ở nước ngoài.
Nhà phân tích Button của ForexLive bình luận: “Nếu vốn tiếp tục đổ vào, Thụy Sĩ có thể phải thực hiện các biện pháp quyết liệt để phá giá tiền tệ”. Các nhà đầu tư thường đổ xô vào đồng franc Thụy Sĩ trong những giai đoạn thị trường biến động mạnh như những tuần gần đây.
Ông Brendan McKenna, chuyên gia ngoại hối của Wells Fargo, nhận định rủi ro lạm phát gia tăng vì sự mất giá của đồng nội tệ và thuế quan của Mỹ nhiều khả năng sẽ khiến các ngân hàng trung ương ngần ngại chủ động phá giá tiền tệ.
Ngoài ra, quyết định phá giá tiền tệ của một nước còn phụ thuộc vào những yếu tố khác, bao gồm quy mô dự trữ ngoại hối, rủi ro gắn với nợ ngước ngoài, cán cân thương mại và mức độ nhạy cảm với lạm phát nhập khẩu.
Ông McKenna chỉ ra: “Những nền kinh tế có định hướng xuất khẩu sở hữu lượng dự trữ ngoại hối đáng kể và ít phụ thuộc vào nợ nước ngoài sẽ có nhiều khả năng phá giá tiền tệ hơn. Nhưng ngay cả những nước đó cũng sẽ hành động cẩn trọng”.
Nhiều khả năng diễn biến của các cuộc đàm phán thương mại sẽ là yếu tố quyết định lựa chọn của các quốc gia. Ngoại trừ Trung Quốc, một số nước đã bày tỏ thiện chí đàm phán thương mại. Nếu các cuộc đàm phán giúp hạ thuế quan thì rất có thể ngân hàng trung ương tại những nước đó sẽ không theo đuổi chiến lược phá giá tiền tệ.
Ông kết luận: “Hiện tại, có vẻ các ngân hàng trung ương đang nghiêng về phương án tránh gây ra một cuộc chiến tiền tệ làm tăng sự bất ổn của nền kinh tế trong nước và thế giới”.
Trong danh sách thuế quan đối ứng Mỹ công bố ngày 2/4, Ấn Độ bị áp thuế 26%. Mỹ thâm hụt thương mại hàng hoá 45,7 tỷ USD với Ấn Độ trong năm 2024.
Động thái mới của chính quyền ông Trump vừa là cú hích cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời tại Mỹ nhưng cũng là rủi ro cho họ vì nhiều doanh nghiệp đã quen phụ thuộc vào nguồn cung giá rẻ từ nước ngoài.
Các hợp đồng tương lai đang báo hiệu thị trường chứng khoán Nhật Bản và Australia sẽ sụt giảm khi mở cửa phiên giao dịch 22/4.
Warren Buffett nhấn mạnh thị trường càng biến động thì ông càng kiếm được nhiều tiền hơn.