Theo số liệu của Cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6 đạt 117.983 tấn, kim ngạch thu về gần 677,9 triệu USD, tăng mạnh 52,1% về lượng và 92,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp của mặt hàng này.
Kết quả là tổng xuất khẩu cà phê trong quý II vừa qua đã tăng 40,6% về lượng và 95,8% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 451.322 tấn, kim ngạch 2,6 tỷ USD.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Việt nam đã xuất khẩu 947.102 tấn cà phê với kim ngạch đạt 5,4 tỷ USD, tăng 4,5% về lượng và tăng tới 66,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục của ngành cà phê trong 6 tháng đầu năm, gần vượt qua mốc 5,6 tỷ USD của cả năm 2024.
Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ Cục Hải quan Việt Nam
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 khởi sắc nhờ giá cà phê thế giới tăng cao do nguồn cung toàn cầu thắt chặt, trong khi nhu cầu ở các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… phục hồi.
Đồng thời, doanh nghiệp trong nước đã đầu tư nhiều hơn vào công nghệ chế biến và truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, việc tận dụng tốt các FTA như: EVFTA, UKVFTA, CPTPP đã giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong 6 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam tăng tới 59% (2.117 USD/tấn) so với cùng kỳ năm trước, lên mức 5.705 USD/tấn. Tính riêng trong tháng 6, giá xuất khẩu đạt 5.746 USD/tấn, giảm 0,6% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ Cục Hải quan Việt Nam
Về thị trường xuất khẩu, EU tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm, chiếm tới 42,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 409.713 tấn, kim ngạch 2,3 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 84,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024.
Các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam nói chung và trong khối EU nói riêng gồm Đức (chiếm 15,3%), Italy (7,6%) và Tây Ban Nha (7,5%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Đức tăng gấp 2,1 lần, sang Italy tăng 47,4% và Tây Ban Nha tăng 67%
Tương tự, xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ khởi sắc khi các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua vào trước khi thuế quan mới có hiệu lực, đạt 60.598 tấn, trị giá 333,7 triệu USD, tăng 10,9% và tăng 76,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang Algeria và Nam Phi tăng đột biến 88 lần và 16,2 lần so với cùng kỳ, đạt lần lượt 148,3 triệu USD và 13,5 triệu USD. Tương tự, Mexico và Canada cũng tăng từ 3 – 3,5 lần về kim ngạch.
Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ Cục Hải quan Việt Nam
Triển vọng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm được đánh giá là có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm như EU và Mỹ.
Ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tăng thuế quan với hàng hóa từ Brazil nhập khẩu vào Mỹ từ 10% lên 50%, có hiệu lực từ ngày 1/8.
Reuters dẫn các nguồn tin trong ngành cà phê cho biết nếu mức thuế mới được xác nhận và áp dụng vào ngày 1/8, gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu cà phê của Brazil sang Mỹ sẽ bị đình trệ. Đồng thời, Mỹ sẽ khó có thể tìm được nguồn thay thế với khối lượng và mức giá tương đương.
Brazil là quốc gia trồng và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ là khách hàng lớn nhất của nước này và cũng là nước tiêu thụ cà phê nhiều nhất toàn cầu. Trong tổng lượng cà phê mà quốc gia này tiêu thụ, không dưới 33% đến từ Brazil.
Không chỉ Brazil, nguồn cung cà phê lớn thứ 4 thế giới là Indonesia dự kiến sẽ bị áp thuế đối ứng lên đến 32% đối với hàng hóa vào Mỹ. Một số quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu khác như Mexico cũng đang đối mặt với mức thuế 30%, Canada là 35%.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 5 tháng đầu năm, Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng 752.730 tấn cà phê các loại, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là nguồn cung lớn thứ ba cho nước này chỉ sau Brazil và Colombia, chiếm 7,1% thị phần.
Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ ITC
Trong khi đó, việc Ủy ban châu Âu xếp Việt Nam vào nhóm "rủi ro thấp" về phá rừng theo Quy định chống mất rừng (EUDR) cũng mang lại lợi thế không nhỏ cho cà phê Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh chính như Brazil hay Indonesia, những quốc gia được xếp vào nhóm “rủi ro tiêu chuẩn”.
Điều này giúp giảm tần suất kiểm tra lô hàng xuất khẩu xuống chỉ còn 1%, thay vì 3% hoặc 9% đối với các nhóm rủi ro cao hơn.
Trước những biến động trong dòng chảy thương mại cà phê toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị phần trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường cà phê đang đối mặt với những biến động mạnh về giá.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê đã trải qua một đợt điều chỉnh giảm kéo dài suốt hai tháng rưỡi vừa qua. Từ mức đỉnh 135.500 đồng/kg vào tháng 3, giá cà phê tại Tây Nguyên đã giảm xuống còn 89.500–90.300 đồng/kg tính đến ngày 13/7, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2024.
Trên thị trường thế giới, hợp đồng cà phê robusta giao tháng 9/2025 trên sàn London đã giảm tổng cộng 38,8% (2.035 USD/tấn) kể từ đầu tháng 5 đến nay, xuống còn 3.216 USD/tấn – thấp nhất trong 14 tháng qua.
Tương tự, giá arabica hợp đồng tháng 9/2025 cũng giảm 26,9% (106 US cent/pound) trong cùng thời điểm, xuống chỉ còn 286,5 US cent/pound.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, giá cà phê thế giới giảm do nguồn cung dồi dào, được hỗ trợ bởi vụ thu hoạch mới từ Brazil và Indonesia, cùng với xuất khẩu gia tăng mạnh từ Việt Nam – quốc gia sản xuất robusta hàng đầu.
Giá cà phê giảm còn do các nhà đầu cơ trên sàn bán mạnh giữa bối cảnh Mỹ liên tục đưa ra các mức thuế cao với các nước. Ngoài ra, đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền chủ chốt cũng gây áp lực lên giá cà phê.
Tuy vậy, cơ quan này cũng cho rằng lượng cà phê tồn trữ còn lại trong các hộ nông dân chỉ khoảng 10%-15%, tức phần lớn đã được bán ở mức giá cao trước đó.
Về nguồn cung toàn cầu, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2025-2026 sẽ tăng thêm 4,3 triệu bao so với năm trước, lên mức kỷ lục 178,7 triệu bao. Tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến đạt mức đỉnh 169,4 triệu bao. Với dự báo này, thế giới có thể thặng dư 9,3 triệu bao cà phê trong niên vụ tới.
Giá sầu riêng hôm nay (14/7) không có nhiều thay đổi tại các vùng được thu mua chính trên cả nước, dao động ở 20.000 - 80.000 đồng/kg.
Giá lúa gạo hôm nay (14/7) tại thị trường trong nước tăng nhẹ, từ 200 – 300 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu. Trong khi đó, giá gạo châu Á đang ở mức thấp nhất trong 8 năm qua. Nguồn cung toàn cầu đã được cải thiện nhờ thời tiết thuận lợi tại các quốc gia sản xuất chính, khiến giá gạo giảm hơn 40% so với mức đỉnh vào tháng 1 năm ngoái.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 sẽ tiến tới xoá bỏ việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, sẽ cấp phép có điều kiện cho các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại sản xuất vàng miếng.
Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, đã xuất khẩu lượng thép thành phẩm kỷ lục trong quý II/2025, bất chấp loạt biện pháp bảo hộ thương mại từ châu Á đến châu Âu nhằm hạn chế tình trạng dư cung.