Trong thời gian qua, thế giới chứng kiến màn ra mắt của hàng loạt công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, từ công cụ AI tạo nội dung văn bản cho tới mô phỏng giọng nói, sáng tạo hình ảnh từ văn bản...
Trong khi người ta vẫn đặt câu hỏi rằng liệu ChatGPT có thể thay thế Google trong hoạt động tìm kiếm hay không thì rõ ràng AI đã bắt đầu trở nên quen thuộc với đại chúng. Điều này đã hấp dẫn các nhà đầu tư.
Bước tiến mạnh mẽ của AI đã thu hút hàng tỷ đô la từ những nhà đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực này. Dẫn đầu là khoản đầu tư 10 tỷ USD của Microsoft vào OpenAI với mức định giá 80 tỷ USD.
Theo Financial Times, các ông lớn công nghệ đang tỏ ra lấn át các quỹ đầu tư mạo hiểm về những khoản vốn rót cho các startup AI tạo sinh trong năm 2023 - một nỗ lực khẳng định vị thế của các đế chế công nghệ trong cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo.
Theo dữ liệu mới từ công ty nghiên cứu thị trường PitchBook, Microsoft, Google và Amazon đã thực hiện một loạt các thỏa thuận lớn trong năm ngoái, chiếm 2/3 trong tổng số 27 tỷ USD mà các công ty AI non trẻ huy động được.
Tháng 6/2023, công ty khởi nghiệp Inflection đã phát hành chatbot AI có tên là Pi và huy động được 1,3 tỷ USD với mức định giá 4 tỷ USD. Một tháng sau, Hugging Face, đơn vị lưu trữ hàng nghìn mô hình AI nguồn mở, đạt mức định giá 4 tỷ USD.
Tháng 9/2023, Amazon thông báo rằng họ có kế hoạch đầu tư 4 tỷ USD vào đối thủ OpenAI là Anthropic. Công ty này tung ra chatbot đàm thoại Claude 2.0 vào tháng 7 và đang được định giá 18,4 tỷ USD, theo nguồn tin của Forbes.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Theo Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Việt Nam thuộc top đầu Đông Nam Á về mức độ tiếp nhận trí tuệ nhân tạo và ông tự tin vào trình độ kỹ thuật của nhân sự Việt Nam trong lĩnh vực này. Phở GPT được VinAI ra mắt vào tháng 12 năm ngoái được cho là mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở đầu tiên của Đông Nam Á.
"PhởGPT" là dự án nghiên cứu mã nguồn mở về mô hình ngôn ngữ lớn cho riêng tiếng Việt. Mục tiêu của dự án là phát triển các mô hình tương tự như ChatGPT cho tiếng Việt và văn hoá người Việt. Theo giới thiệu, PhởGPT có khả năng hiểu và viết văn phong tiếng Việt. Nguồn dữ liệu huấn luyện cho mô hình đều khả dụng trên internet.
Cũng trong tháng đó, một đơn vị thành viên khác của Vingroup là VinBigdata ra mắt sản phẩm chatbot tiếng Việt - ViGPT, sản phẩm được mô tả là ChatGPT phục vụ cho người dùng cuối Việt Nam, tương đương một sản phẩm dịch vụ cho đối tượng người dùng phổ thông.
Bên cạnh Vingroup, nhiều tên tuổi lớn trong nước cũng không đứng ngoài cuộc. Trong tháng 12/2023, Zalo AI đã cho ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn. Theo giới thiệu, Zalo đang phát triển LLM dựa trên nhiều kích cỡ mô hình khác nhau, từ 1B - 30B tham số. Trong tương lai, Zalo tiếp tục cải tiến mô hình của mình trước khi ra mắt người dùng và cung cấp nền tảng cho các ứng dụng hữu ích như chatbot, chăm sóc khách hàng, trình sáng tạo nội dung...
"Ai nắm được AI và bán dẫn có thể dẫn dắt cuộc chơi công nghệ. FPT sẽ không bỏ lỡ làn sóng ấy", Tổng Giám đốc FPT, Nguyễn Văn Khoa chia sẻ. Theo vị lãnh đạo này, FPT đã bước chân vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, ứng dụng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo từ cách đây một thập kỷ.
Tháng 10/2023, tập đoàn của Chủ tịch Trương Gia Bình cũng nhảy vào cuộc chơi Generative AI (AI tạo sinh) với chiến lược GenAI first và ra mắt nền tảng FPT GenAI dành cho doanh nghiệp. Phía FPT thể hiện quyết tâm đón làn sóng công nghệ mới này ở Việt Nam.
Trước đó, năm 2020, FPT quyết định xây dựng Trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Quy Nhơn với quy mô khoảng 94 ha và tổng mức đầu tư hơn 4.362 tỷ đồng. Tại dự án này, FPT tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ AI tiên tiến.
Cách đây vài năm, khi nhắc tới trí tuệ nhân tạo, nhiều người sẽ liên tưởng tới những siêu máy tính có khả năng phân tích hàng triệu thông tin chỉ trong vài giây hay hình ảnh được xây dựng nhiều nhất trong các bộ phim bom tấn là siêu robot huỷ diệt.
Tuy nhiên, AI đã và đang thâm nhập vào hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống theo một cách rất khác. Từ cuộc trò chuyện, tán gẫu ở quán cà phê cho tới những cuộc họp căng thẳng trong trường học, công sở, từ khoá "ChatGPT" được chọn để đại diện cho làn sóng bùng nổ của AI tạo sinh với khả năng sản xuất nội dung, tạo hình ảnh theo yêu cầu...
Theo Forbes, các giáo viên lo lắng rằng học sinh sẽ sử dụng ChatGPT để gian lận trong bài tập và công cụ này đã bị cấm ở một số trường học tại Mỹ; bác sĩ và bệnh viện bắt đầu sử dụng các công cụ AI để ghi chú, lên lịch và thậm chí là chẩn đoán bệnh.
Trong khi một số ứng cử viên chính trị bắt đầu triển khai AI trong các chiến dịch của họ để tương tác với các cử tri tiềm năng, thì những người khác lại sử dụng các công cụ AI tổng quát để tạo ra những tin tức chống lại đối thủ.
Ngoài những ứng dụng thực tế vào cuộc sống, nội dung do AI tạo ra tràn ngập internet, làm dấy lên mối lo ngại về việc khai thác các công cụ AI có sẵn, miễn phí để tạo ra nội dung độc hại. Đơn cử, những câu chuyện tin tức giả mạo được tạo bằng AI tổng quát đã lan truyền trên TikTok và YouTube hay nội dung khiêu dâm, giả mạo người nổi tiếng do AI tạo ra lan truyền trên Reddit và Facebook.
Regina Barzila, Giáo sư kỹ thuật điện và khoa học máy tính tại MIT CSAIL cho biết: “Vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải quyết. Cần có các công cụ xác định sản phẩm do AI tạo ra và giúp chúng ta ở vị trí an toàn hơn nhiều so với tình trạng hiện nay".
Năm 2023, các công ty khởi nghiệp AI hàng đầu như OpenAI, Stability AI và Anthropic đã vấp phải làn sóng kiện cáo vi phạm bản quyền của các nghệ sĩ, nhà văn và lập trình viên. Họ tuyên bố rằng những công cụ này được xây dựng trên các tập dữ liệu khổng lồ sử dụng nội dung có bản quyền của họ mà không có sự đồng ý hay được trả tiền.
Chuyên gia pháp lý Edward Klaris dự đoán những vụ kiện tập thể này sẽ tạo cơ hội cho các quy định giám sát việc sử dụng AI vào năm 2024. “Trước việc các thương vụ đầu tư AI đang diễn ra mạnh mẽ, một số người khó chịu vì sản phẩm, công sức của họ bị thu thập để đào tạo AI. Do đó, họ muốn nội dung của mình phải được trả tiền”, vị này nói.
Trong khoảng thời gian chuyển giao sang năm mới 2024, tờ New York Times đã kiện OpenAI và Microsoft vì vi phạm bản quyền, cáo buộc rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo của các công ty này đã sao chép trái phép hàng triệu bài báo của tờ này để đào tạo ChatGPT.
Sau khi Liên minh Châu Âu tìm cách thúc đẩy Đạo luật AI của EU, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh hành pháp yêu cầu các công ty khởi nghiệp đang phát triển các mô hình AI lớn phải tiết lộ chúng cho chính phủ. Điều này khiến các công ty khởi nghiệp lo ngại rằng có thể cản trở tốc độ đổi mới.
Tuy vậy, CEO Hugging Face, Clement Delangue vẫn bày tỏ lạc quan: “Các mô hình ngôn ngữ lớn với mã nguồn mở sẽ đạt đến cấp độ của các mô hình mã nguồn đóng vào năm 2024”.
Ông Delangue cho rằng năm 2024 sẽ tập trung đi tìm lời giải cho bài toán kinh tế của AI, đặc biệt là về cách các công ty khởi nghiệp AI này sẽ quản lý để đạt được tỷ suất lợi nhuận và kiếm tiền cho các nhà đầu tư của họ.
Do phải phụ thuộc vào GPU của những gã khổng lồ bán dẫn như Nvidia và AMD, hầu hết các mô hình AI ngày càng tốn kém và có lượng khí thải carbon cao vì chúng cần được đào tạo về lượng dữ liệu khổng lồ.
CEO Hugging Face nói: “Vào năm 2024, hầu hết các công ty sẽ nhận ra rằng các mô hình nhỏ hơn, rẻ hơn, chuyên dụng hơn sẽ có ý nghĩa hơn đối với 99% trường hợp sử dụng AI”.
Từ nay đến tháng 6/2025, TP HCM dự kiến sẽ tổ chức đấu giá ba lô đất ký hiệu 1-2, 1-3, 3-5 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Diện tích tối thiểu sau khi tách thửa tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 80 m2, riêng các khu vực thuộc phường, thị trấn và huyện Côn Đảo là 60 m2.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, để giải quyết những vướng mắc khi áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024, các địa phương cần phải tập trung chỉ đạo để hoàn thiện các văn bản thuộc thẩm quyền; đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đối với đối tượng áp dụng,...
VNG từ một quán game trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam, chạm mốc định giá 1 tỷ USD.