Giới hoạch định chính sách trên khắp các thị trường mới nổi tại châu Á đang phải vận dụng nhiều công cụ hơn để chống lại đà tăng không ngừng nghỉ của đồng USD, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể áp thuế quan lên hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ.
Indonesia đã phải thường xuyên can thiệp để kiềm chế sự suy yếu của đồng rupiah. Gần đây, các nhà hoạch định chính sách nước này còn yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá công nghiệp, nguyên liệu thô mang toàn bộ thu nhập ở nước ngoài trở về quê nhà.
Trong khi đó, Hàn Quốc phải bán trái phiếu đồng won để bổ sung vào kho bạc nhằm bảo vệ tỷ giá hối đoái. Đây là lần đầu tiên trong 21 năm qua Hàn Quốc phải dùng đến biện pháp này, theo Bloomberg.
Đồng USD mạnh lên chưa từng thấy, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao và thị trường tài chính bất an trước khả năng Nhà Trắng áp đặt thuế quan trừng phạt đã khiến giới chức tại các thị trường đang phát triển rơi vào thế khó.
Các thị trường đó không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua hạ lãi suất vì lo sợ gây ảnh hưởng xấu đến đồng nội tệ và các biện pháp can thiệp ngoại hối mạnh mẽ có nguy cơ làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối của họ.
Chia sẻ với Bloomberg, CIO Stefanie Holtze-Jen của Deutsche Bank khu vực châu Á - Thái Bình Dương đánh giá: “Đây là một tình huống khó khăn mà họ cần phải hành động cẩn trọng theo cả hai chiều”.
Các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia khởi đầu năm 2025 với dự trữ ngoại hối dồi dào. Các nhà chức trách tại đây thường tìm cách chống lại những biến động mạnh trên thị trường thay vì nhắm vào một mức tỷ giá hối đoái cụ thể.
Cho nên, các biện pháp can thiệp - dù thông qua thị trường giao ngay hay công cụ phái sinh - thường là tuyến phòng thủ đầu tiên.
Song, những biện pháp trên có thể khá tốn kém. Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ đã giảm 80 tỷ USD từ mức kỷ lục 705 tỷ USD vào cuối tháng 9/2024. Và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ gần đây có vẻ đang nới lỏng kiểm soát đối với đồng rupee.
Mặc dù có rất ít dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách châu Á đang cạn kiệt “hoả lực” hoặc thiếu vắng những biện pháp ứng phó sáng tạo, rủi ro vẫn còn rất lớn.
Các cuộc khủng hoảng trong quá khứ tại Sri Lanka và Argentina là lời nhắc nhở về những hậu quả tiềm tàng khi tình hình trở nên tồi tệ.
Tuy nhiên, các thị trường mới nổi đang trở nên sáng tạo hơn. Năm ngoái, Malaysia đã tìm cách nâng đỡ đồng nội tệ từ mức đáy 26 năm bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nhà nước “hồi hương” lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư ở nước ngoài.
Trong khi đó, các trái phiếu của ngân hàng trung ương Indonesia được thiết kế để ổn định đồng rupiah bằng cách thu hút dòng vốn ngoại với mức lợi suất hấp dẫn.
Gần đây hơn, Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ cho đồng nhân dân tệ bằng cách hạn chế cho vay bằng đồng tiền này tại Hong Kong.
Ông Jamie Dimon, nhà lãnh đạo ngân hàng lớn nhất nước Mỹ theo quy mô tài sản, cảnh báo nhà đầu tư có thể sẽ gặp phải những bất ngờ khó chịu trên thị trường.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang chịu áp lực lớn từ nguy cơ hàng xuất khẩu bị Mỹ áp thuế quan. CSI 300 thuộc nhóm các chỉ số chứng có thành tích tồi tệ nhất châu Á trong đầu năm 2025.
Đêm 21/1, tỷ phú Elon Musk khẳng định ba công ty công nghệ OpenAI, Oracle và SoftBank không có đủ tiền để thực hiện cam kết đầu tư 500 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng AI của Mỹ.
Trước đây, ông Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố ông có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong một ngày nếu tái đắc cử chức tổng thống Mỹ.