Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 5/9, chỉ số S&P 500 đã giảm 0,3% và đóng cửa ở mức 5.503 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 219 điểm, tương đương 0,54% và chốt phiên với 40.776 điểm.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 025%, lên 17.128 điểm. Đầu phiên, Nasdaq Composite có lúc đã tăng tới 1,2% trong bối cảnh nhiều cổ phiếu công nghệ như Tesla, Nvidia, Amazon lên giá.
Trong hai phiên giao dịch trước đó, cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều đi xuống. Từ đầu tuần đến nay, ba chỉ số trung bình chính đang cùng ghi nhận kết quả tiêu cực.
Theo ông Arun Sai, chiến lược gia cấp cao tại Pictet Asset Management, thị trường lại trở nên lo sợ về tăng trưởng kinh tế.
Dữ liệu mới nhất về thị trường lao động đã gửi những tín hiệu trái chiều về sức khỏe nền kinh tế Mỹ. Hiện thị trường vẫn đang lo lắng xem liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất hay không.
Một mặt, dữ liệu việc làm phi nông nghiệp tư nhân của ADP cho thấy các doanh nghiệp chỉ tuyển dụng thêm 99.000 người lao động trong tháng 8, thấp hơn so với kết quả 111.000 vào tháng 7 cũng như dự báo 140.000 của các chuyên gia. Đồng thời, đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2021.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu cho tuần kết thúc vào ngày 5/9 lại ở mức 227.000, giảm 5.000 so với kết quả đã điều chỉnh của tuần liền trước.
Gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ đã tỏ ra nhạy cảm quá mức trước những lo ngại về tăng trưởng. Vào ngày 3/9, chứng khoán Mỹ bị bán tháo sau khi hai dữ liệu chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất được công bố.
Dữ liệu về thị trường lao động đang được theo dõi chặt chẽ và mọi sự chú ý đang đổ dồn vào báo cáo việc làm tháng 8 vào ngày 6/9. Báo cáo việc làm tháng 7 là nguyên nhân thúc đẩy nỗi lo suy thoái trên thị trường và tạo ra đợt bán tháo ngày 5/8 khiến Dow Jones mất hơn 1.000 điểm.
Ông Mark Malek, Giám đốc đầu tư tại Siebert Financial, nhận định rằng nếu báo cáo việc làm vượt xa kỳ vọng của thị trường, sẽ có những diễn biến lớn theo cả hai hướng. “Nếu có bất kỳ sự sai lệch nào, chúng tôi dự kiến sẽ có nhiều biến động hơn”, ông nói.
Trong một diễn biến khác, cổ phiếu Tesla đã tăng 4,9% sau khi nhà sản xuất xe điện này thông báo kế hoạch ra mắt chế độ lái tự động (full self-driving) tại thị trường châu Âu và Trung Quốc vào đầu năm tới.
Trong khi đó, cổ phiếu Frontier Communications giảm 9,5% sau khi Verizon tuyên bố sẽ mua công ty này trong một thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD. Mức định giá trên thấp hơn giá chốt phiên hôm 5/9. Cổ phiếu Verizon cũng giảm 0,4%.
Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát giá tiêu dùng đã tăng trở lại trong tháng cuối cùng của năm 2024.
Nỗ lực tách rời các nhà cung cấp thực phẩm phương Tây của Trung Quốc sẽ tạo ra sự thay đổi lớn đối với thị trường thương mại nông sản toàn cầu trị giá hơn 1.000 tỷ USD và gây ảnh hưởng lâu dài đến nhiều quốc gia.
Đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu toàn cầu đang tăng tốc, làm bùng lên nỗi lo về tình hình tài chính của chính phủ các nước và có khả năng kéo chi phí đi vay của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp lên cao hơn.
Ngày 15/1, trang tin CNA cho biết nhà chức trách Hàn Quốc đã thực hiện việc bắt giữ Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol.